Hàng ngàn “vùng xanh” được thiết lập
Là một trong các phường đầu tiên triển khai mô hình chốt kiểm soát “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh), ông Lê Minh Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy P.4 (Q.3, TP.HCM), cho biết ngoài 12 chốt đã được triển khai trước đó, đến nay phường đã mở rộng thêm nhiều “vùng xanh” mới ở các khu vực vừa được gỡ phong tỏa. Trong thời gian triển khai chốt bảo vệ vùng xanh (từ ngày 22.7), số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn phường đã giảm hẳn.
Người dân treo bảng nâng cao ý thức chống dịch tại hẻm 338 Điện Biên Phủ, P.11, Q.10, TP.HCM
|
“Sắp tới, phường sẽ đẩy nhanh tiêm ngừa vắc xin thông qua hình thức tiêm lưu động ở khu vực phong tỏa để chuyển hóa thành vùng xanh”, ông Tuấn Anh nói.
Những ngày qua, các con hẻm trên đường Đặng Văn Bi, đường Hồ Văn Tư thuộc P.Trường Thọ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được người dân giăng dây lập chốt trực bảo vệ “vùng xanh”. Anh Mai Linh Phụng (31 tuổi), người dân trực chốt tại đầu hẻm 203 Đặng Văn Bi, cho hay sau khi nhận được thông báo khu vực mình sinh sống không xuất hiện ca nhiễm Covid-19, tổ trưởng dân phố đã vận động mọi người trong hẻm lập chốt bảo vệ ở đầu hẻm.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Thanh Niên, các chốt kiểm soát bảo vệ “vùng xanh” được người dân lập tự phát nên cách làm không giống nhau, thậm chí nhiều khu phố còn thống nhất dựng hàng rào ngăn xe đi vào luôn mà không có ai trực. Điển hình như một số tuyến hẻm trên Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ (Q.3), Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận), Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè)… Người lạ đến những tuyến đường này khá lúng túng, vì không biết đi theo hướng nào, không ai hướng dẫn.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt “vùng xanh” được thiết lập tại nhiều quận nội thành Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết đã thiết lập được 132 “vùng xanh” trên địa bàn 18 phường. Là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã phân chia, thiết lập nhiều “vùng xanh” tại các khu dân cư để phân biệt với những khu vực có người mắc, nhằm dựng “chiến hào”, kiểm soát, ngăn chặn dịch xâm nhập. Tham gia bảo vệ “vùng xanh”, ông Trần Duy Phượng (64 tuổi, Trưởng ban công tác mặt trận Khu dân cư số 2, P.Mai Động, Q.Hoàng Mai) cho biết để thiết lập “vùng xanh”, mọi lối vào vùng này đều phải gác chốt 24/24.
Lãnh đạo UBND P.Mai Động (Q.Hoàng Mai), cho biết phường đã triển khai cụ thể các “vùng xanh” từ cuối tháng 7, tới nay đã thiết lập được 39 “vùng xanh”, giao cho chính Bí thư chi bộ khu vực, tổ dân phố và người dân tự quản.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM nhìn nhận mô hình này đã phát huy hiệu quả ở các cụm dân cư trên tinh thần tự nguyện, tự quản của người dân. Về phía chính quyền, ban chỉ đạo các cấp phân công các tổ Covid cộng đồng hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm để giữ vững vùng xanh.
|
Tương tự, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ riêng tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có hơn 1.000 chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”. Ghi nhận dọc tuyến đường 30 Tháng 4 thuộc các phường: Thắng Nhất, Rạch Dừa, 11, 12 (TP.Vũng Tàu), tại các hẻm đều có chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”. Tại TX.Phú Mỹ, có gần 150 chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”. Ở H.Xuyên Mộc, mỗi ấp, xã đều có lực lượng đi chợ giúp người dân không chỉ trong khu phong tỏa, mà cả trong “vùng xanh”.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND H.Xuyên Mộc, cho biết địa phương này đang có hơn 250 chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” do người dân cùng lực lượng dân quân ấp cùng các đoàn thể ấp chốt trực 24/24. TP.Bà Rịa cũng có hơn 100 chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”.
Bình Dương đã phân loại thành các vùng như “vùng đỏ” gồm các địa phương: Thuận An, Dĩ An và TX.Tân Uyên…; “Vùng vàng”: TX.Bến Cát và H.Bàu Bàng; “Vùng xanh”: huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND P.Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho biết trên địa bàn P.Phú Cường có 32 “vùng xanh” với hàng ngàn hộ dân. Người dân và lực lượng khu phố trong vùng xanh tự tổ chức nhân lực gác và bảo vệ chốt.
Hiện việc bảo vệ “vùng xanh” không có F0 được tỉnh Đồng Tháp triển khai tại 12/12 huyện của tỉnh. Qua đó, nhiều trường hợp người từ ngoài xâm nhập trái phép vào “vùng xanh” bị tố giác. Điển hình, ngày 30.7, Tổ nhân dân Tự quản số 3 thuộc ấp An Thọ, xã An Phước, H.Tân Hồng (Đồng Tháp) đã phát hiện 3 người dân trở về từ TP.HCM tại một gia đình trong ấp, nhưng không khai báo y tế nên báo tin cho địa phương đến tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện 2/3 người này dương tính với Covid-19. Nhờ được phát hiện kịp thời nên các trường hợp trên chưa lây lan dịch ra cộng đồng và bảo vệ được “vùng xanh”. Đồng Tháp đã triển khai bảo vệ nghiêm ngặt 27/143 xã, phường đang là “vùng xanh”. Ngoài ra, có 1.983 khu vực khác của tỉnh được thiết lập “vùng xanh”.
Giữ chặt “vùng xanh”
Bà Trương Minh Kiều, quyền Chủ tịch UBND Q.5 (TP.HCM), cho biết hơn 2 tuần trước, quận đã lấy mẫu tầm soát trên địa bàn, sau hơn 2 lần tầm soát những khu vực nào không xuất hiện ca nhiễm mới sẽ vận động người dân thành lập vùng xanh theo mô hình “Mở rộng và giữ vững vùng xanh”. Tại mỗi phường đã được triển khai các dịch vụ đi chợ giúp dân và mua hàng theo kênh phân phối của quận để đáp ứng nhu cầu của người dân. Người dân thực hiện nghiêm việc nhà cách ly với nhà, hạn chế tiếp xúc hoặc ra ngoài.
Ở huyện ngoại thành, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh (TP.HCM), cho hay để mở rộng “vùng xanh”, Ban Thường vụ Huyện ủy phát động phong trào “Nở hoa trong mùa dịch” trên tinh thần huy động toàn hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là tổ Covid cộng đồng, tổ nhân nhân, ấp. Các ấp, các xã sẽ thi đua với nhau xem đơn vị nào phủ kín vùng xanh nhanh nhất. Bước đầu, một số ấp, đặc biệt là xã Bình Lợi đạt hiệu quả tốt, 10 ngày qua không phát sinh F0 mới trong cộng đồng.
Trước lo ngại về tâm lý chủ quan, lơ là khi khu dân cư được thiết lập vùng xanh, ông Nam cho rằng đối với “vùng xanh”, huyện còn siết chặt hơn theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Điển hình như xã Bình Lợi, 100% người và phương tiện ra vào xã được kiểm soát chặt chẽ. Trong từng ấp, hẻm thì có lực lượng tuần tra, nhắc nhở người dân tuân thủ ở yên trong nhà, hạn chế giao lưu, tiếp xúc.
Tăng cường giám sát cộng đồng
Theo công điện được UBND TP.Hà Nội ban hành chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đã yêu cầu tại các khu vực không có dịch (“vùng xanh”), người dân phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch)” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên.
Vùng nào cũng phải lấy mẫu định kỳ
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là HCDC), cho rằng muốn biết vùng nào là “vùng xanh”, vàng, cam hay đỏ thì phải xét nghiệm, giám sát dịch tễ để biết tỷ lệ dương tính là bao nhiêu, từ đó mới khẳng định là “vùng xanh”, vàng, cam, đỏ và từ đó có kế hoạch ứng phó. Nếu là vùng đỏ thì cách ly tuyệt đối. Vấn đề cuối cùng, dù “vùng xanh” hay vùng nào cũng phải lấy mẫu giám sát định kỳ 1 – 2 tuần/lần, tức lấy mẫu đại diện để đánh giá và xử lý phù hợp tình hình.
|
Ngày 6.8, theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, việc thành lập chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” chủ yếu do người dân trong từng khu dân cư, hẻm tự quản, không cho bất cứ người lạ, kể cả shipper đi vào. Người dân trong khu bảo vệ “vùng xanh” cũng phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay: “Chúng tôi rất mừng vì chỉ qua một thời gian ngắn triển khai, gần như 100% người dân ở các ấp, xã đã mạnh mẽ đăng ký tham gia bảo vệ “vùng xanh”. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng tầm soát F0 ngoài cộng đồng để giảm bớt “vùng đỏ” và mở rộng “vùng xanh”. Do đó, đòi hỏi lực lượng ở cơ sở phải tăng cường giám sát cộng đồng để kịp thời phát hiện, báo tin cho lực lượng phòng, chống dịch.