Wednesday, July 23, 2025

Cảnh giác với lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão số 3

Bão số 3 đổ bộ vào đất liền với cường độ không mạnh nhưng đáng lo hơn là mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão khiến nhiều khu vực ở Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An những ngày tới có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong ngày 22.7, bão số 3 đã đổ bộ, ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa… và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đáng lưu ý, hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng ở Bắc bộ, bắc Trung bộ từ ngày 21 – 23.7. 

Mưa lớn sau bão phức tạp, khó lường

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hoàn lưu sau bão số 3 đang gây mưa lớn diện rộng và diễn biến phức tạp. Dự báo trong ngày 23.7, khu vực nam Sơn La, nam Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa tiếp tục có mưa lớn.

Cảnh giác với lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão số 3

Sóng biển dâng cao gây ngập lụt đường vào bãi biển Quất Lâm, xã Giao Ninh, tỉnh Ninh Bình

ẢNH; TUẤN MINH

Trong nhiều đợt mưa bão trước đây, khi bão đổ bộ thì thiệt hại trực tiếp ít nhưng nguy hiểm hơn là mưa lớn do hoàn lưu bão. Trong cơn bão số 3, các tỉnh đông bắc Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã có mưa lớn liên tục trong nhiều ngày nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Cũng theo ông Đại, trong nhiều trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra trước đây ở miền Trung, Tây nguyên, miền núi phía bắc thì trước đó đều có những trận mưa với cường xuất lớn lượng mưa trên 100 mm/giờ. Đây là những trận mưa đặc biệt nguy hiểm sẽ khiến các sông, suối nhỏ tạo dòng chảy rất nhanh, gây xói mòn đất đá dẫn đến kích hoạt lũ quét, sạt lở đất.

“Khi có mưa lớn, người dân nên chủ động rà soát địa hình ở xung quanh khu vực đang sinh sống để kịp thời phát hiện tiếng động, âm thanh lạ, các vết lún, nứt là dấu hiệu báo trước của sạt lở đất. Nếu như nhà ở ven sông, suối nhỏ, sườn đồi núi khi có mưa lớn thì ban đêm phải hết sức cảnh giác, nên sơ tán, tìm chỗ an toàn”, ông Đại nói và khuyến cáo trước mỗi đợt mưa lớn, mưa bão người dân cũng nên chủ động theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng địa phương.

6 tỉnh nguy cơ cao có lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 21 – 22.7, các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dự báo mưa kéo dài đến ngày 23.7. Các mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Theo đó, 6 tỉnh trên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cũng theo dự báo từ ngày 22 – 25.7, trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An xuất hiện lũ, biên độ lũ từ 3 – 6 m, nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị, khu tập trung dân cư.

Phan Hậu

Chuyển trọng tâm ứng phó mưa lớn

Sáng 22.7, khi bão số 3 bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác T.Ư đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cảnh giác với lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão số 3

Sóng dữ dội tại ven biển xã Hải Tiến (Ninh Bình)

Ảnh: Tuấn Minh

Tại cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập), nơi đã có hiện tượng ngấm nước, địa phương đã dự trữ khoảng 1.000 m³ đất đắp, phương tiện cơ giới và sẵn sàng phương án huy động khoảng 200 người để xử lý ngay nếu xảy ra sự cố. Phó thủ tướng nhấn mạnh đây là vị trí có nguy cơ cao, cần thường xuyên kiểm tra, trực ban 24/24 giờ trong thời gian bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để ứng phó kịp thời.

Tại hồ Cửa Đạt, công trình thủy lợi, thủy điện quan trọng ở thượng nguồn sông Chu với dung tích 1,4 tỉ m³, đại diện đơn vị quản lý, vận hành cho biết theo tính toán kịch bản cực đoan với lượng mưa khoảng 400 – 500 mm, mực nước hồ Cửa Đạt hiện nay có thể lên đến 104 m, trong khi mực nước dâng bình thường là 110 m. Tuy nhiên, trước khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn vào cuối tuần, phương án điều tiết sớm đang được cân nhắc. Dữ liệu nước từ thượng nguồn đổ về hồ Cửa Đạt, trong đó có thủy điện Hủa Na (Lào) đang được theo dõi, cập nhật liên tục. Tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức chỉ đạo tập trung bảo đảm dữ liệu quan trắc và dự báo được cập nhật liên tục, trực tuyến, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Cảnh giác với lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão số 3

Nhà dân ở xã Vạn Lộc (Thanh Hóa) ngập sâu 0,5 – 1 m

Ảnh: Phạm Đức

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du, Phó thủ tướng lưu ý công tác vận hành phải hết sức chủ động, tính toán kỹ các kịch bản, không để bị động khi mưa lớn xảy ra. Ông yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải theo dõi sát tình hình mưa, dòng chảy về hồ từ lưu vực, nhất là khu vực phía thượng nguồn bên Lào.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trọng tâm ứng phó lúc này phải chuyển sang vấn đề mưa lớn, nhất là khi Thanh Hóa và bắc Nghệ An là những địa bàn trọng điểm về mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3. Do đó, cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn – nơi tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng. Bên cạnh đó, các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng phải được rà soát kỹ lưỡng.

Mưa lớn, nước dâng sau bão gây ngập lụt nhiều nơi

Tại tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 gây mưa lớn từ ngày 21 – 22.7 ở nhiều nơi: Sầm Sơn, Triệu Sơn, Như Thanh, Ba Đình, Hạc Thành có lượng mưa trên 300 mm, đặc biệt tại Nga Sơn (Thanh Hóa) có lượng mưa 412,6 mm gây ngập cục bộ nhiều khu dân cư, tuyến đường và gây sạt lở nhiều nơi.

Tại thôn Thành Lộc, xã Vạn Thành, mưa lớn kéo dài từ sáng 22.7 khiến hàng trăm nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 – 1 m nước. Đây là khu vực có mật độ dân số cao nhất cả nước, các cống thoát nước ở đây nhỏ, hẹp nên khi mưa lớn trút xuống không kịp thoát gây ngập sâu. Mưa lớn cấp tập cũng xảy ra tại khu phố Phú Thọ 3 (P.Hạc Thành, Thanh Hóa) khiến hàng chục nhà dân bị ngập nhanh. Người dân không kịp sơ tán tài sản nên nhiều xe ô tô, xe máy và tài sản bị ngập nước, hư hỏng.

Cùng ngày, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, gồm các xã: Trung Lý, Tam Chung, Mường Lát, Mường Chanh, Thường Xuân, Bá Thước… xảy ra một số điểm sạt lở đất đá vào nhà dân, ách tắc đường giao thông buộc chính quyền phải di dời khẩn cấp hàng ngàn người dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, mái đê sông Cung (thuộc xã Hoằng Châu) bị sạt lở với chiều dài 65 m, chính quyền địa phương phải huy động trên 300 người để khắc phục tạm thời.

Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến trưa 22.7, hơn 74.000 ha lúa đang bị ngập úng do mưa lớn, các địa phương phải huy động 345 máy bơm để tiêu úng cứu lúa. Trên địa bàn tỉnh này cũng xảy ra 2 điểm sạt lở tại núi Vái Giời và đê bối Nam Quần Liêu, lực lượng chức năng đã huy động nhân lực, vật dụng khắc phục tạm thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân đề phòng.

Mưa lớn, gió mạnh bắt đầu từ 12 giờ ngày 22.7, sau đó nước biển dâng cao khiến đường dẫn vào bãi biển Quất Lâm bị nhấn chìm, có nơi ngập sâu gần 1 m. Chỉ sau hơn 2 tiếng bão số 3 đổ bộ, ven biển xã Hải Tiến biển động dữ dội, gió mạnh. Sóng biển cao 4 m đánh thẳng vào các nhà hàng ven biển ở đây khiến nhiều hộ dân phải tạm rời bỏ cửa hàng, cơ sở kinh doanh để tìm nơi tránh trú an toàn.

Tại Hưng Yên, nước biển ở khu du lịch biển Cồn Vành, xã Nam Phú dâng cao hơn 2 m. Nhiều chòi quán ở khu vực này bị sóng biển làm hư hại. Sóng đánh đổ tường, bục nền nhà bê tông, sàn gỗ trong các hàng, quán bị lật tung nham nhở.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 22.7 do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 3, ven biển tỉnh Hưng Yên có gió đông nam thổi mạnh, dồn nước vào ven bờ. Tại các trạm ven biển và các vùng cửa sông ven biển đã có nước dâng từ 0,5 – 0,8 m. Trong đó, tại trạm thủy văn Ba Lạt (Hưng Yên) nước dâng 0,8 m, mực nước cao nhất lúc 14 giờ 50 phút là 2,97 m, vượt mức lịch sử 2017 là 26 cm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img