Giao tranh biên giới giữa Thái Lan và Campuchia tiếp tục căng thẳng trong ngày thứ hai trong khi cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm cách hòa giải.
Xung đột lan rộng
Cuộc đụng độ nổ ra tại một khu đền cổ tranh chấp vào sáng 24.7 và sau đó leo thang nhanh chóng, với việc hai bên đưa các vũ khí hạng nặng tham chiến. Tính đến hôm qua, người phát ngôn quân đội Thái Lan Surasant Kongsiri thông báo đụng độ đã lan ra 12 địa điểm dọc biên giới, tăng gấp đôi so với hôm trước. Thái Lan cáo buộc Campuchia tấn công khu vực dân sự trong khi Phnom Penh tố cáo Bangkok sử dụng bom chùm. Cả hai bên đều chưa bình luận về các thông tin này. Cùng ngày, báo Bangkok Post dẫn lời Phó phát ngôn viên Lục quân Hoàng gia Thái Lan Richa Suksuvanond bác bỏ thông tin lực lượng nước này đã kiểm soát khu vực đền cổ Preah Vihear, công trình được xây từ thế kỷ 11 và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tính đến hôm qua, Thái Lan đã sơ tán hơn 138.000 người khỏi các tỉnh biên giới đến những trung tâm khẩn cấp. Campuchia cũng đã đưa 1.500 gia đình gần vùng xung đột tại tỉnh Oddar Meanchey đến nơi an toàn trong khi toàn bộ 260 trường học trong tỉnh được lệnh đóng cửa. Khoảng 20.000 người tại tỉnh Preah Vihear (Campuchia) đã sơ tán khỏi vùng gần chiến sự trong ngày 24.7.
Trong cuộc họp báo hôm qua, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết chiến sự đã gia tăng với sự tham gia của vũ khí hạng nặng. Ông cảnh báo tình hình có thể “leo thang thành chiến tranh dù đến lúc này vẫn còn là xung đột”, theo AFP.

Pháo binh tại tỉnh Surin (Thái Lan) bắn về phía Campuchia ngày 25.7 Ảnh: Reuters
Cộng đồng quốc tế nỗ lực
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại. Các nước trong khu vực như Lào, Singapore và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ như Mỹ, Trung Quốc, Nga kêu gọi chấm dứt xung đột, bảo vệ dân thường và tìm giải pháp hòa bình. Thủ tướng Anwar Ibrahim của Malaysia, nước hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, cho biết đã liên lạc với những người đồng cấp Thái Lan và Campuchia và hai bên thể hiện tín hiệu sẵn sàng cân nhắc ngừng bắn, đối thoại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura hôm qua nói với Reuters rằng Thái Lan hoan nghênh nỗ lực của “gia đình ASEAN” nhưng khẳng định “cơ chế song phương là lối thoát tốt nhất”. Trả lời AFP sau đó, ông Nikorndej nói sẵn sàng để Malaysia hòa giải nhưng đến nay chưa thấy phản hồi từ Campuchia. Thủ tướng Campuchia Hun Manet hôm qua nói đồng ý với đề xuất ngừng bắn từ Malaysia và cho rằng chìa khóa giải quyết xung đột là sự thiện chí của Thái Lan trong việc chấp nhận ngừng bắn. Ông Hun Manet đã yêu cầu HĐBA LHQ can thiệp khẩn cấp để ngăn chặn hành động quân sự của Thái Lan. HĐBA LHQ dự kiến tổ chức cuộc họp khẩn vào rạng sáng nay (26.7) tại New York (Mỹ).
Khuyến cáo cho công dân VN
Ngày 25.7, Bộ Ngoại giao cho biết, về tình hình biên giới Thái Lan – Campuchia, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo, công dân VN ở địa bàn cần theo dõi, tuân thủ nghiêm các quy định và hướng dẫn của chính quyền sở tại. Không nên đến các khu vực đang diễn biến phức tạp, giữ liên hệ với các cơ quan đại diện VN tại sở tại, khi cần có thể liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân.
Khi cần hỗ trợ, công dân có thể liên hệ với Đại sứ quán VN tại Thái Lan, điện thoại +66898966653, email: vnemb.th@mofa.gov.vn và consular.section.bkk@gmail.com; Tổng lãnh sự quán VN tại Khon Kaen, Thái Lan, điện thoại +66935367869, email: konkaen.th@mofa.gov.vn; Đại sứ quán VN tại Campuchia, điện thoại +855977492430, +855316199999, email: ttcpc@mofa.gov.vn; consularcpc@gmail.com; Tổng lãnh sự quán VN tại Battambang, Campuchia, điện thoại +855979439888, email: tlsq.battambang@gmail.com; Tổng lãnh sự quán VN tại Sihanoukville, Campuchia, điện thoại +855.979.732255, email: tlsqsiha@gmail.com.
Tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84981848484.
Đậu Tiến Đạt
Nguồn: thanhnien.vn