Khu vực quanh cổng các bệnh viện Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Nhân dân 115 và Đại học Y Dược TP.HCM xuất hiện nạn bán điện thoại ‘iPhone’ giả.

Người phụ nữ bán vé số trước Bệnh viện Chợ Rẫy chào bán chiếc điện thoại iPhone giả với giá 3 triệu đồng
ẢNH: THANH NIÊN
Nhưng sau đó, nạn nhân phát hiện chiếc điện thoại này là hàng giả, không chạy hệ điều hành IOS dành cho iPhone mà chạy hệ điều hành Android. Trong đó, một chiếc điện thoại không thể truy cập các ứng dụng, cũng như mạng internet.
Bạn đọc Báo Thanh Niên bày tỏ sự quan tâm và phản ánh hành vi lừa đảo tương tự cũng xuất hiện tại khu vực quanh cổng một số bệnh viện lớn ở trung tâm TP.HCM.
Để xác minh thông tin và cảnh báo đến người dân, chúng tôi đã vào vai thân nhân đi thăm bệnh, ngồi vật vờ quanh cổng các bệnh viện lớn như: Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Nhân dân 115 và Đại học Y Dược TP.HCM. Tại đây, chúng tôi được những người bán vé số lén lút chào bán điện thoại “iPhone đời mới”.
Trưa 18.7, dáng vẻ mệt mỏi, chúng tôi ngồi bệt ở vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn trước Bệnh viện Chợ Rẫy, phường An Đông (quận 5 cũ) thì một nhóm khoảng 3 – 4 phụ nữ quẩy túi chéo, bán vé số đến tiếp cận.
Mời vé số chỉ là phụ, một người trong nhóm áp sát, nhanh nhảu kéo túi chéo, để lộ chiếc điện thoại “iPhone 3 mắt (tức từ dòng iPhone 11 trở lên) mới ken, thu hút ánh nhìn của chúng tôi. Người này kề tai nói nhỏ: “Có cái iPhone xịn, giá 3 triệu đồng nè”, rồi dúi chiếc điện thoại vào tay chúng tôi.
PV hỏi về nguồn gốc máy thì người phụ nữ tỉnh bơ: “Hàng nhặt được, không có giấy tờ gì đâu, lấy không bớt cho 500.000 đồng”. Người phụ nữ chỉ cho kiểm tra sơ qua rồi liên tục giục chúng tôi mua chiếc điện thoại.
Nhìn bên ngoài chiếc iPhone mới toanh, các ứng dụng giống với ứng dụng thuộc hệ điều hành IOS. Song trọng lượng máy thì nhẹ hơn, trong khi nhìn kỹ phát hiện các ứng dụng này có một số điểm khác, rất nhỏ.
Một số ứng dụng bị lỗi, không hoạt động được hoặc hoạt động chập chờn. Chúng tôi bấm vào phần kiểm tra hệ điều hành thì bị người phụ nữ ngăn cản, giật lại máy: “Không mua thì thôi, coi gì dữ vậy”, rồi nhanh chóng bỏ đi.

Người bán vé số dùng nón lá che chắn để chào bán chiếc điện thoại iPhone giả trước Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
ẢNH: THANH NIÊN
Chiều 18.7, người phụ nữ còn rất trẻ, đeo túi chéo trước bụng, tay cầm xấp vé số đi dọc trên vỉa hè đường Hồng Bàng, đoạn trước Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, phường Chợ Lớn (quận 5 cũ). Người phụ nữ áp sát một vị khách ven đường, nói “Em mới lượm được chiếc điện thoại iPhone đời mới, anh mua không em bán rẻ cho”.
Dứt câu, người này mở túi lấy ra chiếc điện thoại iPhone 3 mắt cho khách xem nhưng tay còn lại vẫn cẩn thận dùng nón lá che chắn tầm nhìn từ những người xung quanh.
“Tôi nhờ người ta mở khóa điện thoại rồi. Cần tiền đóng tiền học cho con nên muốn bán đi, giá 5 triệu đồng”, người phụ nữ thúc vị khách mua điện thoại nhưng người này từ chối.
Người phụ nữ bỏ đi được vài mét thì lại mời chào một người khác mua điện thoại nhưng bất thành. Khoảng 15 phút sau, người phụ nữ đến đường Ngô Quyền, đoạn trước Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì tiếp tục mời chào một người khác mua điện thoại.
Chiều 18.7, chúng tôi dừng xe trên đường Dương Quang Trung, đoạn trước Bệnh viện Nhân dân 115, phường Hòa Hưng (quận 10 cũ) thì một phụ nữ bán vé số dạo tiếp cận.
Trong lúc mời vé số, người này dúi vào tay chúng tôi cuốn sổ dò vé số. Hé cuốn sổ ra, bên trong là chiếc điện thoại “iPhone 16 Pro Max” và nói mới lượm được, muốn bán giá 4 triệu đồng. Qua kiểm tra, chúng tôi xác định đây là chiếc điện thoại iPhone giả, với các đặc điểm như trên.
Chiếc iPhone giả để gọn trong cuốn sổ xổ số
ẢNH: THANH NIÊN
Không chỉ điện thoại giả, quanh khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ khoảng 30 phút, chúng tôi được một số người đàn ông liên tục tiếp cận, chào bán đồng hồ “Rolex, Casino”, nói là đồ lượm được, bán giá từ 500.000 – 1 triệu đồng. Tất cả thiết bị này đều nhẹ hều, có đồng hồ chạy sai ngày.
Chủ một quán ăn trước Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đã quá quen với tình trạng những người bán vé số tiếp cận người dân từ tỉnh lên, nhẹ dạ để lừa đảo bán điện thoại, đồng hồ giả. Sau khi mua đã thanh toán vài triệu đồng, người bán nhanh chóng bỏ đi thì nạn nhân mới phát hiện đồ giả, không sử dụng được, không sạc pin được hoặc bị lỗi.
Người dân khu vực cho hay, nhiều lần thấy tình trạng trên nhưng tại thời điểm xảy ra họ không dám can thiệp, chỉ chờ những người bán vé số đi mới dám đến hỏi han, cảnh báo.
Có lần thấy người bán vé số tiếp cận chúng tôi định lừa bán điện thoại giả, tài xế xe ôm công nghệ trước Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ngoắc tay hỏi thăm: “Anh có bị dính chưởng mua điện thoại không? Hàng dỏm, lừa đảo không thôi. Nó hay lựa người ở quê lên để lừa. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp mua xong có sử dụng được đâu”.
Không chỉ điện thoại giả, đồng hồ giả cũng được chào hàng
ẢNH: THANH NIÊN
Những chiếc điện thoại “iPhone xịn” chỉ là vỏ bọc cho một chiêu trò lừa đảo cũ, song vẫn phát huy hiệu quả trước những người nhẹ dạ, cả tin.
Sự cả tin ấy có thể khiến người dân mất đi số tiền dành dụm chữa bệnh, ăn uống giữa thành phố. Sự cảnh giác chưa đủ, thì những “cú lừa” vẫn còn đất sống. Đã đến lúc lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra khu vực quanh các bệnh viện, bảo vệ người dân khỏi những cái bẫy giăng sẵn ngay giữa đời thường.
Nguồn: thanhnien.vn