Binh nghiệp của ông Tư Việt Liêm lừng lẫy trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng người dân xứ dừa còn quý mến ông vì suốt hơn 23 năm bền bỉ “xin tiền” xây gần 600 ngôi nhà Nghĩa tình đồng đội với kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
Xứng danh bộ đội Cụ Hồ
Chúng tôi đến gặp đại tá Trần Quốc Việt (bí danh trong kháng chiến chống Mỹ và tên thường gọi là Tư Việt Liêm, 74 tuổi, thương binh hạng 4/4, ngụ P.Phú Khương, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre. Người cựu chiến binh này đã 7 lần bị thương trong chiến tranh, hiện còn mảnh đạn trong xương ống chân, cộng với tuổi tác cao, nên bước đi của ông khập khiễng. Mái tóc bạc phơ nhưng da dẻ ông hồng hào khỏe khoắn, gương mặt phúc hậu.
Đại tá Trần Quốc Việt (thứ 3 từ trái qua) tại lễ bàn giao nhà Nghĩa tình đồng đội ở H.Giồng Trôm, Bến Tre |
Các con đều đã ở riêng, ông Tư Việt Liêm hiện sống cùng vợ trong ngôi nhà cấp 4 đã cũ, đồ đạc không có gì đáng giá. “Điểm nhấn” của ngôi nhà là hơn 50 tấm bằng khen, thư khen, Huân chương Lao động do Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Ban Dân vận T.Ư, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre… tặng, được ông treo trang trọng.
“Các tấm bằng khen là những giá trị thiêng liêng nhất của tôi sau gần 60 năm tham gia cách mạng và xây dựng quê hương. Với tôi, chiến tranh chấm dứt, nhưng công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương, làng xóm cũng là đang làm cách mạng. Bởi chính tinh thần cách mạng và sự tự hào của bộ đội Cụ Hồ, một công dân trên quê hương Đồng Khởi – Bến Tre là động lực rất lớn để tôi luôn ý thức phải sống có ích cho đời và làm gương cho con cháu noi theo”, ông Tư Việt Liêm chia sẻ.
Lật những tấm ảnh trắng đen trong cuốn album đã cũ, ông Tư Việt Liêm bồi hồi: “Năm 1964, tôi 16 tuổi vào quân đội và không lâu sau đó được phục vụ trong Tiểu đoàn bộ binh 516 thuộc tỉnh Bến Tre. Khi đó, quân số tiểu đoàn lên đến hàng ngàn. Đến năm 1975, tôi được lệnh giữ nhiệm vụ tiểu đoàn phó; và ngày thống nhất đất nước, lực lượng của tiểu đoàn chỉ còn vỏn vẹn hơn 300 người. Hãy hình dung để cảm nhận sự mất mát, hy sinh của Tiểu đoàn 516 đến độ nào. Bản thân tôi phải vĩnh biệt biết bao nhiêu đồng đội rồi”, nói đến đây ông không cầm được nước mắt.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Tư Việt Liêm công tác tại nhiều đơn vị quân đội. Năm 1982, ông được điều động về Ban Chỉ huy quân sự H.Giồng Trôm (Bến Tre), đến năm 1999 ông làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, tới năm 2005 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Đại tá Trần Quốc Việt |
“Chỉ dừng lại khi tôi ngừng thở”
Cuối năm 1999, trong một lần về quê nhà ở H.Giồng Trôm, ông Tư Việt Liêm ghé thăm người cựu binh già mà ông gọi là chú Tám Kỳ Sanh (ấp 2, xã Long Mỹ), là bạn chiến đấu với người cha liệt sĩ của ông. Ông Tư Việt Liêm đã vô cùng xúc động khi chứng kiến gia cảnh nghèo khổ, nhà mái lá xiêu vẹo của người thương binh này. Về đơn vị, ông tiến hành vận động từ nhiều nguồn khác nhau để có được 30 triệu đồng, bàn giao cho chính quyền xã Long Mỹ xây ngôi nhà đàng hoàng cho ông Tám Kỳ Sanh.
“Chú Tám Kỳ Sanh bật khóc khi vào nhà mới. Điều đó khiến tôi suy nghĩ, trăn trở nhiều và cảm giác trở thành cơ duyên, động lực để cho tôi chấp nhận “chai mặt” đi vận động tiền về xây cất nhà cho những đồng đội năm xưa, suốt 23 năm qua”, ông Tư Việt Liêm chia sẻ.
Công dân đồng khởi
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Đại tá Trần Quốc Việt là tấm gương sáng của người đảng viên trong công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng, công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa… Sắp tới, Tỉnh ủy Bến Tre sẽ tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho ông. Theo quy chế, nếu phía Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre gửi hồ sơ đề nghị và được hội đồng do UBND tỉnh Bến Tre chủ trì thông qua, thì danh hiệu Công dân Đồng Khởi sẽ được trao cho đại tá Trần Quốc Việt”.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho hay: “Sự bền bỉ trong việc vận động xây nhà Nghĩa tình đồng đội của đại tá Trần Quốc Việt đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ giới hạn trong các cấp hội cựu chiến binh tại Bến Tre, mô hình Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, với hạt nhân là đại tá Trần Quốc Việt, được T.Ư hội nhân rộng ra các tỉnh, thành. Trong quá trình công tác ở Hội Cựu chiến binh tỉnh, đại tá Việt đã 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 5 lần được công nhận sáng kiến cấp tỉnh… Điều đó cho thấy sự nỗ lực không ngừng của người bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu”.
Để thuận lợi trong việc xây nhà cho đồng đội khó khăn, ông Tư Việt Liêm phác thảo bộ tiêu chí theo thứ tự ưu tiên từng đối tượng thụ hưởng, lần lượt là cha, mẹ, vợ chồng liệt sĩ; con liệt sĩ; thương binh… có gia cảnh nghèo, khó khăn về chỗ ở.
Trong suốt những năm làm nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, ông Tư Việt Liêm luôn dành thời gian vận động nhà hảo tâm để xây nhà. Năm 2006, ông tham gia lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, đến năm 2017 xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Nhưng việc vận động xây nhà Nghĩa tình đồng đội thì ông nói: “Chỉ dừng lại khi tôi ngừng thở”.
“Từ năm 2005, khi tôi về hưu, việc vận động khó khăn hơn rất nhiều so với những năm đương chức. Nhiều lúc khó quá thì tôi đi vận động người thân của mình, chứ thấy nhà cửa của thân nhân liệt sĩ, thương binh xập xệ là tôi chịu không nổi. Nói chung, nếu có cơ hội là tôi mở miệng vận động, riết thành thói quen luôn. Và rồi những thân hữu, bạn bè và con cháu của họ cũng đồng cảm với tôi”, ông Tư Việt Liêm tâm tình.
Ý tưởng trở thành nghị quyết
Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, năm 2010, kế hoạch về việc xã hội hóa để xây nhà Nghĩa tình đồng đội của ông Tư Việt Liêm được Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre thông qua tại Nghị quyết số 7, với chỉ tiêu vận động trong 2 năm là 500 căn nhà. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre thống nhất chủ trương và có những sự hỗ trợ như tặng biểu trưng Đồng Khởi cho nhà hảo tâm…
Đến giữa năm 2012, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 500 căn nhà Nghĩa tình đồng đội. Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh Bến Tre đã vận động xây dựng hơn 2.500 căn nhà Nghĩa tình đồng đội. Trong đó, riêng ông Tư Việt Liêm vận động xây dựng gần 600 căn với kinh phí hơn 20 tỉ đồng. Ngoài ra, ông còn vận động kinh phí xây dựng nhiều cầu, đường nông thôn và tặng hơn 5.000 xe đạp, hàng trăm ngàn quyển tập, hàng trăm suất học bổng, quần áo… giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh Bến Tre. (còn tiếp)
Nguồn: thanhnien.vn