Mộ cổ 135 năm của Tiền hiền Tạ Dương Minh, người khai phá đất Thủ Đức vẫn được gìn giữ nguyên vẹn ở TP.HCM.
Đây là một trong những mộ cổ hiếm hoi vẫn còn khá nguyên vẹn, gắn với một nhân vật có công lớn trong việc khai hoang, lập chợ và hình thành cộng đồng cư dân nơi đây hơn 1 thế kỷ trước.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, người dân sống sát bên mộ cổ kể lại những câu chuyện truyền đời về người khai phá vùng đất Thủ Đức xưa
ẢNH: HOA AN
Được người đời tôn xưng là Tiền hiền
Ngôi mộ được xây dựng từ năm 1890, có diện tích khoảng 108 m2, bao bọc bởi 2 lớp tường thành vuông vức, xây bằng đá ong và phủ lớp vữa cổ đã ngả màu nâu đất theo năm tháng. Toàn bộ bố cục kiến trúc gồm: 2 vòng tường bao, 2 cổng ra vào, bình phong tiền, bình phong hậu và nấm mộ chính ở giữa.
Ở lối vào, 2 trụ vuông cao lớn được đắp nổi khối cầu hình quả bầu úp ngược, chi tiết chạm khắc dân gian mộc mạc.

Toàn cảnh mộ cổ Tiền hiền Tạ Dương Minh, người khai phá đất Thủ Đức nằm lặng lẽ giữa khu dân cư
ẢNH: HOA AN
Bước qua khoảng sân lát đá xám là nấm mộ hình “ngưu miên” (dáng trâu ngủ). Theo Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, nấm mộ dài 2,7 mét, chỗ rộng nhất 2,35 mét được xây bằng đá ong và phủ lớp vữa cổ bên ngoài. Phần móng có hình chữ nhật, cao 1,1 mét và xây bằng gạch.
Phía trước nấm mộ là bia đá nhỏ dựng đứng, khắc chữ Hán bằng sơn đỏ. Trên bia ghi rõ: “Mộ ông họ Tạ, tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức”. Ông được người đời tôn xưng là Tiền hiền, vì có công đầu trong việc khai phá vùng đất xưa.

Nấm mộ có hình “ngưu miên” (trâu ngủ), biểu tượng quen thuộc trong văn hóa mộ táng Nam bộ, được xây bằng đá ong và trát vữa cổ
ẢNH: UYỂN NHI
Ông Nguyễn Minh Hiếu (52 tuổi), sống trong căn nhà nằm ngay phía sau mộ cổ ông Tạ Dương Minh, kể rằng gia đình ông đã gắn bó với mảnh đất Thủ Đức này suốt nhiều thế hệ.
Nhớ lại những năm tháng xưa cũ, ông Hiếu cho hay khu vực này từng là vùng rừng rậm, cây cối um tùm, xung quanh chỉ lác đác vài căn nhà và mộ của ông Tiền hiền.
Khi đó, mộ ông Tạ Dương Minh nằm trên phần đất rất cao, nổi bật giữa khu dân cư thưa thớt. Nhưng theo thời gian, đường sá được mở rộng, nền đất xung quanh ngày càng nâng lên, khiến khu mộ trở nên trũng xuống so với mặt đường.
Thế nhưng, ông Hiếu nói chắc nịch: “Dù thấp hơn mặt đường, nhưng có mưa lớn, mưa hàng giờ liền cũng không bao giờ thấy mộ bị ngập nước”.

Bia mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh khắc 37 chữ Hán ghi rõ họ tên, tên hiệu và công lao của người đã có công mở đất Thủ Đức
ẢNH: HOA AN
Người dân quanh vùng gọi mộ cổ ấy bằng cái tên thân thuộc là mộ ông Hiền. Từ thuở còn nhỏ, ông Hiếu đã được bà nội kể nhiều câu chuyện về người đầu tiên khai phá vùng đất Thủ Đức. Nhờ có công của ông Tạ Dương Minh, dân cư mới có nơi buôn bán, làm ăn và dựng nên cuộc sống ổn định.
“Mộ ông Hiền rất linh, nhất là với người làm ăn buôn bán. Ai bán ngoài chợ, ngoài đường cũng đều mang theo trái cây, đồ cúng tới thắp nhang, xin ông phù hộ”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu nói thêm, từ khi mộ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, chính quyền địa phương thường xuyên đến kiểm tra và giữ gìn hiện trạng khu mộ. Các trường học xung quanh mỗi tháng cũng đưa học sinh đến đốt nhang, thăm viếng.

Người dân địa phương thường xuyên đến thắp nhang tại mộ cổ Tiền hiền Tạ Dương Minh để tưởng nhớ người khai phá đất Thủ Đức xưa
ẢNH: HOA AN
Theo ghi chép từ bia mộ, ông Tạ Dương Minh là người gốc Hoa, ông là một trong những người nhóm “phản Thanh phục Minh” từ Trung Quốc sang Việt Nam, được chúa Nguyễn cho phép định cư tại vùng Linh Chiểu Đông.
Những năm 1667 – 1725, ông và nhóm người Hoa cùng cư dân sống tập trung, hợp sức khai hoang, dựng làng, mở ấp và lập nghiệp. Nhận thấy vị trí thuận lợi, ông đã lập chợ Thủ Đức để điều tiết mua bán, giao thương, phù hợp với vùng đất mới đang phát triển.
Với những công lao đó, mộ phần của ông không chỉ là nơi an nghỉ mà còn mang giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Năm 2007, mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh đã được UBND TP.HCM xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Tháng 7.2016, mộ cổ được trùng tu, tiếp tục được giữ gìn như một phần linh hồn lặng lẽ của đất Thủ Đức.
Toàn cảnh mộ cổ Tiền hiền Tạ Dương Minh, nổi bật với kiến trúc trâu phục và 2 lớp tường đá ong bao quanh
ẢNH: HOA AN – UYỂN NHI
Đình thần Linh Đông hơn 2 thế kỷ thờ ông Tạ Dương Minh
Cách ngôi mộ cổ khoảng 800 mét là Đình thần Linh Đông thờ ông Tạ Dương Minh. Ngôi đình cổ hơn 200 năm ẩn mình giữa khu dân cư đông đúc trên đường Chương Dương, phường Thủ Đức. Đình nằm trên một gò đất cao, có diện tích gần 2.500 m2.

Đình thần Linh Đông, nơi thờ ông Tạ Dương Minh, có kiến trúc truyền thống đặc trưng đình làng Nam bộ, hơn 200 năm tuổi
ẢNH: HOA AN
Đình cổ có kiến trúc truyền thống được bao bọc bởi nhiều hàng cây lâu năm xanh mát. Nhìn từ trên cao, tổng thể đình có bố cục khép kín, mái ngói lợp âm dương bám màu thời gian. Cấu trúc công trình bố trí theo kiểu “chữ tam” (là kiểu 3 dãy nhà song song, gồm tiền đình, chính điện và hậu điện – PV) thường thấy ở đình làng Nam bộ xưa.

Đình Linh Đông tọa lạc trên đường Chương Dương, phường Thủ Đức
ẢNH: HOA AN
Mặt tiền đình nổi bật với tường vàng, cột đỏ, câu đối chữ Hán và các cửa gỗ sơn son. 2 bên sân là cây lớn rợp mát, tạo nên khung cảnh thanh tịnh mà gần gũi. Giữa sân đặt một lư hương lớn màu vàng, góp phần tăng thêm vẻ trang nghiêm của không gian thờ tự.

Toàn cảnh Đình thần Linh Đông nhìn từ trên cao, một trong những di tích lâu đời tại phường Thủ Đức. Ngôi đình cổ nổi bật giữa khu dân cư hiện đại với mái ngói cổ kính và rặng cây xanh rợp bóng
ẢNH: HOA AN
Dù nằm giữa lòng đô thị hiện đại, Đình thần Linh Đông cùng mộ cổ Tiền hiền Tạ Dương Minh vẫn gìn giữ được nét cổ kính, là nơi lưu dấu người có công khai phá vùng đất Thủ Đức từ thế kỷ 17.
Nguồn: thanhnien.vn