Hiện nay ở Việt Nam có nhiều loại cá vàng được nuôi làm cảnh. Phần lớn là cá nội địa, giá cả tương đối rẻ song có những con ngoại nhập, hình dáng đẹp, màu sắc phong phú và khá đắt tiền nhưng ‘bí ẩn’ về nguồn gốc.
Cá vàng có tên khoa học là Carassius auratus, thuộc chi Carassius, họ Cyprinidae. Chúng là một trong những loài cá đầu tiên mà con người đã thuần hóa và nuôi làm cảnh phổ biến nhất.
Cá vàng là phiên bản của loại cá chép màu nâu, xám đậm hoặc xanh olive, có nguồn gốc ở Đông Á (do người Trung Quốc thuần hóa đầu tiên), sau đó được đưa đến châu Âu vào cuối thế kỷ 17.
Cá vàng (Carassius auratus) có nguồn gốc ở Đông Á, do người Trung Quốc thuần hóa đầu tiên, về sau du nhập vào châu Âu vào cuối thế kỷ 17 rồi phổ biến dần khắp thế giới |
Cá vàng dài tối đa khoảng 59 cm, trọng lượng “khủng” nhất khoảng 4,5 kg, tuy nhiên khá hiếm, thậm chí chỉ vài con mới đạt được phân nửa kích cỡ vừa nêu. Trong môi trường sống tối ưu, cá vàng có thể sống trên 20 năm, song nhìn chung, nếu nuôi tại nhà thì phần lớn chỉ sống từ 6 đến 8 năm.
Nguồn gốc cá vàng
Vào đời nhà Tần, người Trung Quốc thường nuôi cá chép trong ao. Do đột biến gien nên một trong những loài cá chép này có màu vàng, chính xác hơn là có màu cam hơi vàng. Thế là người Trung Quốc bắt đầu gây giống loại màu vàng này, ban đầu nuôi làm cảnh trong những vật chứa nhỏ rồi dần dà sản xuất hàng loạt nên nuôi trong những ao lớn.
Năm 1162, hoàng gia nhà Tống chọn nuôi những con cá chép màu vàng và đỏ trong ao, còn dân thường thì không được phép nuôi loại màu vàng, vì đây là màu biểu tượng của đế vương.
Về sau, qua đột biến, cá vàng phát sinh thêm rất nhiều màu mới. Sự đa dạng màu sắc làm nảy sinh nhiều “trường phái” trong giới chơi cá vàng. Mỗi người chọn vài dòng cá vàng có hình dạng và màu sắc đặc biệt để giới thiệu phong cách riêng của mình.
Cá vàng lưu kim (Ryukin), còn gọi là cá vàng lưng gù |
Cá vàng đuôi công (Tosakin) |
Năm 1276, các chuyên gia bắt đầu nghiên cứu, phân loại và ghi chép tất cả các màu cá vàng. Đến thời nhà Minh, lần đầu tiên cá vàng đuôi hình chạc xuất hiện. Năm 1502, cá vàng được nhập khẩu vào Nhật Bản, thế rồi người Nhật phát triển đa dạng những dòng cá vàng đuôi công (Tosakin) và cá vàng lưu kim (Ryukin) – ở Việt Nam, giới chơi cá cảnh còn gọi Ryukin là cá vàng lưng gù.
Năm 1611, cá vàng đến Bồ Đào Nha rồi lan tỏa dần sang những nơi khác ở châu Âu. Năm 1874, lần đầu tiên người ta nhập khẩu cá vàng vào Bắc Mỹ, chẳng mấy chốc loại cá tuyệt đẹp này nhanh chóng phổ biến tại nước Mỹ.
Môi trường hoang dã
Khi sống trong ao cá vàng có thể xuống độ sâu khoảng 20 m. Vùng khí hậu tự nhiên của chúng là cận nhiệt đới cho tới nhiệt đới. Loài cá này sống trong nước ngọt, với độ pH 6.0 – 8.0, độ cứng 5.0 – 19.0 dGH, nhiệt độ từ 4 đến 41 độ C. Phạm vi nhiệt độ ngoài trời tốt nhất là từ 20 đến 23 độ C.
Những loại cá vàng mà giới chơi cá cảnh ưa chuộng |
Ở nhiều quốc gia, người ta nuôi cá vàng trong ao ngoài trời, nơi có nhiệt độ thường trên 30 độ C và chúng vẫn sống bình thường. Trong môi trường tự nhiên, cá vàng có màu thật sự là xanh lá cây pha màu olive. Trong hoang dã, chế độ ăn của cá vàng gồm có loài giáp xác, côn trùng và những loại thực vật khác nhau.
Tuy nhiên, nếu nuôi loại cá này, xin lưu ý rằng giống như nhiều loài cá khác, cá vàng sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu thật sự của chúng. Điều này có thể gây nguy hiểm cho ruột. Chúng vốn ăn tạp và ăn khỏe nhất khi xơi những loại thực vật tươi, trái cây, kể cả thức ăn bột hoặc thức ăn viên. (Còn tiếp).
Nguồn: thanhnien.vn