Đã 66 năm kể từ năm 1956, bài hát “Chiếc khăn hồng” của nhạc sĩ Lê Đình Lực sáng tác đã được các em thiếu nhi và cán bộ phụ trách thiếu nhi nồng nhiệt đón nhận. Cho đến nay, nhiều buổi lễ kết nạp đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh vẫn được các em say sưa, tự hào hát ca khúc này.
Nhạc sĩ Lê Đình Lực và tôi cùng sinh hoạt tổ dân phố của khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trên đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mỗi lần họp Chi bộ, chúng tôi thường chờ nhau cùng đi. Chị Cầm (vợ anh Lực) người xứ Nghệ cùng tôi, mỗi lần gặp nhau là “thả” giọng Nghệ ra cho đỡ nhớ quê.
Khi hay tin anh Lực từ trần, tôi bàng hoàng khi đã mất mốt người bạn tốt, một người con rể của xứ Nghệ rất thân tình, một nhạc sĩ đa tài, chỉ huy dàn nhạc giỏi, sáng tác hay. Nhiều lớp thiếu nhi lớn lên và trưởng thành từ những năm 50 của thế kỷ XX chắc không thể quên bài hát mà Lê Đình Lực viết “Chiếc khăn hồng”. Tôi nhớ Đài TNVN đã thu thanh hai băng ca khúc này. Một do em Kim Yến hát, một do em Lê Trâm hát. Hai nghệ sĩ “tí hon” này, ngày nay cũng đã thành bà, đều trên dưới 70 tuổi.
“Từ nay em sướng biết bao, từ nay em có chiếc khăn, Chiếc khăn thắm hồng nhuộm màu cờ tươi. Này tranh Bác Hồ đây, này tranh Bác Hồ đây, Em được mẹ em khen tặng lúc chiều.
Từ rày thầy bạn càng thương yêu, từ rày càng chăm giúp bạn nhiều, Nhìn chiếc khăn tươi và tranh Bác Hồ ngập bao sướng vui. Kìa sao trông Bác rung đôi môi, mắt long lanh cùng lòng em vui, Nhắc với em rằng vì tương lai sao xứng với khăn hồng…”
Đã 66 năm kể từ năm 1956, bài hát “Chiếc khăn hồng” của nhạc sĩ Lê Đình Lực sáng tác đã được các em thiếu nhi và cán bộ phụ trách thiếu nhi nồng nhiệt đón nhận. Cho đến nay, nhiều buổi lễ kết nạp đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh vẫn được các em say sưa, tự hào hát ca khúc này.
Nhạc sĩ Lê Đình Lực sinh năm 1933 tại Huế, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Với năng khiếu âm nhạc sẵn có, được sự quan tâm, dìu dắt tận tình của cố nhạc sĩ bậc thầy – Nguyễn Hữu Hiếu từ khu học xá Trung ương, cũng như sau đó ở Đài TNVN, lại được tắm mình trong thế giới âm thanh cách mạng, được cử đi học lý luận và chỉ huy ở Nhạc viện Moscow rồi Nhạc viện Leningrad, nhạc sĩ Lê Đình Lực đã trưởng thành và có những cống hiến trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc nhất là trên lĩnh vực sóng phát thanh.
Nhạc sĩ Lê Đình Lực là người dàn dựng, phối âm, phối khí, chỉ huy nhiều tiết mục ca nhạc có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao chất lượng nhiều chương trình ca nhạc của Đoàn ca nhạc Đài TNVN những năm qua, đồng thời là nhạc sĩ sáng tác nhiều tình khúc đặc sắc với một phong cách riêng nhẹ nhàng, thủ thỉ, sâu lắng. Ví như “Em vẫn như ngày xưa” (thơ Trần Ngọc Thụ), NSND Thanh Hoa hát, “Ngày xuân nói với con” (thơ Nguyễn Huy Dung), NSND Phan Muôn và tốp nữ hát, “Lời gửi lại” (thơ Lệ Thu), NSND Thanh Hoa hát…
Chỉ riêng về “nghề” chỉ huy dàn nhạc, không phải ai cũng giống nhau. Nếu Cao Việt Bách có phong cách chỉ huy sôi động có lúc đôi tay như múa, thì Lê Đình Lực nhẹ nhàng sâu lắng mềm mại trữ tình… Người chỉ huy không chỉ làm nhiệm vụ đánh nhịp thôi, mà là người đóng góp phần sáng tạo của mình vào việc dàn dựng và trình diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc. Lúc điều khiển dàn nhạc biểu diễn, anh chăm chú nghe. Nghe bằng tai, bằng mắt và cả bằng tay nữa. Một tay này (có cầm que hay không cũng được) để giữ vững nhịp độ. Tay kia để nhắc nhở cho mỗi – diễn viên, mỗi nhóm, mỗi bộ nhạc khí. Một mắt này trên bản phân bè dàn nhạc đến cả nốt nhạc. Mắt kia theo dõi cả dàn nhạc (và đội hợp xướng, nếu có). Nét mặt thể hiện tình cảm và sắc thái.
Anh ra lệnh cho cả cái vũ trụ tiếng nhạc ấy, điều khiển nó, dùng những khả năng của dàn nhạc, làm cho dàn nhạc biểu hiện đúng đắn, tốt đẹp tư tưởng, tình cảm của tác giả, qua sự chỉ huy của mình. Lê Đình Lực là người chỉ huy dàn nhạc của hai làn sóng phát thanh: Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng (với mật danh là CP90). Với Đài Giải phóng, anh đã sáng tạo ca nhạc có phong cách riêng, phù hợp với đặc điểm vùng đất miền Nam, mang hơi thở chiến trường và tâm hồn con người sống trong “gian lao mà anh dũng”.
Người nhạc sĩ rất khiêm tốn, hiền lành, giản dị, người chỉ huy dàn nhạc Lê Đình Lực dễ tập hợp đội ngũ ca nhạc và điểu khiển họ với đôi tay và tâm hồn, tài năng nghệ thuật của mình đã đi xa. Nền âm nhạc Việt Nam lại vắng đi một tài năng, tổ dân phố nhà Đài vắng đi một chủ hộ… Bài viết này của tôi như là một nén tâm nhang vĩnh biệt anh – nhạc sĩ, NSƯT Lê Đình Lực!./.
Nguồn: vov.vn