Tuesday, November 5, 2024

Đừng để du khách một đi không trở lại



Clip một nhóm cầm dao rượt chém nhau trước Thung lũng tình yêu (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cùng clip phản ánh trường hợp tranh giành khách đến cửa hàng đặc sản được bạn đọc cho rằng cần chấn chỉnh sớm để không làm ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt.

Thanh Niên thông tin những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện clip một nhóm khoảng 10 người cầm dao rựa rượt đuổi nhau trước cổng khu du lịch (KDL) Thung lũng tình yêu, dưới sự chỉ huy của “nữ tướng” là chủ một cửa hàng đặc sản Đà Lạt. Sau đó, Công an TP.Đà Lạt đã xác định được 11 người đuổi chém nhau và đang củng cố hồ sơ để xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó còn có clip nội dung một “cò đặc sản” và một hướng dẫn viên du lịch xảy ra mâu thuẫn vì tranh giành khách đến cửa hàng…

Đừng để du khách một đi không trở lại

Cơ quan chức năng tại Lâm Đồng kiểm tra cửa hàng đặc sản liên quan đến vụ việc “cò đặc sản” và hướng dẫn viên du lịch tranh giành khách

Chấn chỉnh để du khách có ấn tượng tốt

Những hình ảnh xấu xí kể trên, được nhiều bạn đọc cho rằng, không nên xảy ra ở TP du lịch như Đà Lạt.

Bạn đọc (BĐ) Thành Lê viết: “Vấn nạn “cò đặc sản” tại Đà Lạt, không chỉ riêng điểm này (KDL Thung lũng tình yêu – PV) mà nhiều điểm khác cũng có kiểu lộng hành, côn đồ, chặt chém du khách. Tôi cũng từng là nạn nhân khi đến đây. Địa phương nên học theo cách của TP.Đà Nẵng đang quản lý để khi du khách đến đây có ấn tượng tốt. Quan trọng là đừng để du khách một đi không trở lại”.

BĐ Hoang Nhan cũng thuật lại sự việc tương tự đã xảy đến với mình: “Mới đây, tôi đi chợ ở Đà Lạt thì có một phụ nữ mời mua túi xách để đựng rau củ. Tôi không mua vì lúc đó chưa có nhu cầu. Sau đó, tôi thấy một cụ già bán túi và vì lúc này, tôi mới thực sự có nhu cầu cần túi để đựng rau củ nên mua của cụ già. Bất ngờ, người phụ nữ đó thấy tôi mua túi của cụ già đã đi lại chửi tôi xối xả. Tôi là khách du lịch nên cũng không dám nói gì. Mong sao cơ quan chức năng địa phương chấn chỉnh để Đà Lạt mãi đẹp trong lòng du khách”.

Đừng để du khách một đi không trở lại
Đừng để du khách một đi không trở lại
Đừng để du khách một đi không trở lại

Cảnh cầm dao rượt chém trước Thung lũng tình yêu trong clip đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội

BĐ Huỳnh Thị Đức Ái chia sẻ: “Tôi từng đi du lịch nhiều nơi, trong nước lẫn nước ngoài. Có những nơi, tôi trở lại đến lần thứ 3 vì thái độ niềm nở, văn hóa, sự tử tế của người dân địa phương nơi đó luôn để lại ấn tượng đẹp đẽ trong suy nghĩ tôi. Do vậy, tôi nhận ra rằng, ngoài khí hậu, phong cảnh, thức ăn, đồ uống…, thì con người và văn hóa tại điểm đến du lịch để lại ấn tượng rất lớn trong việc thu hút du khách quay trở lại. Công bằng mà nói, ở một số nơi tôi đến, kể cả nước ngoài, cũng có hiện tượng chèo kéo du khách mua đồ lưu niệm, nhưng hiếm khi có tình trạng chèo kéo gây ra sự sợ hãi cho khách phương xa. Đà Lạt là xứ mộng mơ, nhưng nếu không dẹp triệt để tình trạng chèo kéo, tranh giành du khách của các cửa hàng bán đặc sản thì rất dễ để lại ấn tượng xấu đối với khách du lịch. Bản thân những người kinh doanh tại đây cũng phải nhận ra rằng, chỉ có niềm nở, tử tế, ứng xử văn minh, văn hóa… với du khách, thì cửa hàng mình mới “ăn nên, làm ra”.

Giữ hình ảnh “người Đà Lạt thân thiện, lịch sự, dễ thương”

Nhiều BĐ đều công nhận Đà Lạt là điểm du lịch rất đáng tham quan vì nổi tiếng và khí hậu mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, nạn tranh giành, chèo kéo du khách không chấm dứt sớm, thì hành vi xấu xí của một số “cò” sẽ tạo ra ấn tượng không tốt.

Chính vì vậy, BĐ Bảo Bảo kiến nghị cơ quan chức năng TP.Đà Lạt cương quyết dẹp bỏ nạn chèo kéo, tranh giành khách của các “cò đặc sản”. Nếu tình trạng này vẫn còn – và dẫu biết, không thể lấy hành vi xấu xí của số ít người để khái quát hóa – có thể sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh vốn có là “người Đà Lạt thân thiện, lịch sự, dễ thương”.

Tương tự, BĐ Minh Nguyễn cũng đề nghị cơ quan chức năng TP.Đà Lạt và Lâm Đồng vào cuộc để triệt phá, chấn chỉnh nạn “cò đặc sản”, đừng để mất đi hình ảnh đẹp, thân thiện của Đà Lạt.

Theo BĐ Tran Mai Truong, không những ở Đà Lạt mà một số địa phương khác cũng có một vài trường hợp chặt chém, bán hàng kém chất lượng cho du khách. Những hành vi này là cách nhanh nhất để “giết” ngành du lịch tại một địa phương vốn dĩ đã khá khó khăn trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do vậy, cơ quan chức năng ở mỗi địa phương cần chủ động phối hợp liên ngành để dẹp bỏ những hành vi xấu xí này.

* Cách đây hơn 10 năm ở một TP du lịch khác là Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng có cảnh “cò đặc sản”. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của chính quyền địa phương, du khách đến TP biển này để du lịch đã không còn phải chứng kiến hoặc bị làm phiền bởi đội quân “cò đặc sản”. Do vậy, nếu địa phương nào làm quyết liệt và thường xuyên thì sẽ dẹp bỏ được tình trạng này.

Bảo Nam

* Cần xử lý rốt ráo tình trạng “cò đặc sản” và chấn chỉnh việc kinh doanh của các cửa hàng bán đặc sản bởi với mạng xã hội, những thông tin không tốt về một địa điểm du lịch rất nhanh chóng được chia sẻ.

Trung Quang

* Mong cơ quan chức năng ở Đà Lạt nên chấn chỉnh việc này sớm để không mang tiếng xấu, ảnh hưởng du lịch.

Quy Pham Ngoc

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img