Điện Biên cụ thể hoá mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân với tinh thần “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.
Khơi thông nguồn lực cho kinh tế tư nhân
Qua đó, nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trong việc phân công, phân cấp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân như một nội dung thường xuyên, quan trọng, lâu dài trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, cụ thể hoá các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp đã được nêu trong các nghị quyết, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn lực cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường và Đoàn công tác kiểm tra trợ lý ảo AI tại Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Điện Biên Phủ.
Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, với tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp đạt trên 50.000 lao động; thu nhập bình quân của người lao động đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Qua đó đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh và tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt 11%/năm giai đoạn 2026- 2030. Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế này vào GRDP và thu ngân sách địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 40% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Phấn đấu hình thành và phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, đồng thời xây dựng được các doanh nghiệp chủ lực có khả năng dẫn dắt sự phát triển trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên – Lê Thành Đô cùng đoàn công tác của Tập đoàn FPT khảo sát thực tế địa điểm đề xuất triển khai xây dựng Tổ hợp Giáo dục FPT tại Điện Biên.
Để đạt được mục tiêu trên, Điện Biên đã đề ra các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Thứ ba, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Thứ năm, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Thứ sáu, hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Thứ bảy, hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Thứ tám, đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Linh hoạt, sáng tạo
Trên thực tế, với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh có trên 1.330 doanh nghiệp; gần 730 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Trong năm 2024, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận đầu tư cho 9 dự án về lĩnh vực khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp; lũy kế đến thời điểm hiện tại có trên 210 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Riêng 6 tháng đầu năm 2025 đã có 100 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 723 tỷ đồng, tăng 35 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng 2025, có 14 hợp tác xã thành lập mới với tổng vốn điều lệ trên 47 tỷ đồng. Dự ước, đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 1.450 doanh nghiệp, tăng 30% so với năm 2020; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 63,6% so với năm 2020.
UBND tỉnh Điện Biên gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn; bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;… Tăng cường kỷ luật tài chính, sử dụng hiệu quả ngân sách. Quản lý thu theo dự toán, khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất. Đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025. Tập trung xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; tháo gỡ kịp thời khó khăn đối với các dự án ngoài ngân sách. Triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư.
Bên cạnh đó, Điện Biên sẽ xây dựng Đề án tổng thể cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung phát triển cây chè, cà phê, mắc ca gắn với địa bàn hành chính cấp xã mới;… Tiếp tục thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâm nghiệp. Tăng cường quản lý rừng; hoàn thành chỉ tiêu khoanh nuôi, trồng rừng; phát triển cây lâm sản ngoài gỗ; nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt tối thiểu 45,5% vào cuối năm 2025. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; rà soát, đánh giá đạt chuẩn các xã sau sáp nhập; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, phát triển cộng đồng; triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Tăng cường quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP.
Với những giải pháp đồng bộ của các cấp chính quyền và nỗ lực, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân của Điện Biên chắc chắn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn