Từ năm 2020 đến hết tháng 6.2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế trong các cơ sở công lập nghỉ việc do áp lực công việc lớn, thu nhập thấp.
96 bác sĩ nghỉ việc
Sáng 12.7, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã thông tin về tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, và tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2020 đến hết tháng 6.2022 có 206 nhân viên y tế ở các cơ sở y tế công lập của tỉnh Thanh Hóa nghỉ việc |
Báo cáo trước HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Hữu Hùng cho biết, từ năm 2020 đến hết tháng 6.2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Trong đó, có 96 bác sĩ, chiếm 47% số người nghỉ việc.
Đáng lo ngại hơn, trên thực tế, số nhân viên y tế có ý định xin nghỉ việc lớn hơn gấp nhiều lần số đã nghỉ việc nêu trên.
“Qua theo dõi tâm lý của nhiều người, chúng tôi nhận thấy số nhân viên y tế có ý định nghỉ việc cao gấp nhiều lần, nhưng do nhiều người chưa biết chọn nghề gì, chuyển đến đâu nên họ vẫn đang làm việc”, ông Hùng cho hay.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc được Sở Y tế Thanh Hóa tổng hợp, là do áp lực công việc nặng nề, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng phục vụ cao, nên bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi. Thu nhập của nhân viên y tế không đảm bảo
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ sở khám chữa bệnh. Trong khi, các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ không còn nhiều, và Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ chối thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế – kỹ thuật năm 2017 – 2018 là 203 tỉ đồng, khiến cho các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng khó khăn.
Ngoài ra, nhân viên y tế phải đối mặt với mối nguy hiểm từ bệnh nhân, người nhà người bệnh, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội, và các cấp quản lý.
Thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao khiến nhiều nhân viên y tế không còn thiết tha với y tế công lập |
Để giải quyết các vấn đề trên, ông Hùng cho rằng cần phải đáp ứng các điều kiện, như: các cơ sở y tế phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế để các bác sĩ cống hiến, phục vụ bệnh nhân tốt hơn; ngoài kinh phí hỗ trợ của Chính phủ, nên có chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh.
Sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám đấu thầu
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và công tác đấu thầu thuốc, ông Hùng cho biết tình trạng trên có diễn ra ở Thanh Hóa, nhưng chưa đến mức trầm trọng như một số tỉnh khác.
“Thuốc, vật tư y tế ở Thanh Hóa có thiếu cục bộ ở một số bệnh viện, một số mặt hàng, nhưng chưa trầm trọng. Nguyên nhân là do các đơn vị sợ sai, sợ bị kiểm tra, thanh tra, nên không dám đấu thầu, mua sắm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại việc cung ứng hàng hóa cho các bệnh viện công, do liên quan đến giá cả chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán khó khăn”, ông Hùng cho hay.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nguyên liệu sản xuất thuốc thiếu hụt, biến động gây khó khăn; một số thuốc hết hạn số đăng ký nên chậm thầu so với thời gian đề ra.
Nguồn: thanhnien.vn