Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên phát thông báo trên Truth Social, biến nền tảng mạng xã hội thành chiếc “loa phóng thanh” về mọi thứ trong nhiệm kỳ 2.
Công cụ truyền thông của Nhà Trắng
Để đánh dấu 6 tháng đầu của nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump trong ngày 21.7 (giờ VN) đã phát tổng cộng khoảng 40 bài đăng trên tài khoản Truth Social do ông thành lập hồi năm 2022, theo AFP hôm qua. “Cơn lốc” thông tin thể hiện rõ cách thức nhà lãnh đạo Mỹ đã biến Truth Social, dù chỉ chiếm phần không đáng kể trong thế giới mạng xã hội, thành phương tiện truyền thông chủ lực của Nhà Trắng.

Tổng thống Trump tích cực sử dụng tài khoản Truth Social Ảnh: AFP
Sau khi phân tích hơn 2.800 bài đăng trên Truth Social của tài khoản @realDonaldTrump từ thời điểm nhậm chức 20.1 – 20.7, AFP thống kê trung bình ông Trump đăng khoảng 16 thông điệp/ngày, nhiều nội dung toàn bằng chữ in hoa với các dấu chấm than và sử dụng câu từ “phi truyền thống”.
Dù Truth Social có quy mô nhỏ bé so với X (tên cũ Twitter) của tỉ phú Elon Musk, ông Trump có thể trực tiếp thông tin cho khoảng 10,5 triệu người theo dõi, trong số này có những tài khoản báo chí chính thống lẫn giới chính khách, doanh nhân. Và gần như những bài đăng của ông lập tức được chia sẻ trên các mạng xã hội đối thủ như X.
“Trong vòng 1 phút ông Trump đăng bài lên Truth Social, những người khác lập tức bắt thông tin và phát lại”, AFP dẫn lời ông Darren Linvill, chuyên gia mạng xã hội và tin giả của Đại học Clemson (bang Nam Carolina, Mỹ).
Về phần mình, nhà lãnh đạo Mỹ cũng góp phần tạo ra hệ sinh thái truyền thông cánh hữu. Kể từ ngày 20.1 – 20.7, ông đã 101 lần chia sẻ bài của Đài Fox News, 51 lần cho New York Post và tương tự với Breitbart News.
“Phù thủy” truyền thông
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 – 2021), ông Trump dựa vào mạng xã hội Twitter (hiện là X sau khi tỉ phú Musk mua lại) để lan tỏa thông điệp. Tuy nhiên, sau khi tìm cách lật lại kết quả thua cuộc trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, ông Trump bị Twitter lẫn Facebook khóa tài khoản, và trong thời gian ngắn trở thành nhân vật không được hoan nghênh tại Washington.
Sau khi lập ra Truth Social vào năm 2022, ông Trump thường xuyên cập nhật tin tức trên tài khoản này. Và dù đã quay lại các nền tảng mạng xã hội lớn hơn, như tài khoản @realDonaldTrump trên X hiện có 108,1 triệu người theo dõi, nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục ưu ái mạng xã hội do mình lập ra.
Các bài đăng có nội dung rất khó nắm bắt, nhưng tựu trung mang theo công thức riêng của ông Trump là kết hợp chính trị với yếu tố giải trí. Theo thống kê, phân nửa số bài đăng của ông trên Truth Social có ít nhất 1 dấu chấm than và 155 bài toàn chữ in hoa.
AFP dẫn lời nhà sử học Mỹ Alvin Felzenberg nhận định những bài đăng của Tổng thống Trump giúp chủ nhân Nhà Trắng chủ động dẫn dắt sự chú ý của dư luận, và nếu cần có thể đánh lạc hướng truyền thông và buộc giới báo chí phải theo đuổi những chủ đề mới do ông Trump khởi xướng.
Nhà Trắng lên tiếng về hạn chót thuế quan
Chỉ còn 10 ngày nữa, thuế suất cao do chính quyền Mỹ ban hành dự kiến có hiệu lực đối với hàng hóa từ hàng chục nước. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 22.7 thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ thảo luận về vấn đề thuế quan với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người đang có chuyến thăm Washington D.C, theo Reuters. Ông Trump đã tạm hoãn mức thuế đối ứng hồi tháng 4, tuyên bố rằng sẽ chốt được 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày. Tuy nhiên, đến nay, Nhà Trắng thông báo mới chỉ đạt thỏa thuận với vài nước.
Tổng thống Trump hơn 2 tuần qua đã gửi thư cho lãnh đạo hàng chục nước để công bố mức thuế mới mà họ sẽ bị áp khi xuất hàng hóa sang Mỹ từ ngày 1.8 nếu không đạt thỏa thuận thương mại. Trong số đó, Brazil chịu thuế 50%, Canada 35%, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico 30%, Hàn Quốc và Nhật Bản 25%. Bà Leavitt cho hay chính quyền có thể công bố thêm các thỏa thuận thương mại hoặc gửi thư thông báo cho các quốc gia về mức thuế mà họ phải đối mặt trước ngày 1.8.
Theo ABC News, các quan chức Nhà Trắng đã đưa ra những phát ngôn mâu thuẫn liên quan khả năng dời hạn chót. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói rằng các nước vẫn có thể tiếp tục đối thoại với Mỹ sau ngày 1.8, nhưng từ ngày đó, “họ sẽ bắt đầu trả thuế”. Trả lời phỏng vấn CNBC hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent có vẻ đề cập khả năng gia hạn cho một số nước. Mặt khác, vị bộ trưởng nhấn mạnh chính quyền Mỹ quan tâm đến chất lượng của thỏa thuận thương mại hơn là vội vàng chỉ để đạt được thỏa thuận đúng thời hạn.
Liên quan tình hình đàm phán, Reuters hôm qua dẫn lời các nhà ngoại giao EU tiết lộ liên minh đang cân nhắc những biện pháp đối phó tiềm năng đối với Mỹ khi triển vọng đạt thỏa thuận thương mại chấp nhận được với nước này đang mờ dần. Tương tự, các nguồn tin từ chính quyền Ấn Độ thừa nhận khó đạt thỏa thuận tạm thời với Mỹ trước ngày 1.8 vì đàm phán gặp bế tắc do yêu cầu từ cả hai phía.
Vi Trân
Nguồn: thanhnien.vn