Sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ cấp nước sạch tại khu vực nông thôn của TP.Đà Nẵng mới chỉ đạt hơn 60%, địa phương đặt mục tiêu trong 5 năm đến nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch khu vực này lên 80%.
Tại tỉnh Quảng Nam (cũ), tỷ lệ cấp nước sạch đô thị đạt gần 85%, khu vực nông thôn đạt 95,7%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế hơn 53,3%.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Đà Nẵng, sau hợp nhất, tỷ lệ hộ dân nông thôn của TP.Đà Nẵng (mới) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế chỉ đạt tỷ lệ hơn 60%.
Trong 5 năm tới, TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 80%. Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), ở khu vực TP.Đà Nẵng cũ, công tác cấp nước có một số khó khăn như nguồn nước thô trên sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn, mực nước sông Yên (tại thượng lưu đập dâng An Trạch) hạ thấp.

Công trình đập An Trạch nằm trong lộ trình đầu tư nâng cấp
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Hệ thống cấp nước nông thôn, các cụm xử lý nước thô sơ, có công suất nhỏ, phân tán; đường ống một số nơi xuống cấp do thiên tai hằng năm, một số trạm ngưng hoạt động vào mùa hè do cạn nguồn nước…
Tại khu vực Quảng Nam cũ, một số nhà máy nước cũng bị nhiễm mặn, mực nước sông hạ thấp, nhiều khu vực thiếu nước sinh hoạt khi nắng hạn.
Sở Xây dựng cho biết, sau sáp nhập, TP.Đà Nẵng ưu tiên nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, nhất là khu vực miền núi.
Cụ thể, thành phố đôn đốc đầu tư các trạm xử lý nước công suất 2.000 m3/ngày; phát triển mạng lưới cấp nước cho các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Nam Mỹ… (P.Hải Vân); vận hành Nhà máy nước Hòa Liên và tháo gỡ khó khăn 2 dự án nhà máy nước sạch Bắc Trà My (xã Trà My), Trung Phước (xã Quế Sơn)…
Trong lộ trình đầu tư các nhà máy cấp nước theo quy hoạch, địa phương ưu tiên đầu tư Nhà máy nước Phú Thuận (công suất 7.000 m3/ngày) phục vụ cho vùng B Đại Lộc trước đây; nâng công suất Nhà máy nước Ái Nghĩa lên 10.000 m3/ngày…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hà Nam, trong thời gian đến thành phố đảm bảo cấp nước, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, kiện toàn phương án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước, lập kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước an toàn.
Trong đó, chú trọng xử lý một số vướng mắc, phát sinh về công tác quản lý cấp nước sau hợp nhất, giá bán lẻ nước sạch giữa các nhóm khách hàng sau khi hình thành các phường, xã mới, đặc biệt là các hộ dân cư ở nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm, thành phố đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuyển nhiệm vụ đầu tư các công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế, đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện, nâng cấp hệ thống thủy lợi An Trạch (đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh) về cho thành phố để triển khai cùng với công trình ngăn mặn cho hạ lưu sông Thu Bồn. Việc điều chuyển để tập trung đầu tư nhằm đảm bảo sử dụng bền vững nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, hạn chế nhiễm mặn.
Nguồn: thanhnien.vn