Tuesday, July 22, 2025

Trung Quốc bắt đầu xây dựng siêu đập thủy điện

Tờ China Daily hôm nay 21.7 đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện dự án xây đập thủy điện siêu lớn ở hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố.

Tại lễ động thổ ngày 19.7 ở thành phố Nyingchi thuộc khu tự trị Tây Tạng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã công bố khởi công dự án xây đập thủy điện nói trên, bao gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1.200 tỉ nhân dân tệ (167,8 tỉ USD), theo China Daily.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng siêu đập thủy điện

Đập Tam Hiệp ở Trường Giang (Trung Quốc) hiện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới Ảnh: Chụp màn hình Tân Hoa xã

Mô tả dự án thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố là dự án của thế kỷ, Thủ tướng Lý kêu gọi áp dụng các công nghệ, thiết bị, kỹ thuật và vật liệu tiên tiến để hỗ trợ mạnh mẽ cho việc xây dựng dự án chất lượng cao. Ông Lý lưu ý rằng dự án thủy điện này có quy mô lớn, thời gian thi công dài và tác động sâu rộng.

Ông Lý nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn sinh thái để ngăn ngừa thiệt hại môi trường. Ông kêu gọi những nỗ lực tỉ mỉ trong việc di dời và tái định cư các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án, cũng như kết hợp việc phát triển cơ sở hạ tầng với việc tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Tập đoàn Yajiang China đã ra mắt gần đây để đảm bảo việc xây dựng và vận hành suôn sẻ dự án thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố, chủ yếu cung cấp điện cho tiêu dùng bên ngoài đồng thời đáp ứng nhu cầu tại Tây Tạng.

Dự án siêu đập thủy điện nói trên được chính phủ Trung Quốc phê duyệt vào tháng 12.2024. Dự án trên con sông dài nhất ở Tây Tạng này dự kiến có công suất gấp 3 lần đập Tam Hiệp ở Trường Giang và vượt xa bất cứ công trình hạ tầng nào trên thế giới, theo tờ South China Morning Post.

Dự án đập thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố dự kiến tạo ra gần 300 tỉ kWh điện/năm. Để so sánh, đập Tam Hiệp hiện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới được thiết kế để sản xuất 88,2 tỉ kWh.

Sông Nhã Lỗ Tạng Bố chảy qua cao nguyên Tây Tạng, tạo ra hẻm núi sâu nhất thế giới và chảy qua độ cao chênh lệch đáng kinh ngạc là 7.667 m, trước khi đến Ấn Độ, nơi con sông này được gọi là sông Brahmaputra.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img