Ông Phạm Tấn Hoàng, cựu Phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đầu thú về hành vi nhận hối lộ 140 triệu đồng để giảm án 1,5 năm tù cho bị cáo phạm tội giết người.
Một tuần trước, ông Hoàng ra đầu thú về việc nhận hối lộ 140 triệu đồng để xét xử phúc thẩm, giúp bị cáo trong vụ án giết người được giảm 1,5 năm tù. Ông Hoàng đã tự nguyện nộp lại số tiền này.
Ông Hoàng là bị can tiếp theo trong bê bối tiêu cực xảy ra tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, liên quan đến chuỗi hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ hòng “chạy án”.

Ông Phạm Tấn Hoàng, cựu Phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng (nay là Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng)
ẢNH: TÒA ÁN
“150 triệu đồng thì giảm án 1,5 năm tù”
Trong bản kết luận điều tra hồi tháng 5, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đề cập chi tiết về vụ án mà ông Phạm Tấn Hoàng nhận tiền để giảm án cho bị cáo.
Theo đó, tháng 3.2024, Trần Hoàng Đan bị TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt 15 năm tù về tội giết người. Đan kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Thông qua các mối quan hệ và cầu nối, chị gái Đan gặp Võ Trường Giang (lao động tự do), liên hệ đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng giúp giảm án cho em trai.
Giang đồng ý, sau đó liên hệ với Trịnh Ninh Bình (cựu Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra I, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) nhờ cậy.
Bình bảo Giang hỏi xem gia đình Đan lo được bao nhiêu. Giang cho biết phía bị cáo thuộc diện khó khăn nên chỉ lo được 150 triệu đồng. Bình đồng ý, nói “150 triệu đồng thì được giảm 1,5 năm tù”.
Giữa tháng 5.2024, chị gái Đan đưa cho Giang túi ni lông đựng 150 triệu đồng. Giang nộp vào tài khoản của mình rồi chuyển vào số tài khoản của Bình.
Nhận được tiền, Bình đến phòng làm việc của ông Hoàng để nhờ giúp bị cáo Đan được giảm 1,5 năm tù. Ông Hoàng đồng ý, Bình sau đó chuyển tiền 2 lần vào tài khoản của ông Hoàng, tổng số 140 triệu đồng.
Ít ngày sau, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm bị cáo Đan, ông Hoàng làm chủ tọa phiên tòa. Hội đồng xét xử giảm án cho Đan từ 15 năm xuống còn 13 năm 6 tháng tù về tội giết người.
Nhận tiền để “lật kèo” án đã có hiệu lực
Ngoài vụ việc trên, ông Phạm Tấn Hoàng còn bị xác định có hành vi nhận hối lộ để xét xử giám đốc thẩm có lợi cho đương sự trong vụ án “tranh chấp hợp đồng đặt cọc” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị.
Kết luận điều tra cho hay, Bùi Thị Phương (thư ký thuộc Chi cục THADS H.Vĩnh Linh (cũ), tỉnh Quảng Trị) có người quen là bị đơn trong vụ án “tranh chấp hợp đồng đặt cọc”. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị tuyên nguyên đơn thắng, vì thế phía bị đơn nhờ Phương liên hệ TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Phương gọi điện trực tiếp cho Nguyễn Thị Nga (cựu Phó trưởng phòng Giám đốc kiểm tra về dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, TAND cấp cao tại Đà Nẵng) nhờ giúp đỡ. Nga “báo giá” 130 triệu đồng.
Sau đó, Phương chụp bản photo bản án dân sự phúc thẩm gửi cho Nga qua Zalo, Nga thông báo “đã liên hệ thẩm phán Hoàng để giúp” và gửi số tài khoản cho Phương. Phía bị đơn chuyển tiền cho Phương, Phương nhận rồi tiếp tục chuyển khoản cho Nga.
Tháng 1.2024, TAND cấp cao tại Đà Nẵng giám đốc thẩm, quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (ngược lại với phán quyết của TAND tỉnh Quảng Trị – PV).
Quá trình điều tra vụ án tiêu cực, Phương và Nga thừa nhận cáo buộc như đã nêu. Nga còn khai sau khi nhận 130 triệu đồng của Phương, nữ bị can đến phòng làm việc của ông Hoàng đưa cho ông này 80 triệu đồng tiền mặt.
2 cựu phó chánh án vướng lao lý
Liên quan đến bê bối tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, ngoài ông Phạm Tấn Hoàng, một cựu Phó chánh án khác cũng bị khởi tố về tội nhận hối lộ là ông Phạm Việt Cường.
Vụ án còn có hàng loạt bị can là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, thư ký và luật sư.
Kết quả điều tra xác định, các bị can lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thẩm quyền được giao để cấu kết, móc nối với các đương sự và làm cầu nối trung gian để kết nối đến những người có thẩm quyền nhằm xét xử, giải quyết theo hướng có lợi cho các bị cáo, bị án hoặc đương sự.
Nhóm này thực hiện tất cả 18 vụ đưa, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, với cáo buộc can thiệp vào hoạt động xét xử, kiểm sát, thi hành án…
Nguồn: thanhnien.vn