Phần lớn doanh nghiệp cơ khí vẫn dừng lại ở sản xuất chi tiết rời rạc, chưa hình thành năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm hoàn chỉnh hay nắm giữ công nghệ cốt lõi.
Bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VASI
Theo số liệu tính đến 2023 của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), ngành chế tạo Việt Nam các năm qua có tiến bộ, với giá trị gia tăng trong GDP đã tiệm cận với Trung Quốc, ở mức 26,3% so với 28,6%. Tuy nhiên, hạn chế lâu nay vẫn là năng lực sản xuất thiết bị gốc (OEM), thiết kế gốc (ODM) và thương hiệu gốc (OBM).
Chúng ta thường nói mình đang làm OEM, nhưng thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt đến OEM đúng nghĩa. Đa số dừng ở mức gia công đơn lẻ. Một số ít có thể sản xuất cụm linh kiện, nhưng chưa phổ biến.
Ví dụ, với ngành ôtô, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã cung cấp cho các thương hiệu xe hơi lớn nhưng chỉ gia công linh kiện đơn lẻ, không phải cụm linh kiện. Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành điện tử “rất vất vả” để xin được tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ nhà mua hàng đến nhà đầu tư sản xuất FDI đang dịch chuyển bởi các biến động thuế quan, ngành chế tạo Việt Nam cấp thiết tăng chuyển dịch lên sản xuất cụm linh kiện rồi từng bước làm chủ quy trình OEM, hướng tới OBM.
Hướng đi này giúp doanh nghiệp có tiếng nói hơn trong chuỗi sản xuất và thu hút các nhà mua hàng. Vào tháng 5 đón đoàn doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu cơ hội dịch chuyển 30% sản lượng đến Việt Nam nếu có thể doanh nghiệp cung ứng được. Điều này cho thấy rằng cơ hội vẫn luôn tồn tại, nhưng song hành với đó là áp lực lớn.
Mới đây Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam đã áp mức thuế 20% với một số mặt hàng, cùng mức 40% cho sản phẩm bị nghi ngờ trung chuyển từ nước thứ ba. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với chi phí tăng cao, áp lực minh bạch nguồn gốc và rủi ro mất đơn hàng.
Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) ngày càng siết chặt tiêu chuẩn xuất xứ, chất lượng và quản trị bền vững. Trước bối cảnh này, doanh nghiệp cơ khí – chế tạo Việt Nam không chỉ cần nâng cấp máy móc, mà còn phải chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch chuỗi cung ứng và nâng tầm năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn