(Chuyện Nóng 24h) – Mẫu máy bay này được biết đến với kỷ lục về thành tích không chiến tuyệt vời hơn bất cứ chiến đấu cơ nào khác trong lịch sử hàng không.
Theo nhà phân tích Alex Hollings trên trang tin Sandboxx, đúng là F-15 đã có phần hơi cũ và lỗi thời so với các máy bay chiến đấu hiện đại như tiêm kích tàng hình F-22 và F-35. Tuy nhiên, nó đã thiết lập được bảng thành tích chiến đấu mang tính lịch sử.
Trong hơn 50 thiết kế chiến đấu cơ đến từ nhiều quốc gia khác nhau giai đoạn 1970-1980, F-15 Eagle [do McDonnell Douglas phát triển] đã tỏ ra vượt trội rõ rệt so với các máy bay còn lại.
Với thành tích không chiến được ghi nhận là bắn hạ tổng cộng 104 máy bay đối phương mà không hề bị bắn rơi, F-15 đã giành được danh hiệu “Nhà vô địch trên không” sau khi kinh qua nhiều cuộc xung đột.
Mối đe dọa từ Liên Xô
Động lực dẫn tới sự ra đời của F-15 Eagle bắt đầu từ thời Chiến tranh Việt Nam, khi những chiếc F-4 Phantom của Mỹ – mặc dù có tốc độ tối đa và trang bị tên lửa không đối không – vẫn phải vật lộn chống lại các máy bay chiến đấu cũ hơn, chậm hơn nhưng có những khả năng đặc biệt khác của Liên Xô (cũ).
Nhu cầu về một mẫu máy bay chiến đấu chuyên dụng để giành ưu thế trên không đã được hình thành tại Mỹ, nhưng nó càng trở nên rõ rệt hơn sau khi MiG-25 Foxbat của Liên Xô lần đầu ra mắt.
McDonnell Douglas đã giành được cơ hội chế tạo siêu máy bay phản lực mới của Mỹ vào năm 1969 với thiết kế trông giống như một chiếc F-14 cánh cố định. Mẫu máy bay này được trang bị một cặp động cơ phản lực đốt sau Pratt & Whitney F100 với tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng là 1: 1, giúp máy bay trở nên cơ động và linh hoạt trong chiến đấu. Thân máy bay rộng được bổ sung lực nâng từ sải cánh dài 13m.
F-15 Eagle được mệnh danh là “Vua đại bàng” trên bầu trời
Giới chuyên gia Mỹ tin rằng MiG-25 sẽ có sức ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực thiết kế máy bay chiến đấu mới. Do đó, F-15 của họ sẽ cần phải có tốc độ cao, khả năng cơ động và trọng tải vũ khí cần thiết để tương xứng với siêu tiêm kích Liên Xô.
Trong lúc chương trình chế tạo F-15 đang tiếp diễn, nỗi lo sợ của Mỹ về siêu tiêm kích Liên Xô càng trở nên trầm trọng hơn vào tháng 3/1971. Các kíp vận hành radar của Israel đã phát hiện ra một chiếc máy bay bất thường của Liên Xô bay với tốc độ đáng kinh ngạc Mach 3.2, trần bay trên 24.000m, cao hơn mức F-4 hoặc thậm chí MiG-23 của Liên Xô có thể vươn tới.
Vài tháng sau, chiếc ‘máy bay lạ’ được ghi nhận một lần nữa, nhưng lần này, các chiến đấu cơ của Israel đã cố gắng bắn hạ chiếc máy bay bí ẩn dù không thành công.
1 năm sau, vào ngày 27/7/1972, chiếc F-15 đầu tiên đã cất cánh. Đây là một phương tiện chiến đấu vô cùng hứa hẹn dù với các thông số trên giấy, nó có vẻ vẫn không thể đánh bại được MiG-25. Mẫu máy bay của Mỹ chỉ có thể đạt tốc độ Mach 2.5 và trần bay 20.000m, mang 9 giá treo vũ khí cùng radar ngắm bắn tiên tiến.
Người Mỹ biết nó có thể không sánh được so với sức mạnh tuyệt đối của MiG-25 nhưng họ tin rằng nó có thể đánh bại máy bay của Liên Xô.
Thổi bay vỏ bọc ‘siêu chiến binh’ của Foxbat
Năm 1976, một Trung úy thuộc lực lượng phòng không – không quân Nga tên là Viktor Belenko đã ‘giúp’ xóa tan những bí ẩn và sợ hãi của phương Tây về MiG-25 Foxbat bằng một cuộc đào tẩu rúng động.
Belenko đã bắt đầu hành trình của mình từ Vladivostok, để rồi từ đó thực hiện cuộc đào tẩu táo bạo đến đường băng Hakodate trên đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Sau vụ việc, các chuyên gia hàng không phương Tây đã có “cơ hội vàng” để đánh giá một cách trực tiếp và đầy đủ những điểm mạnh-yếu của mẫu máy bay đánh chặn đình đám.
Theo nhà phân tích Peter Suciu trên tạp chí National Interest, “không giống như SR-71 Blackbird được chế tạo bằng titan để chịu nhiệt do ma sát sinh ra ở tốc độ cao, Foxbat phần lớn được chế tạo bằng thép. Nó có thể bay với tốc độ cực lớn nhưng điều đó cũng dẫn tới nguy cơ làm hỏng khung máy bay và động cơ.
MiG-25 Foxbat gây ấn tượng mạnh bởi tốc độ cao và khả năng cơ động đáng kinh ngạc. Ảnh: Wiki
Do kích thước tương đối lớn, MiG-25 Foxbat rất dễ bị phát hiện trên radar. Khi Mỹ tháo dỡ chiếc MiG-25 đào tẩu sang Nhật Bản, họ phát hiện ra rằng công nghệ bên trong đã lỗi thời. Tương tự như vậy, MiG-25 có tầm hoạt động hạn chế”.
Ngoài ra, theo ông Suciu, chiếc Bat thiếu khả năng cơ động – đây cũng là yếu tố đã gây khó khăn cho chiếc F-4 Phantom ‘tốc độ nhưng to xác’ trong các cuộc không chiến với MiG-21 Fishbed ở Việt Nam thời kỳ chiến tranh.
Các nhà phân tích Mỹ sớm nhận ra rằng MiG-25 Foxbat hoàn toàn không phải là một mẫu máy bay thích hợp để không chiến. Nó được thiết kế và chế tạo với một mục đích: Cất cánh và leo cao đủ nhanh để đánh chặn các máy bay ném bom tốc độ cao của Mỹ, chứ không phải để hạ gục chúng ngay trên bầu trời.
Họ cũng nhận ra rằng F-15 Eagle không phải là “kẻ yếu thế” mà mình đã lo sợ. Thay vào đó, nó rõ ràng là một mẫu máy bay có khả năng hoạt động tốt hơn nhiều so với Foxbat. Tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao khiến F-15 có khả năng nhào lộn đáng kinh ngạc mà không phải hy sinh tốc độ bay. Trên thực tế, Eagle mạnh tới mức nó có thể tăng tốc trong quá trình bay thẳng giống như một tàu tên lửa.
F-15 có thể không đạt tốc độ Mach 3 nhưng khả năng kết hợp tốc độ với khả năng cơ động đã mang lại cho nó tất cả sức mạnh cần thiết trong một trận quyết đấu.
Chiếc F-15 mất cánh nằm trong xưởng bảo dưỡng của Israel. Ảnh: IDF.
Trong những năm sau đó, F-15 đã chứng tỏ bản lĩnh của mình trong nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, phần lớn phục vụ trong Không quân Israel. Ấn tượng nhất, năm 1983, tiêm kích F-15 do phi công Israel điều khiển mất cánh sau vụ va chạm trên không, song vẫn bay thêm khoảng 16 km và tiếp đất an toàn.
Ngày nay, F-15EX – phiên bản mới nhất của F-15 đang tiếp tục kế thừa uy thế trên không của ‘Đại bàng’, và mặc dù nó có tiết diện phản xạ radar lớn – một bất lợi trong bối cảnh các nhà thiết kế đang tập trung vào khả năng tàng hình – nhưng hiệu suất đáng kinh ngạc vẫn giúp nó giữ vững danh hiệu một trong những máy bay chiến đấu đáng gờm nhất trên bầu trời.
Nguồn: toquoc.vn