Saturday, July 26, 2025

Cảnh báo các dịch bệnh nổi lên trong mùa hè 2025


VTV.vn – Mùa hè 2025 đang ghi nhận sự bùng phát của một số dịch bệnh tại các quốc gia ở nhiều châu lục.

Châu Âu ghi nhận đợt bùng phát dịch viêm gan A

Với số lượng người mắc bệnh viêm gan A tăng vọt và những cảnh báo từ các cơ quan y tế quốc tế, nguy cơ đối với du khách đến châu Âu mùa hè này là vô cùng thực tế. Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra khuyến cáo khẩn cấp đối với du khách, đồng thời kêu gọi mọi người tiêm phòng để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này.

Từ tháng 1 đến tháng 5/2025, dịch viêm gan A đã bùng phát mạnh mẽ tại bốn quốc gia châu Âu: Slovakia, Hungary, Cộng hòa Czech và Áo. Tính đến cuối tháng 6, đã có hơn 2.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận và 9 ca tử vong, khiến châu Âu trở thành một trong những khu vực ghi nhận đợt bùng phát viêm gan A nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo của ECDC, Slovakia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 880 ca mắc bệnh. Hungary đứng thứ hai với 530 ca, chủ yếu là người trưởng thành. Cộng hòa Czech cũng ghi nhận một số ca tử vong và hàng trăm ca nhiễm bệnh. Áo, mặc dù không phải là quốc gia có số ca bệnh lớn nhất, nhưng vẫn ghi nhận 87 trường hợp, trong đó có 3 người tử vong.

Mặc dù Đức không phải là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng một số ca bệnh tại Đức có trình tự gene trùng khớp với virus từ Hungary và Áo, cho thấy dịch bệnh có dấu hiệu lây lan trong khu vực.

Viêm gan A là một loại virus lây qua đường tiêu hóa, chủ yếu qua nguồn nước và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Các nghiên cứu cho thấy những nhóm người có điều kiện sống trong môi trường thiếu vệ sinh, như người vô gia cư, người sử dụng ma túy tiêm chích, là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bên cạnh đó, nguy cơ đối với du khách, đặc biệt là trong mùa du lịch hè, là rất thực tế. Với những điểm du lịch nổi tiếng như Prague (Czech), hồ Štrbské Pleso (Slovakia) hay Thủ đô Vienna (Áo), lượng du khách quốc tế đổ về rất đông trong mùa hè này, làm gia tăng khả năng tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan y tế châu Âu đã đưa ra những khuyến cáo mạnh mẽ đối với du khách. ECDC nhấn mạnh rằng, việc tiêm vaccine viêm gan A là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vaccine này có thể được tiêm trước khi đi du lịch hoặc trong vòng hai tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bà Barbora Macková, Giám đốc Viện Y tế công cộng Czech, đã khuyến cáo người dân cũng như du khách tiêm vaccine trước khi bắt đầu kỳ nghỉ hè: “Chúng tôi rất khuyến khích tiêm vaccine viêm gan A, đặc biệt là khi mùa du lịch đang sôi động và các địa phương bị ảnh hưởng đang thu hút một lượng lớn du khách”.

Mỹ ghi nhận số ca mắc sởi cao nhất trong 33 năm

Số ca mắc sởi tại Mỹ trong năm 2025 đã lên đến mức cao chưa từng thấy trong hơn ba thập kỷ qua, làm dấy lên lo ngại về sự trở lại của một căn bệnh từng được xem là đã bị loại trừ tại quốc gia này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến đầu tháng 7, nước này đã ghi nhận 1.288 ca mắc sởi – con số cao nhất kể từ năm 1992, tức là 8 năm trước khi Mỹ tuyên bố đã loại trừ bệnh sởi. Tính từ đầu năm đến nay, dịch sởi đã lan ra hơn 36 bang cùng với Đặc khu Columbia. Trong đó, bang Texas ghi nhận tới 753 ca mắc, trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất tại Mỹ. Tổng cộng cả nước Mỹ đã có 155 người phải nhập viện và 3 ca tử vong do sởi. Ổ dịch tại Texas bắt đầu từ tháng 1/2025 và từng đạt đỉnh với 15-20 ca mắc mới mỗi ngày. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại Mỹ có thể mất tình trạng loại trừ sởi – tức là không còn sự lây truyền liên tục trong vòng 12 tháng. Hiện nay, số ca mắc tại Texas đã giảm, chỉ còn vài ca mỗi tuần, giúp giảm nguy cơ trên. Tuy nhiên, theo bác sĩ Adam Ratner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại New York: “Mỹ vẫn đang đối mặt với nguy cơ mất trạng thái loại trừ sởi, nếu không phải năm nay thì sẽ là những năm sắp tới”.

Nguyên nhân chính khiến sởi bùng phát trở lại tại Mỹ là do tỷ lệ tiêm chủng MMR (sởi, quai bị, rubella) đang giảm sút đáng kể. Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ mẫu giáo hiện chỉ còn 92,7%, thấp hơn mức 95% cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Ở một số cộng đồng nhỏ, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn, tạo điều kiện cho virus phát tán rộng rãi.

Bác sĩ Ratner cho biết, sau đại dịch COVID-19, tình trạng do dự tiêm vaccine gia tăng, dẫn đến nhiều phụ huynh chần chừ hoặc từ chối tiêm chủng cho con cái. “Những ổ dịch như ở Texas sẽ ngày càng xuất hiện thường xuyên và lớn hơn nếu chúng ta không cải thiện nhận thức cộng đồng” – ông cảnh báo.

Dù nhiều người vẫn xem sởi là một bệnh “nhẹ”, nhưng theo CDC, cứ 8 ca mắc sởi thì có 1 người phải nhập viện. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, thậm chí gây tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài, bao gồm mù lòa hoặc mất trí nhớ miễn dịch – tình trạng hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng sau khi nhiễm sởi. Trước khi có vaccine, gần như toàn bộ trẻ em ở Mỹ đều từng mắc sởi và mỗi năm có từ 400-500 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Tiến sĩ Caitlin Rivers nhấn mạnh: “Sởi có thể phòng ngừa dễ dàng và mặc dù thường là bệnh nhẹ, nó vẫn có thể gây ra bệnh nặng. Với các bậc cha mẹ còn đang do dự, đây là lời nhắc quan trọng rằng: Đừng đánh cược với virus – hãy bảo vệ con mình bằng vaccine!”.

Châu Phi “gồng mình” với dịch đậu mùa khỉ

Trong hai tháng 6 và 7/2025, bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục lan rộng và gây lo ngại trên toàn châu Phi, với hơn 24.000 ca nhiễm được báo cáo, trong khi một số quốc gia ngoài lục địa cũng ghi nhận các trường hợp liên quan. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 22/6/2025, có 24.012 ca xác nhận Mpox tại 21 quốc gia châu Phi, với 91 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong khoảng 0,4%. Các ổ dịch tập trung ở Tây, Trung và Đông châu Phi, với nhiều ổ dịch lớn tại Sierra Leone, Liberia, Ghana, Togo…

Biến thể Clade I của bệnh Mpox, cụ thể là subclade Clade Ib, đã tiếp tục gây dịch lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và lan sang các nước láng giềng. Ngoài ra, Ethiopia và Italy ghi nhận chủng Clade Ib vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, trong đó Ethiopia có 6 ca đầu tiên đáng chú ý. Báo cáo của CDC Mỹ vào ngày 19/6/2025 cho biết, Kenya đã xuất hiện ổ dịch Clade Ib từ tháng 7/2024 cho đến tháng 2/2025. Trong 48 ca xác nhận, hơn phân nửa là lái xe đường dài hoặc liên quan đến họ, khoảng 63% nghi ngờ lây truyền qua đường tình dục. Trong số đó, 11 người nhiễm HIV và 1 ca tử vong.

WHO đã tổ chức họp Ủy ban Khẩn cấp các quy định y tế vào ngày 10/7 để đánh giá tình hình dịch Mpox tại châu Phi. Đồng thời, WHO và CDC châu Phi đã cập nhật chiến lược phòng chống, huy động đội ngũ giám sát và nguồn lực đến các điểm nóng, với nhiều biện pháp kịp thời, khẩn trương như: nỗ lực kiểm soát bằng xét nghiệm, truy vết, tiêm vaccine Jynneos và tăng cường truyền thông cộng đồng.


PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img