Các chuyên gia và giáo viên cho rằng cần vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu khi tiếp cận những bài toán gắn với thực tế, những bài văn không có ngữ liệu trong sách giáo khoa để việc đổi mới dạy học đúng hướng và đi vào chiều sâu.
Mới đây, tại Hà Nội, Trường phổ thông liên cấp Olympia tổ chức sự kiện Vietnam Deeper Learning Conference với sự tham dự của hơn 500 nhà giáo từ 50 trường học trên cả nước. Sự kiện này hướng đến hỗ trợ giáo viên (GV) phát triển năng lực dạy học sâu, xây dựng cộng đồng học tập chuyên nghiệp và góp phần vun đắp một nền giáo dục nhân văn, toàn diện.
PGS Phạm Sỹ Nam, Trường ĐH Sài Gòn, thành viên biên soạn chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) môn toán, là diễn giả của workshop (thảo luận, thực hành) môn toán với chủ đề “RME trong giáo dục toán học: từ lý thuyết đến lớp học sinh động”, đã nhấn mạnh vai trò của việc gắn toán học với thực tiễn cuộc sống.
Từ cách ra đề thi tốt nghiệp THPT môn toán nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhiều GV dạy toán đến từ các trường phổ thông đã chia sẻ những khó khăn khi dạy học theo hướng mô hình hóa toán học, như: học sinh (HS) lúng túng khi phải dùng kiến thức thực tiễn để giải toán; phụ huynh có tâm lý muốn luyện cho con giải nhanh, giải nhiều bài toán để đạt điểm cao thay vì dùng kiến thức thực tiễn để giải bài toán; sĩ số lớp đông khó dừng lại lâu để “mổ xẻ” những tình huống thực tiễn, HS không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc như thế nào khi gặp dạng bài toán này…

Giáo viên thảo luận đổi mới dạy học môn toán gắn với thực tiễn
ẢNH: T.M
Dù vậy, PGS Phạm Sỹ Nam cho rằng thay đổi trong cách dạy học toán là yêu cầu tất yếu, không chỉ do cách ra đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua mà chính là do yêu cầu cần đạt với chương trình môn toán trong chương trình GDPT mới. Ngay cả phụ huynh, khi muốn con luyện toán để phục vụ cho các kỳ thi cũng sẽ không còn luyện theo dạng bài như trước mà phải chú trọng phát triển năng lực toán học ứng với thực tế.
TOÁN GẮN VỚI THỰC TẾ HƠN
Có một thực tế được PGS Phạm Sỹ Nam chỉ ra là trước đây chúng ta có xu hướng ra những bài toán thật khó, nếu HS giải được là giỏi, trong khi nhiều nước khác lại đặt vấn đề cho HS giải bài toán ấy để làm gì. “Nếu ra bài toán khó, thậm chí có bài toán chỉ người ra biết giải còn người khác thì không, những bài toán mẹo mực không có nhiều ý nghĩa”, ông Nam nói. Theo ông Nam, ra bài toán gắn với thực tiễn có thể HS chưa làm được ngay, nhưng rõ ràng các em thấy có ý nghĩa và sẽ cố gắng tìm tòi, tìm hiểu thực tế để làm được.
Giải thích về mô hình hóa toán học, ông Nam cho biết đó là có một tình huống trong thực tế, chúng ta đơn giản hóa để có một mô hình, sau đó chuyển sang bài toán. Sau khi giải bài toán thuần toán thì quay lại giải quyết vấn đề thực tiễn.
Vậy làm thế nào để thiết kế dạy học theo hướng kết nối với thực tiễn? PGS Nam lưu ý, dạy học thực hành mục tiêu là nhằm dạy cho ra dấu hiệu bản chất của vấn đề. Hiện nay, công nghệ hỗ trợ rất nhiều trong việc tạo các clip hấp dẫn cho bài học. Thầy cô dạy toán không chỉ ra những bài tập thuần toán mà kết nối để HS hiểu những gì đang diễn ra ngoài xã hội. Điều này đòi hỏi thầy cô phải quan sát cuộc sống và thấy những gì có thể ứng dụng để thiết kế các bài toán gắn với thực tiễn.
GV cũng cần yêu cầu HS tìm kiếm thông tin, tìm phương án giải quyết vấn đề, đặt cho HS những tình huống và cho HS quyết định chọn phương án giải quyết tối ưu. Tuy nhiên, dù mô hình hóa toán học và kết nối thực tiễn nhưng GV cần lưu ý nguyên tắc là khi ra bài tập không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Ngược lại, phải bắt đầu từ yêu cầu cần đạt ấy để ra bài tập phù hợp. Điểm khác biệt khi bài toán gắn với thực tiễn là tạo cơ hội cho HS thể hiện, bộc lộ nhiều hơn, từ đó khiến “năng lực chìm” của HS nổi lên và việc đánh giá HS sẽ tốt hơn.
Ở phần thực hành, nhận xét về những bài toán gắn với thực tế mà các GV xây dựng để giảng dạy cho HS của mình ở từng cấp học khác nhau, PGS Phạm Sỹ Nam đề nghị GV tìm cách mở đầu để gợi nên nhu cầu tìm hiểu và tạo động cơ để HS thu hút vào bài học. Muốn vậy, bài toán thực tế cần chạm tới thực tế hơn, để HS hào hứng với việc giải bài toán ấy.
Kết lại, PGS Phạm Sỹ Nam nhấn mạnh tất yếu phải thay đổi cách dạy học và thi cử đối với môn toán. Sự thay đổi này ban đầu có thể chưa phù hợp, nhưng theo ông Nam, nếu vì sợ sai mà không dám làm thì sẽ không thể làm được.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường yếu tố thực tiễn, tư duy logic, đòi hỏi việc dạy và học trong nhà trường phải tích cực thay đổi hơn nữa
Ảnh: T.M
DẠY HỌC NGỮ VĂN: VIẾT “SÂU” BẮT ĐẦU TỪ “ĐỌC SÂU”
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, cô Trần Phương Thanh, GV ngữ văn Trường THPT Olympia (Hà Nội), cho rằng “viết sâu” là một kỹ năng cần thiết để phát triển tư duy và năng lực biểu đạt cảm xúc, quan điểm cá nhân của HS. Khi HS viết “nông”, các em thường chỉ lặp lại văn mẫu, ngôn từ sáo rỗng, hoặc viết cho xong nhiệm vụ. Điều này vô hình trung kìm hãm sự phát triển của tư duy độc lập.
Nếu muốn HS hình thành tư duy độc lập, khả năng kết nối, phản tư, bắt buộc các em phải viết sâu hơn, sống thật hơn với trải nghiệm đọc và cảm xúc của mình. Để đạt được “viết sâu”, hành trình bắt đầu từ “đọc sâu”, cô Thanh giới thiệu một kỹ thuật mà cô đã áp dụng khá hiệu quả, đó là sử dụng hình ảnh “gương phản tư” trong quá trình đọc truyện ngắn.
Cô đưa ra ví dụ cụ thể về việc học truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Theo đó, thay vì chỉ yêu cầu HS phân tích nhân vật theo các ý có sẵn, GV mời các em soi vào mình, ví dụ: “Nếu em là người đàn ông hàng chài, em sẽ cảm thấy gì?”…
Nhấn mạnh sự khác biệt cốt lõi của phương pháp này, cô Thanh cho biết: Đây không còn là yêu cầu phân tích nhân vật nữa, mà yêu cầu HS phản chiếu chính mình vào tác phẩm. Kỹ thuật này giúp HS đối thoại trực tiếp với tác phẩm, tác giả, cuộc sống và quan trọng nhất là với chính bản thân mình.
Trong quá trình “viết sâu”, GV không phải là người truyền đạt kiến thức một chiều hay áp đặt khuôn mẫu là người đồng hành. “Chúng ta không cho sẵn mẫu, không bắt HS viết giống nhau, mà đưa ra gợi ý, các câu hỏi mở, những không gian để HS tự chọn cách biểu đạt của mình”, cô Thanh nói.
Cũng như thầy Phạm Sỹ Nam, cô Trần Phương Thanh cho rằng phải chấp nhận sự chưa hoàn hảo trong cách hành văn ban đầu; tập trung vào chiều sâu tư duy và cảm xúc mà HS thể hiện là một hành trình dài, nhưng đáng giá. Phương pháp này không đòi hỏi HS phải hiểu hết tất cả mọi thứ sau mỗi buổi học, mà chỉ cần một sự “va chạm” nhẹ nhàng, một “điểm chạm” sâu sắc với tác phẩm cũng đủ để khơi gợi những suy nghĩ, cảm xúc và giúp các em tìm thấy tiếng nói cá nhân trong mối quan hệ với tác phẩm, tác giả; từ đó thúc đẩy quá trình học sâu một cách hiệu quả và bền vững.
Học phải thực chất hơn
Trao đổi với báo chí sau khi có điểm thi, điểm chuẩn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng với đề thi đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường yếu tố thực tiễn, tư duy logic, đòi hỏi việc dạy và học trong nhà trường phải tích cực thay đổi hơn nữa; yêu cầu HS học thực chất, hiểu bản chất kiến thức, có kỹ năng đọc – hiểu – phân tích, đúng với tinh thần chương trình GDPT 2018.
Cũng theo ông Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2026 sẽ tiếp tục được tổ chức theo phương án đã phê duyệt tại Quyết định số 4068 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ kỳ thi 2025. Từ kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ có những bước chuẩn bị từ sớm, từ xa để kỳ thi năm tới an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực, đúng quy chế, thuận lợi cho thí sinh.
Nguồn: thanhnien.vn