Với giá rẻ nhất 75.000 đồng/tô, mắc nhất 100.000 đồng/tô, quán bún bò của cô Vy Hoàng (57 tuổi) nức tiếng khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng suốt hàng chục năm nay. Bún bò ở đây ngon cỡ nào mà kể cả những ngày TP.HCM mưa dầm dề khách vẫn đến đông như “ăn cưới”?
Mưa tầm tã vẫn kín bàn
Một buổi chiều TP.HCM mưa như trút nước, đường sá ngập lênh láng, có nơi quá nửa bánh xe, tôi “phượt” từ Q.Bình Thạnh sang Q.7, hơn 15 cây số đến ăn bún bò của cô Vy Hoàng. Thực ra mưa gió cũng không cản được cơn thèm bún bò của tôi ở quán này, vì nhớ mãi lần ăn trước đó khi có dịp đi ngang qua khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng.
Dù bên ngoài trởi mưa tầm tã, 19 giờ kém quán đông nghẹt, khách ngồi kín bàn |
Quán bún bò rộng rãi 300 m2 nằm trên mặt tiền đường Lê Văn Liêm (P.Tân Phong, Q.7), với gần 25 cái bàn được xếp ngay ngắn. Tôi khá bất ngờ vì dù trời mưa tầm tã bên ngoài, nhưng trong quán, chừng hơn 18 giờ vẫn đông nghẹt khách, nhiều khách nước ngoài. Ai cũng cười nói rôm rả, thoải mái thưởng thức tô bún bò.
Tôi nghĩ bụng: “Chắc khách đến ăn toàn đi ô tô nên cũng chẳng mấy sợ mưa”, và quả thật vậy, xung quanh quán là hàng dài ô tô đang đỗ bên ngoài. Bên trong, không gian quán sạch sẽ tới mức khó tìm thấy bụi trên những cái bàn inox mới toanh. Hàng chục nhân viên thì vẫn nhanh tay nhanh chân làm những tô bún khách ngồi ăn tại chỗ cũng như đặt mang về, để không ai phải chờ đợi lâu.
Trong quán, nhân viên tất bật chuẩn bị món để khách không phải chờ lâu |
Mỗi ngày quán bán từ 6 giờ sáng tới 21 giờ |
Trong lúc đó, ông Phạm Văn Hiếu (48 tuổi, ngụ Q.7) cùng 4 ông bạn đang ngồi thưởng thức tô bún bò quen thuộc. Ông cho biết Vĩ Dạ Xưa là quán bún bò nức tiếng ở khu Phú Mỹ Hưng này, vì ăn thấy hợp vị nên thường xuyên ghé suốt nhiều năm qua.
“Tuần ghé 2 – 3 lần không chừng, thấy thèm bún bò là ghé thôi. Thích nhất là mấy phần chả cua với giò, thịt bò ở đây, đúng kiểu chất lượng luôn, ăn vô là biết liền không nói nhiều. Bỏ ra 75.000 đồng cho tô thường hay 100.000 đồng cho tô đặc biệt đều thấy xứng đáng, không mắc”, ông cười nói.
Kế bên, chị Kim Jiae (34 tuổi, người Hàn Quốc) cùng chồng và 2 con cũng đang đợi món. Trong lúc đó, cả gia đình tranh thủ trò chuyện. Tâm sự với chúng tôi, chị kể dù hôm nay trời mưa, nhưng cả nhà vẫn đến quán ăn vì thèm. Nhìn quán đông kín bàn, chị cười nói có cảm giác như đi “ăn cưới” vậy, quán đông cũng đủ để nói hương vị món ở đây hợp khẩu vị nhiều người.
Nhiều shipper chờ nhận hàng |
“Tôi ở khu này cũng 4 năm rồi, vì công việc, cũng gần quán bún bò này. Lần đầu ăn là 2 năm trước, do một người bạn Việt Nam giới thiệu, ăn xong thấy hương vị quá ngon nên ghé lại đây thường xuyên. Ông xã với các bé cũng thích ăn nữa”, chị nói thêm.
Bụng đói cồn cào, tôi gọi hẳn một tô đặc biệt giá 100.000 đồng để ăn thử, có đầy đủ các “topping” quen thuộc của một tô bún bò như chả cua, bò, giò heo… Chưa đầy 5 phút, tô bún hôi hổi được mang ra, nghi ngút khói.
Đây không phải bún bò Huế chính gốc, vì nó được cải biến để phù hợp hương vị của mọi người. Nước dùng khá đậm đà, không giống với những tô bún bò tôi đã ăn trước đó. Thêm vào đó, chính sự tươi ngon của các nguyên liệu, nhất là thịt bò, giò khiến tôi thực sự ấn tượng.
Tô bún bò đặc biệt giá 100.000 đồng được khách yêu thích |
Có lẽ vì trời mưa, bụng đói, thêm vào đó là hương vị hết sảy của tô bún, đã khiến tôi “chén sạch”. Cá nhân tôi, thấy tô bún hơi ít bún, trong khi có quá nhiều đồ ăn. Với tô bún ở đây, tôi chấm 8.5/10, cho chất lượng và hương vị.
“Đổi đời” khi bán ở Phú Mỹ Hưng
Chủ quán, cô Vy Hoàng, khiến tôi ấn tượng vì phong thái, cách nói chuyện “đậm đặc” một người phụ nữ Huế truyền thống. Ngay từ những lời chào hỏi đầu tiên, tôi thực sự mê mẩn cái giọng Huế dịu dàng và ngọt ngào.
14 năm trước, cô Hoàng cùng chồng vào TP.HCM lập nghiệp ở cái tuổi không phải còn quá trẻ. Thời điểm đó, cô mở một quán bún bò ở Q.Phú Nhuận, nối nghiệp truyền thống bán bún bò Huế của gia đình.
Phần bún bò có nước dùng đậm đà, các nguyên liệu tươi ngon chất lượng |
Những ngày đầu, chưa có khách, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. Trong suốt 2 năm kinh doanh ở đây, việc buôn bán không như thuận lợi, dù rằng hương vị bún bò của cô đã được thay đổi, cải tiến để phù hợp với hương vị của mọi người, nhất là người Sài Gòn.
Vậy là vợ chồng cô quyết định chuyển sang bán ở khu Phú Mỹ Hưng, và bất ngờ thành công vượt sức tưởng tượng. Đến nay, quán đã có một lượng khách ổn định, hầu như ngày nắng hay ngày mưa thì khách cũng đông.
Nhiều khách nói vui quán đông như đi ăn tiệc |
Với cô chủ, quán ăn này là tâm huyết, là xương máu mười mấy năm gầy dựng |
“Gia đình tôi từng 5 lần dời quán vì mặt bằng thôi, may mắn là khách vẫn biết và tìm tới. Có nhiều khách ở Long An nghe tiếng, cũng tới tận quán để ăn, rồi có dịp lên Sài Gòn là họ lại ghé. Tôi tự hào là bún bò ở đây có vị ngon riêng, không giống với bất cứ nơi nào khác”, cô chủ bộc bạch.
Nhiều người, trả số tiền lớn để mua lại công thức và thương hiệu bún bò. Nhưng cô chủ quyết không bán vì đây chính là xương máu, là công sức hàng chục năm 2 vợ chồng gầy dựng. Nhờ quán ăn này, cô có được một cuộc sống sung túc, cũng như có được niềm vui với nghề nấu nướng truyền thống của gia đình.
Nguồn: thanhnien.vn