Na Uy trở thành hình mẫu chuyển đổi xanh khi kết hợp hiệu quả giữa kinh tế mạnh, chính sách ưu đãi và hạ tầng hiện đại để phổ cập xe điện toàn quốc.
Na Uy, quốc gia Bắc Âu giàu có nhờ trữ lượng dầu khí lớn ở Biển Bắc, hiện là nước đi đầu toàn cầu trong việc chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) sang xe điện (EV). Theo Liên đoàn Đường bộ Na Uy, trong năm 2024, xe điện chiếm 89,3% số xe mới được bán ra, tăng từ 82% năm 2023. Đặc biệt, trong một số tháng năm 2024, xe điện chiếm đến 98% số xe mới đăng ký, trong khi xe chạy xăng dầu gần như biến mất. Bước sang 2025, theo Cục Quản lý Đường bộ Công cộng Na Uy, xe điện đã chiếm hơn 93% số xe mới bán ra tính đến thời điểm hiện tại.
Na Uy đang tiến gần mục tiêu 100% xe điện vào năm 2025, trở thành hình mẫu toàn cầu trong chuyển đổi giao thông xanh. (Ảnh minh họa)
Từ năm 2017, Na Uy đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% xe mới phải là xe điện và họ đang tiến rất gần cột mốc này, có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được.
Na Uy đạt được kết quả này nhờ ba yếu tố then chốt: nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách ổn định và khuyến khích thông minh, cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Nhờ nguồn thu từ dầu khí, Na Uy sở hữu quỹ đầu tư quốc gia hơn 1.300 tỷ bảng Anh, cho phép họ đầu tư vào mạng lưới trạm sạc, hỗ trợ tài chính cho người mua xe điện mà không bị áp lực hụt thu. Đồng thời, với 88% sản lượng điện đến từ thủy điện, Na Uy có một hệ thống năng lượng gần như không phát thải carbon, nền tảng lý tưởng để mở rộng sử dụng xe điện.
Về chính sách, thay vì cấm xe chạy nhiên liệu hóa thạch, chính phủ áp dụng cách tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy”: xe điện được miễn thuế VAT, thuế nhập khẩu, phí đỗ xe và cầu đường, được sử dụng làn xe buýt, trong khi thuế với xe xăng dầu tăng mạnh, gấp đôi chỉ trong ba năm. Điều này khiến chi phí sở hữu xe động cơ đốt trong trở nên cao bất hợp lý, tạo động lực dịch chuyển tự nhiên sang xe điện.
Theo Hiệp hội Xe điện Na Uy (NEVA), tại nhiều thành phố lớn, xe điện chiếm khoảng 30% tổng số xe cá nhân, riêng Oslo đạt 40%. Tổng thư ký NEVA, bà Christina Bu, cho biết người dân rất hài lòng với xe điện vì ít ô nhiễm, yên tĩnh, vận hành hiệu quả và không quá tốn kém.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Na Uy, bà Cecilie Knibe Kroglund, nhấn mạnh rằng chính sách nhất quán và đầu tư dài hạn là nền tảng thành công. Trong tương lai, Na Uy đặt mục tiêu 100% xe buýt đô thị chạy điện vào năm 2025, và 75% xe hạng nặng sử dụng năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này. Giao thông được cho là chiếm 30% lượng khí thải, vì vậy chuyển đổi trong lĩnh vực này là cấp thiết.
Na Uy chứng minh rằng với quyết tâm chính trị, nền kinh tế vững mạnh và sự đồng thuận xã hội, chuyển đổi sang giao thông không phát thải là hoàn toàn khả thi và mang lại lợi ích thực sự cho cả môi trường lẫn người dân.
Bài học cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi
Câu chuyện thành công của Na Uy là bài học quý giá cho Việt Nam, quốc gia đang đứng trước áp lực chuyển đổi sang mô hình giao thông bền vững hơn nhằm đáp ứng các cam kết khí hậu và nâng cao chất lượng sống đô thị.
Thứ nhất, Việt Nam cần một lộ trình rõ ràng và nhất quán về chính sách. Giống như Na Uy đặt mục tiêu cụ thể từ sớm, Việt Nam cũng cần xác định các cột mốc chuyển đổi cho từng nhóm phương tiện: xe máy điện, ô tô cá nhân, xe buýt, xe tải…, đi kèm quy định pháp lý ổn định để tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Thứ hai, Việt Nam nên áp dụng chính sách ưu đãi tài chính hợp lý và có trọng tâm. Thay vì miễn toàn bộ thuế như Na Uy, Việt Nam có thể giảm dần thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, lệ phí trước bạ đối với xe điện, đồng thời tăng dần thuế môi trường hoặc phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo chênh lệch chi phí đủ lớn, kích thích chuyển đổi hành vi tiêu dùng.
Thứ ba, đầu tư cơ sở hạ tầng cần đi trước một bước. Mạng lưới trạm sạc vẫn còn phân bố chưa đồng đều tại Việt Nam, nhất là ở các khu vực ngoài đô thị. Chính phủ nên khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP) để huy động vốn tư nhân đầu tư hạ tầng sạc, đặc biệt là dọc các tuyến cao tốc, bãi đỗ công cộng và khu dân cư đông đúc.
Thứ tư, cần truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Tại Việt Nam, nhiều người còn nghi ngờ về hiệu suất và độ bền của xe điện. Các chiến dịch truyền thông quốc gia cần tập trung vào việc phổ biến lợi ích dài hạn, đồng thời kết hợp với các chương trình lái thử, hỗ trợ đổi xe… để người dân có cơ hội trải nghiệm thực tế.
Thành công của Na Uy với xe điện gợi mở hướng đi bền vững cho Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải và phát triển giao thông xanh. (Ảnh minh họa)
Cuối cùng, chuyển đổi sang xe điện nên được nhìn nhận là một phần trong chiến lược phát triển bền vững. Nếu được thực hiện đúng hướng, quá trình này không chỉ giúp giảm ô nhiễm không khí, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất pin, linh kiện và năng lượng tái tạo nội địa – những lĩnh vực chiến lược của tương lai.
Việt Nam không thể sao chép mô hình Na Uy một cách máy móc, nhưng hoàn toàn có thể học hỏi tinh thần tiên phong, sự nhất quán chính sách và cách tiếp cận linh hoạt, khuyến khích thị trường tự điều chỉnh. Bằng sự kết hợp giữa khung chính sách thông minh, đầu tư hạ tầng hợp lý và thay đổi tư duy xã hội, Việt Nam có thể tạo ra bước ngoặt thực sự trong hành trình chuyển đổi sang giao thông xanh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn