Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động

Tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Một số yếu tố chính đã kiềm chế tốc độ tăng CPI: Một là, giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,09 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 5,4%; giá thịt gà giảm 1,7%. Hai là, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng, làm cho giá điện sinh hoạt bình quân 7 tháng năm 2021 giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Ba là, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 7 tháng giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 18,66%; giá du lịch trọn gói giảm 2,83%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,62% của CPI tháng 7/2021 so với tháng trước có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định.

Mức lạm phát cơ bản tháng 7 và 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, thực trạng lạm phát thấp hiện nay có một phần nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, nghĩa là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%. Hơn nữa, chỉ số này của năm 2020 đã giảm 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên theo TS. Độ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, nghĩa là đã giảm trong 2 năm qua.

Vị này cũng cho biết, số liệu nói trên của cơ quan thống kê cho thấy, sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lạm phát duy trì mức thấp trong nửa đầu năm nay là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu. Song cũng không vì thế mà chủ quan, vì gía cả thị trường còn biến động khiến áp lực lạm phát tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định do phụ thuộc từ 70 – 80% vật tư, năng lượng, nguyên nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên trước diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và một số năm tiếp theo. Điều này cần sự điều hành linh hoạt của các bộ, ngành liên quan để đảm bảo ổn định giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ mục tiêu kép.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa được kết nối lại do dịch COVID-19 sẽ đẩy chi phí vận chuyển logistics vẫn ở mức cao; đồng thời giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa thể giảm ngay theo mong muốn.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính cho rằng, theo dự báo giá xăng, dầu sẽ tăng cao tới khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm, như vậy sẽ tác động gián tiếp đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa.

Dự báo, những tháng cuối năm, việc thiếu hụt các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt khiến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu quặng từ các nước khác do đó giá thép trong nước cũng sẽ biến động cùng chiều với diễn biến giá thép thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng theo kinh nghiệm từ dữ liệu thống kê về các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây giá thép sẽ có khả năng đi vào ổn định và không còn tăng nóng như 6 tháng đầu năm.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá nhiều mặt hàng có xu hướng tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến sản xuất, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng các cơ quan quản lý có các chính sách phù hợp để giảm giá các loại vật liệu tăng giá thời gian qua đặc biệt là giá sắt, thép; sử dụng chính sách thuế phù hợp theo hướng có lợi cho nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm.

Theo ước tính của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trên cơ sở đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.