Monday, July 21, 2025

Hướng đi bền vững cho ngành nuôi biển Việt Nam

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngành nuôi biển tại Việt Nam đang đứng trước những ngã rẽ: giữ nguyên phương thức truyền thống hay chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group kiêm Chủ tịch HĐQT STP Aqua Quảng Ninh, đồng thời là thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), về những nỗ lực, thách thức và tầm nhìn dài hạn để biến nghề nuôi biển thành “cụm công nghiệp trên biển” thực sự bền vững và hội nhập quốc tế.

Hướng đi bền vững cho ngành nuôi biển Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group kiêm Chủ tịch HĐQT STP Aqua Quảng Ninh, đồng thời là thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA).

– Bà chia sẻ cụ thể về những mô hình hoặc công nghệ nào đang được Tập đoàn triển khai nhằm thúc đẩy nuôi biển bền vững?

Đầu tiên, tôi xin nói về mô hình cũng như công nghệ mà tập đoàn STP Group đã triển khai trong gần 8 năm qua tại các tỉnh ven biển tại Việt Nam. Chúng tôi đã thực hiện trang trại theo mô hình kiểu mẫu để chuyển đổi dần công nghệ và vật liệu nuôi trồng thuỷ sản thô sơ theo truyền thống của bà con bằng tre, nứa, phao xốp sang vật liệu chính là vật liệu HDPE. Đây là vật liệu có thể tái sinh rất nhiều lần và bền vững, đảm bảo được yếu tố về bảo vệ môi trường và khắc phục những yếu tố của biến đổi khí hậu.

Thứ hai, chúng tôi đã chuyển đổi tích hợp bằng những công nghệ như đánh chìm lồng cùng công nghệ tích hợp định vị. Như sau cơn bão Yagi vừa qua, chúng tôi đã tìm được lồng nuôi trồng của mình ở trên biển thông qua thiết bị định vị.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích hợp với các công nghệ hiện đại đó là cho ăn tự động, giám sát các loài nuôi bằng camera để thăm khám và biết được tình hình sức khỏe, chữa bệnh cho cá. Đó chính là những công nghệ tích hợp mà cả thế giới hiện nay đã sử dụng những lồng nuôi ngoài đại dương, thậm chí là rất xa ngoài 6 hải lý. Công nghệ này chúng tôi đã đưa về Việt Nam và hiện tại đã được một số tỉnh đưa vào thành quy chuẩn của địa phương và đã được sử dụng rất tốt tại đó.

– Với vai trò là Tổng Giám đốc STP Group và Chủ tịch HĐQT STP Aqua Quảng Ninh, bà đã gặp phải những thách thức nào trong việc điều hành và phát triển các dự án nuôi biển?

Tôi nghĩ rằng, nuôi biển là một khái niệm rất mới tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi gặp thách thức đầu tiên đó là sự nhận diện của các cấp chính quyền Trung ương, địa phương, thậm chí là của bà con về nghề nuôi biển và lý do phải chuyển đổi sang hướng đi này.

Hướng đi bền vững cho ngành nuôi biển Việt Nam

Một khu vực nuôi biển của công ty STP Aqua Quảng Ninh.

Tôi còn nhớ, khi lần đầu tiên chúng tôi đi truyền thông cùng với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn trước đây (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và nhiều bộ, ngành khác về xúc tiến đầu tư, cải tiến khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, thì chúng tôi đều gặp những rào cản rất lớn bởi sự nghi ngờ của các địa phương.

Khó khăn thứ hai chính là sự chồng chéo về các văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến các luật như: đất đai, đầu tư, luật biển và các yếu tố bảo hiểm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư như tập đoàn STP chúng tôi. Đặc biệt, nó cũng ảnh hưởng đến chuỗi liên kết khi chúng tôi đã cùng bà con đồng hành và đầu tư. Chúng tôi đã gặp khó khăn trong việc phải giải thích, chia sẻ với bà con và thậm chí là chịu chấp nhận thiệt hỏi về giá trị đầu tư vì chưa nhìn thấy điểm hòa vốn.

Điều mà chúng tôi vô cùng khát khao đó là việc cần có một sự rõ ràng, cụ thể trong các văn bản pháp luật của ngành Nông nghiệp và Môi trường để chúng tôi có thể được văn bản hoá và chỉ làm việc với một cấp bộ hoặc một cấp sở ở phía dưới.

Mặc dù, chúng tôi đang là một doanh nghiệp tiên phong tại tỉnh Quảng Ninh về nuôi biển, nhưng việc xin cấp phép cho dự án vẫn vô cùng khó khăn. Cái cần tháo gỡ ở đây là việc chính quyền các cấp và thậm chí Chính phủ phải vào cuộc. Bởi đây là việc tháo gỡ giữa ngành giao thông trên biển và ngành nông nghiệp trên biển cộng với ngành du lịch. Hiện, ba ngành này đang có những luật pháp chồng chéo nhau và làm cho những người tham gia hoạt động đầu tư trên biển, nuôi trồng thuỷ sản như chúng tôi gặp nhiều khó khăn và bất lợi.

– Bà chia sẻ về tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp trong việc phát triển ngành nuôi biển bền vững, đặc biệt là các kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế và hợp tác với các đối tác nước ngoài?

Điều đầu tiên, chúng tôi khẳng định tầm nhìn về chiến lược nuôi biển của Việt Nam nói chung, của Tập đoàn STP chúng tôi nói riêng, là đúng đắn. Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào sự định hướng của Đảng, Chính phủ cũng như là của các ngành, các cấp đã cùng phối hợp cho ra đời rất nhiều văn bản. Đặc biệt, sau Nghị quyết 68, bổ sung bổ sung thêm Nghị quyết 138, chúng tôi nhìn rõ bức tranh sáng trong thời gian tới. Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng vào tầm nhìn của mình. Chúng tôi cũng đang nỗ lực cùng với các ngành, các cấp để thực hiện các dự án thí điểm.

Với các dự án thí điểm đó, chúng tôi cũng đã chia sẻ qua các phương thức truyền thông của mình cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Thủy sản Việt Nam và các chi cục thủy sản của địa phương đi xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Na Uy và Châu Âu. Qua đó, mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư. Tôi nhận thấy, thái độ của nước bạn đối với các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam có thể xuất khẩu sang họ là vô cùng tiềm năng. Song, vấn đề chính của chúng ta đó là các sắc thuế, các luật về đầu tư. Cùng với đó, các yếu tố về chất lượng của sản phẩm phải được đảm bảo về bảo vệ môi trường.

Việc triển khai các cuộc xúc tiến đầu tư là một tầm nhìn chiến lược của ngành. Chúng tôi vô cùng mong muốn có sự chung tay của các cơ quan thông tấn, báo chí và hướng truyền thông của các ngành trong nước cũng như sự phối hợp của địa phương để cùng nhau tiến được những bước đi hiệu quả, sắc nét hơn.

Trân trọng cảm ơn bà!

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img