Thursday, July 24, 2025

Bê bối hiến tạng khi tim còn đập hé lộ ‘khoảng tối’ của ngành y tế Mỹ


VTV.vn – Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) hôm 21/7 đã công bố kế hoạch cải tổ toàn diện hệ thống hiến tạng quốc gia, sau khi một cuộc điều tra liên bang xác minh phát hiện “những trường hợp gây sốc”.

Theo kết quả điều tra từ Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Y tế HRSA thuộc HHS, trong tổng số 351 trường hợp hiến tạng chưa hoàn tất, có đến 73 ca bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu thần kinh khi chưa đủ tiêu chí chết não, và ít nhất 28 ca bệnh nhân vẫn còn sự sống khi quá trình lấy tạng đã bắt đầu. HHS ghi nhận một số bệnh viện đã cho phép tiến trình thu tạng được bắt đầu khi nạn nhân vẫn còn đáp ứng kích thích thần kinh – điều “rất đáng kinh ngạc” và “gây kinh hoàng” theo lời Bộ trưởng HHS Robert F. Kennedy Jr.

Ông Kennedy nhấn mạnh: “Các bệnh viện đã cho khởi động tiến trình thu tạng khi bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu sự sống, và điều này thật kinh khủng. Hệ thống phải được sửa chữa, đảm bảo đạo đức trong y học”.

Cuộc điều tra bắt nguồn từ những tố cáo về thủ thuật lấy tạng đối với TJ Hoover, một người đàn ông ở Kentucky 33 tuổi, từng được tuyên bố đã chết não nhưng bất ngờ tỉnh lại khi đang trong phòng mổ chuẩn bị lấy tạng. Vụ việc đã bị phanh phui tại phiên điều trần Hạ viện Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái.

Một vụ việc khác tiếp tục khiến dư luận y tế và xã hội Mỹ rúng động là trường hợp của bà Misty Hawkins. Vào mùa xuân năm 2024, bà Hawkins (42 tuổi) gặp một tai nạn bất ngờ khi đang ăn đã khiến bà bị nghẹn, dẫn đến tình trạng hôn mê sâu. Trước tiên lượng xấu, mẹ bà phải đưa ra quyết định vô cùng đau đớn: rút máy thở và đồng ý hiến tạng con gái để cứu người.

Tại Bệnh viện Flowers ở bang Alabama, các bác sĩ lập tức chuẩn bị cho ca phẫu thuật lấy nội tạng vì thời gian là yếu tố quyết định. Nếu chậm trễ, các tạng có thể không còn sử dụng được. Khi Hawkins được đưa vào phòng mổ, bác sĩ tháo máy thở và tiêm thuốc an thần. Sau 103 phút, bà được tuyên bố tử vong. Tuy nhiên, chỉ 5 phút sau khi đội phẫu thuật bắt đầu ca mổ, điều không tưởng đã xảy ra: tim bà bất ngờ đập trở lại. Các bác sĩ xác nhận nhịp tim đủ mạnh để bơm máu đến toàn bộ cơ thể. Bà bắt đầu thở hổn hển – dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự sống vẫn hiện diện.

Ngay lập tức, ca phẫu thuật được dừng lại, các bác sĩ tiến hành khâu lại vết mổ. Tuy nhiên, chỉ 12 phút sau đó, bà Hawkins được tuyên bố tử vong lần thứ hai. Toàn bộ nội tạng dự kiến hiến tặng không thể sử dụng. Gia đình bà không hề hay biết về diễn biến kỳ lạ này cho đến hơn một năm sau, khi vô tình đọc được thông tin đăng tải trên báo chí.

Hôm qua (ngày 22/7), Tiểu ủy ngành Y tế và Thương mại đã tổ chức phiên điều trần quy mô, tập trung vào tính nghiêm trọng của bê bối. Chủ tịch Ủy ban – ông John Joyce – mô tả: “Đây không phải là trường hợp đơn lẻ, mà là một chuỗi các báo cáo khủng khiếp… xác nhận rằng cần phải có cuộc điều tra sâu rộng”.

Giám đốc HRSA – ông Raymond Lynch – cho biết: “Hiện còn có các báo cáo tương tự tại các Tổ chức thu nhận nội tạng (OPO) khác trên toàn quốc, đồng thời HRSA sẽ tiếp tục triển khai các cuộc điều tra mới”.

Bản điều tra của HRSA còn chỉ ra những yếu kém nghiêm trọng trong việc đánh giá thần kinh không chính xác, thiếu hợp tác với đội ngũ y tế chính tại bệnh viện, thủ tục đồng ý hiến không minh bạch, có xu hướng “ép” thực hiện nhanh, phân loại nguyên nhân chết sai lệch…

Ngoài các trường hợp hiến khi chết não (brain-dead), hiện nay ngày càng phổ biến hình thức hiến tạng sau khi tim ngưng đập (DCD). Theo AP, khoảng 50% trường hợp hiến là thuộc DCD, nơi bệnh nhân chưa phải não chết nhưng bị tổn thương không hồi phục.

TS. Robert Cannon (ĐH Alabama) cho rằng DCD vẫn được luật pháp Hoa Kỳ chấp nhận nếu gia đình đồng ý, nhưng cần đảm bảo thông tin minh bạch và sự tạm dừng việc lấy tạng khi nghi ngờ sự sống.

Một số vụ phanh phui “hiến tạng khi tim còn đập” đã làm nhiều gia đình rút khỏi danh sách hiến tạng, gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho lĩnh vực hiến tạng. Theo HRSA, một người Mỹ chết não có thể cứu sống tới 8 người khác.

Con số chờ ghép tại Mỹ hiện vào khoảng hơn 103.000 bệnh nhân, trong đó khoảng 13 người chết mỗi ngày khi chưa có được quả tim, gan, thận cần thiết.

Cuộc khủng hoảng về quy trình thu tạng tại Kentucky và nguy cơ lan rộng trong cả hệ thống OPO đã buộc HHS phải tiến hành các hoạt động tổ chức thanh tra, cải cách sâu rộng, bổ sung quy định minh bạch và trách nhiệm của từng cá nhân. Đây là tín hiệu cảnh tỉnh đối với ngành y tế Mỹ, một hệ thống có nhiệm vụ cứu giúp mạng sống cho hàng chục nghìn người đang chờ ghép tạng, nhưng lại có thể gây tổn thương cả về sinh mệnh người hiến và lòng tin của cộng đồng.

Trong thời gian tới, các biện pháp bắt buộc như dừng thu tạng khi có dấu hiệu sự sống, báo cáo minh bạch, đào tạo nhân viên, và tổ chức tiếp nhận khiếu nại được kỳ vọng sẽ xây dựng lại niềm tin của người dân Mỹ vào hệ thống hiến tạng – nơi mà một sự sai sót dù nhỏ cũng có thể gây nên hậu quả khôn lường.


PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img