Mùa hoa trên những lối sông là tập tản văn mới nhất của nhà văn Võ Diệu Thanh (NXB Trẻ, 2025). Chọn một tựa đề nhẹ nhàng để đặt cho cả tập, nhưng những thông điệp mà nhà văn chuyển tải đầy sức nặng và đẹp như những mùa hoa rực rỡ của miền Tây.
NGƯỜI HIỀN VÀ NHỮNG BẬC “CHÂN TU”
Ở đâu có những bậc “chân tu”, ở đó đất dữ hóa lành. Ví như Ba Chúc, nơi từng là mảnh đất dữ với tội ác chiến tranh khủng khiếp của tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary; giờ đây trở thành “không phải đất để sống mà là đất để rèn giũa thân tâm”. Nơi đó có cô Hai Phận mất 6 người con trong cuộc thảm sát, bây giờ, ngày ngày cô ghé chân núi quét lá, cúng lạy cầu an cho tất cả mọi người. Ở đó có những người như anh xe ôm, chị thợ hồ… đã quên hết những hận thù để tu tập vì họ tin “sự sống sau cái chết mới là vô hạn” (Mùa vụ hoang sơ). Những người tu “duy lương tâm”, tu cho đời sau, cho mối quan hệ giữa người với trời đất luôn ở thế cân bằng. Họ không phải bậc thánh nhân. Họ là những người đã trải qua phần lớn đời mình trong chiến tranh, loạn lạc, đau khổ triền miên nên chọn cách sống minh triết nhất giữa đời này: hòa giải với quá khứ, chọn cách sống tu thân và tu tâm để chữa lành những vết thương sâu.

Tập tản văn Mùa hoa trên những lối sông Ảnh: NXB Trẻ
THIÊN NHIÊN – BẬC MINH TRIẾT BỊ LÃNG QUÊN
Thiên nhiên trong cách nhìn của nhà văn Võ Diệu Thanh chính là những bậc chân tu vĩ đại nhất. Thiên nhiên nhân từ như những con trùn đất sống lặng thầm để nói tiếng nói thật thà nhất. “Khi bị xéo mãi trùn chỉ quằn. Nỗi quằn lặng ngắt. Không phải da diết, không hứa hẹn cuộc phục thù”. Không ai nghe tiếng nói của con trùn đất nhưng hàng triệu năm trôi qua, nó vẫn làm tốt sứ mệnh dự báo sức khỏe của đất đai. Trùn đất – một sinh vật nhỏ nhoi yếu thế vẫn luôn âm thầm bảo vệ con người – phải chăng cũng là một “chân tu”? (Cắc cớ cho những tâm thư).
Con người chỉ khi đã đạt tới cái ngưỡng buông bỏ mọi sự mong cầu mới nhìn ra được tấm lòng bao dung rộng lớn của mẹ thiên nhiên nhân từ.
Làm sao người ta có thể sống như một con ốc tu hành “chỉ ăn bồ hóng trên giàn bếp mà vẫn béo ú giòn mềm”? Phải chăng đến lúc con người cũng cần làm một cuộc di cư trong tâm trí: “Coi như mình đã chết, đã bước sang một kiếp sống khác. Vậy thì những khen chê còn nghĩa lý gì?” (Những cuộc di cư). Căn tính của một con người, phải chăng còn câu nệ quá nhiều vào cái sự “chấp”? Đã đến lúc con người buộc phải nhìn sâu vào thiên nhiên, học cái hạnh của tự nhiên mà tu thân. Nhìn con ong nội địa cố chấp bay chặng đường xa tìm mật hoa tràm, mới hiểu tại sao con người cũng luôn quay đầu tìm một góc quê. Vì đó chính là điểm tựa cho mình nương náu, thương tưởng sau đoạn đường dài.
Người quê cũng “cố chấp” vào những mùa hoa vạn thọ rực vàng mỗi khi tết đến. “Dường như phối với khói nhang, không có mùi nào nghe lòng dạ hoài cổ ấm áp hơn mùi vạn thọ”.
Võ Diệu Thanh từng tâm sự chị chỉ viết được khi đã đi, đến, chạm vào và sống với từng khoảnh khắc, với những con người thật việc thật hiện ra trước mắt. 21 tản văn trong tập sách là những gì chị tích cóp được sau những cuộc đi. Những cuộc đi có thiên nhiên bầu bạn. Sự minh triết của thiên nhiên giúp chị mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, hiểu sâu về lý do để con người tồn tại.
Vẫn là chị với cách viết thâm trầm, cẩn trọng lật trở từng câu chữ sao cho vừa vặn với những suy tưởng trĩu lòng về những gì mình đã đi qua, chứng kiến, những con người mình đã gặp.
Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, hiện là giáo viên dạy môn mỹ thuật bậc tiểu học tại An Giang. Giữa muôn trùng lối đi, Võ Diệu Thanh chọn một lối đi riêng không hề bằng phẳng để đến với văn chương: viết về chiến tranh và những vết thương hậu chiến. Sau Viên đạn về trời, Muôn dặm sầu giăng, Về từ hành tinh ký ức đầy vết tích chiến tranh ám ảnh, bây giờ, chị vẫn đối thoại với những nhân chứng sống của chiến tranh nhưng với một tâm thế mới. Khi chị chọn cách “nhìn sâu vào cội rễ con người”, một con đường mới tươi sáng đã và đang rộng mở.
Nguồn: thanhnien.vn