Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, tỉnh Hưng Yên nổi lên như một điểm đến chiến lược cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Khu công nghiệp số 05 được tỉnh Hưng Yên “ưu tiên” cho thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: Vũ Phường)
Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc
Một trong những điểm nổi bật thể hiện tầm nhìn dài hạn của Hưng Yên là việc tỉnh đã chủ động “dành riêng” Khu công nghiệp số 05 cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, ưu tiên đặc biệt cho các nhà đầu tư đến từ Đài Loan – nơi có thế mạnh về thiết kế, sản xuất và lắp ráp các linh kiện điện tử vi mô.
Chính sách này không chỉ thể hiện tinh thần chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, mà còn cho thấy sự chuyển dịch định hướng phát triển của tỉnh từ các ngành công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, bền vững và có giá trị gia tăng lớn.
Không chỉ dừng lại ở định hướng, Hưng Yên còn cho thấy khả năng hiện thực hóa các cam kết của mình thông qua việc đầu tư đồng bộ vào hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông và logistics. Khu công nghiệp số 05 nằm ở vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với hai tuyến cao tốc huyết mạch là Hà Nội – Hải Phòng và Pháp Vân – Cầu Giẽ. Đây là điều kiện tiên quyết đối với ngành công nghiệp bán dẫn, nơi mà tốc độ, sự ổn định và tính kết nối của chuỗi cung ứng đóng vai trò then chốt. Hệ thống điện, nước, xử lý chất thải và cơ sở kỹ thuật tại các khu công nghiệp trọng điểm cũng được đầu tư hiện đại, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía các tập đoàn công nghệ quốc tế.
Ông Nguyễn Tuân, Giám đốc công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ (chủ đầu tư khu công nghiệp số 05) cho biết, khu công nghiệp số 05 có nhiều lợi thế trong kết nối luân chuyển hàng hóa nội địa, quốc tế và thu hút đầu tư cao hơn nhiều so với các khu công nghiệp khác. Được xác định là khu trọng điểm thu hút đầu tư ở Hưng Yên nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng, khu công nghiệp số 5 đã chuẩn bị hạ tầng đồng bộ, chính sách ưu đãi, tiện ích và sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên Vũ Quốc Nghị trao chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp năm 2024 (Ảnh: Vũ Phường)
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm phát triển
Bên cạnh hạ tầng, điểm sáng khác trong môi trường đầu tư tại Hưng Yên chính là cách tiếp cận hành chính công khai, minh bạch, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tỉnh xác định rõ ràng phương châm “hành động – đồng hành – hiệu quả” trong mối quan hệ với nhà đầu tư. Không ít doanh nghiệp lớn đánh giá cao việc chính quyền Hưng Yên chủ động tháo gỡ khó khăn, tổ chức các cuộc gặp định kỳ để lắng nghe và phản hồi kiến nghị, cũng như rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục pháp lý. Điều này đặc biệt quan trọng trong ngành bán dẫn – nơi mà thời gian chính là yếu tố sống còn đối với các nhà sản xuất toàn cầu.
Niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế vào môi trường đầu tư tại Hưng Yên đã được thể hiện rõ nét qua sự hiện diện của những tên tuổi lớn. Năm 2024, tập đoàn Seojin System và Texon Co., Ltd (Hàn Quốc) công bố kế hoạch đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tại cụm công nghiệp Kim Động với tổng vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Đây là một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn và định hướng công nghệ cao, được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho toàn vùng.
Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực điện tử và công nghệ cao cũng đang diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp FDI tên tuổi. Nổi bật trong số đó là Công ty TNHH Công nghệ Good Way Việt Nam (Đài Loan), với dự án nhà máy sản xuất thiết bị ngoại vi máy tính, có tổng vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD.
Bên cạnh đó, Lotes Việt Nam – một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử chính xác cũng đã đầu tư nhà máy quy mô lớn tại khu công nghiệp này. Với tổng vốn đăng ký khoảng 120 triệu USD, nhà máy của Lotes chuyên sản xuất chân kết nối RAM, cáp nối và cấu kiện kim loại phục vụ cho các thiết bị công nghệ cao, bán dẫn và điện tử. Giai đoạn 1 của dự án đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2023, tạo nền tảng cho sự phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực bán dẫn tại Thái Bình.
Ngoài ra, các dự án như Ohsung Vina (Hàn Quốc), chuyên sản xuất linh kiện động cơ điện tử và thiết bị gia dụng, cũng góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng công nghệ cao tại khu vực.
Nhà máy OhSung Vina tại khu công nghiệp Liên Hà Thái (Ảnh: ST)
Việc các tập đoàn này lựa chọn Hưng Yên không chỉ là minh chứng cho sức hấp dẫn của tỉnh, mà còn phản ánh tính ổn định và độ tin cậy trong điều hành của chính quyền địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực
Một yếu tố cốt lõi khác làm nên sức hút của Hưng Yên chính là tầm nhìn phát triển nguồn nhân lực. Ngoài thu hút đầu tư bằng đất đai và chính sách ưu đãi, tỉnh còn chú trọng vào đào tạo kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao phục vụ riêng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Sự liên kết giữa các khu công nghiệp với các trường đại học kỹ thuật, trường nghề tại địa phương và khu vực lân cận đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ đó, hình thành hệ sinh thái “doanh nghiệp – đào tạo – tuyển dụng” khép kín, góp phần cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ năng và đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại.
Theo ông Nguyễn Khắc Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên, nhà trường xác định rõ định hướng đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như điện tử, cơ điện tử và bán dẫn. Thời gian qua, nhà trường luôn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp thông qua hoạt động đưa sinh viên đi thực tập, thực hành tại nhà máy, qua đó nâng cao kỹ năng tay nghề và khả năng thích ứng thực tế. Đồng thời, nhà trường cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị đào tạo theo hướng hiện đại hóa, để sinh viên có thể tiếp cận công nghệ mới ngay từ trên ghế nhà trường.
Ông Ngọc cho biết thêm, nhà trường hiện đang phối hợp với nhiều khu công nghiệp trên địa bàn để xây dựng mô hình đào tạo kép – vừa học lý thuyết tại trường, vừa thực hành ngay tại nhà máy nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ đó phục vụ trực tiếp cho chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại của tỉnh Hưng Yên.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên đẩy mạnh liên kết “nhà trường – doanh nghiệp” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo
Bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn đang mở ra cơ hội “vàng” cho Hưng Yên, khi nhiều tập đoàn lớn buộc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm điểm đến mới ngoài các trung tâm sản xuất truyền thống như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Trong bức tranh đó, Hưng Yên có thêm lợi thế cạnh tranh nhờ quy hoạch bài bản, quỹ đất công nghiệp có sẵn và năng lực triển khai dự án nhanh chóng.
Ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà năm 2024, tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ vào các khu công nghiệp tại Hưng Yên đã đạt xấp xỉ 4 tỷ USD – mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Hưng Yên sau sáp nhập đã tiếp nhận 205 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư quy đổi đạt trên 5,9 tỷ USD. Trong đó, có 123 dự án trong nước với tổng vốn trên 4,5 tỷ USD và 82 dự án FDI với tổng vốn hơn 1,4 tỷ USD. Tính đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 3.880 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 40,8 tỷ USD. Trong đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung gần 1.100 dự án với tổng vốn hơn 18,6 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp có gần 2.800 dự án, vốn đăng ký trên 22,2 tỷ USD.
“Những con số ấy đã phản ánh chân thực sức hút của môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn; là kết quả của một chiến lược phát triển công nghiệp bài bản, có tầm nhìn dài hạn và khả năng thực thi hiệu quả”, ông Nghị nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn