Friday, July 18, 2025

Rắn độc cắn: Đừng đánh đổi mạng sống vì “thầy lang”, thuốc lá


Một bệnh nhân 50 tuổi tại Lào Cai nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi bị rắn cắn, thay vì đến bệnh viện, ông lại chọn điều trị bằng thuốc lá tại nhà thầy lang.

Chậm trễ cấp cứu: Suy hô hấp, ngừng tim, tổn thương não

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị rắn cắn vào khoảng 12h30 trưa nhưng lại đến thầy lang đắp thuốc lá rồi về nhà. Khoảng 2 giờ sau khi bị cắn, bệnh nhân bắt đầu nói khó. Trên đường đến bệnh viện, trước khi tới nơi 20 phút, bệnh nhân xuất hiện gồng cứng người, tím tái, suy hô hấp, hôn mê và ngừng tuần hoàn.

Tại bệnh viện tuyến huyện, đội ngũ y bác sĩ đã cấp cứu, giúp tim bệnh nhân đập trở lại và đặt ống nội khí quản, sau đó chuyển về Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn do bị rắn hổ mang chúa cắn.

Hiện bệnh nhân vẫn hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương tim, đang được hồi sức tích cực và hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Tuy nhiên, nguy cơ tổn thương não nặng nề và tử vong là rất cao.

“Thời gian” quý hơn vàng khi bị rắn cắn

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh: “Với các loại rắn độc, thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân có thể chỉ trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Nếu không đưa đến cơ sở y tế kịp thời để sử dụng huyết thanh kháng độc đặc hiệu, hậu quả thường là hoại tử, mất một phần cơ thể, liệt cơ hô hấp, ngừng tim, tổn thương não và thậm chí là tử vong.”

Các loại rắn như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, một số loài hổ mang, rắn biển, rắn lục núi, rắn lục đầu bạc có độc tố thần kinh tác động gây liệt cực nhanh, đe dọa tính mạng trong vài giờ đầu. Trong khi đó, các biện pháp dân gian như đắp, uống thuốc lá, bôi thuốc thảo dược, dùng “hòn đá chữa rắn cắn” hay “thuốc gia truyền” đều không có tác dụng trung hòa nọc độc. Hơn thế, chúng còn làm mất đi thời gian quý báu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị đúng cách. Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia y học đều thống nhất khuyến cáo không dùng thuốc y học cổ truyền để điều trị rắn độc cắn.

Thực tế, Trung tâm Chống độc từng chứng kiến trường hợp tử vong là con một thầy lang nổi tiếng chuyên chữa rắn độc cắn. Người này bị hổ mang chúa cắn nhưng gia đình tự dùng thuốc y học cổ truyền tại nhà và đã không qua khỏi.

Bác sĩ Nguyên cũng lưu ý, có những trường hợp rắn độc cắn nhưng không bơm nọc hoặc bơm rất ít (“vết cắn khô”), chiếm tới 30% với rắn hổ mang. Những trường hợp này, nếu được thầy lang chữa, bệnh nhân không có biểu hiện nhiễm độc sẽ dễ bị lầm tưởng là do thuốc dân gian có tác dụng. Tuy nhiên, việc mong chờ “vết cắn khô” là cực kỳ rủi ro, có thể đánh đổi bằng tính mạng.

Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị rắn độc cắn tại các bệnh viện đã tốt hơn rất nhiều. Các bác sĩ có thể cấp cứu, giữ mạng sống, hội chẩn online với chuyên gia tuyến trên để nhận dạng rắn và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Sơ cứu và phòng ngừa đúng cách

Khi nghi ngờ bị rắn độc cắn, người dân cần:

Bình tĩnh và hạn chế vận động vùng bị cắn.

Nếu bị cắn bởi rắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia…), băng ép toàn bộ vùng bị cắn bằng băng hoặc vật liệu mềm, sau đó buộc nẹp tương tự cố định gãy xương để hạn chế nọc độc lan vào cơ thể.

Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển hoặc cõng. Khi vận chuyển, giữ vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim.

Tuyệt đối không rạch vết cắn, không đắp bất kỳ loại lá hay thuốc nào lên vết thương, và không mất thời gian tìm thầy lang.

Nếu bệnh nhân bị liệt, khó thở trước khi đến bệnh viện, cần cấp cứu và hỗ trợ hô hấp ngay tại chỗ nếu có điều kiện.


PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img