Friday, November 1, 2024

Có cách nào tốt hơn ‘loa phường’?



Nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọcThanh Niên cho rằng còn nhiều phương tiện truyền đạt thông tin khác hiện đại và ít phiền nhiễu hơn “loa phường”.

Thanh Niên thông tin, hôm 27.7, cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã họp báo liên quan kế hoạch khôi phục hệ thống loa truyền thanh cơ sở (thường được người dân gọi là “loa phường”).

Một trong những lý do được đưa ra là truyền thanh khác với các loại hình khác, không thể thay thế được. Ở các tổ dân phố của Hà Nội có nhu cầu thông tin khác nhau, nếu bắt một tổ trưởng đến từng nhà dân sẽ rất vất vả. Trong khi đó, phát thông tin qua loa, người dân sẽ nắm được, từ đó các chủ trương của TP, việc nội bộ của khu dân cư nhanh chóng đến được người dân. Chính quyền cũng có cam kết rằng “loa phường sẽ ít ồn ào, thân thiện hơn”.

Có cách nào tốt hơn

Còn nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng của “loa phường”

Phản hồi về thông tin trên, một số bạn đọc (BĐ) bày tỏ đồng tình việc khôi phục loa phường, như ý kiến của BĐ Nguyen Duy Hung: “Loa phường thật sự có ích lắm, chẳng hạn thông báo tiêm chủng, tình hình dịch bệnh, luật mới…”; hay ý kiến BĐ Le Hien Le: “Nếu so sánh với các thứ tiếng ồn khác (từ tiếng xe máy, ô tô…) thì tiếng “loa phường” thuộc loại dễ chịu nhất. Vừa qua, trong chống dịch (cả trong dịch Covid-19 và sốt xuất huyết… ), nếu không có loa phường thì chẳng biết thông tin đến người dân bằng cách nào? Rồi nhiều thứ khác nữa như thông báo cắt điện, đào đường…”… Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng thực tế có nhiều cách hoàn toàn chuyển tải được thông tin cơ sở mà không quá ồn ào.

“Thông báo qua loa phường, người dân không có ở nhà thì sao?”

Đó là câu hỏi mà BĐ Vao Dong nêu ra khi phản biện ý kiến “loa phường không thể thay thế”. Theo BĐ này, với thực tế người người dùng điện thoại thông minh, nhà nhà có điện thoại thông minh, mạng internet phủ sóng khắp đô thị thì “việc mà cơ quan chức năng Hà Nội cần làm ngay lúc này là thống kê xem có bao nhiêu hộ gia đình có smartphone (điện thoại thông minh), từ đó sẽ kết nối thông tin giữa người dân khu phố với xã, phường. Khi cần cung cấp thông tin thì nhắn trực tiếp, như cách mà TP.HCM đã làm để kêu gọi người dân tiêm ngừa Covid-19 trong lúc cả TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong đợt dịch vừa qua”.

Đồng tình với ý kiến của Vao Dong, BĐ Hải Lý góp ý thêm: “Trong đại dịch Covid-19, Zalo (ứng dụng OTT hoạt động trên nền tảng di động và máy tính – PV) phát huy rất hiệu quả, tại sao ta không tận dụng mà lại đi ngược xu thế? Xây dựng nhóm Zalo cho tổ dân phố; các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – cấp ủy Đảng của phường, khu dân cư đều là thành viên trong nhóm… thuận lợi hơn nhiều”.

“Chỉ cần lập group chat để thông báo những vấn đề cần thiết là đủ. Loa sẽ ảnh hưởng người dân ở cạnh loa, nhất là người lớn tuổi, trẻ em đang học bài”, BĐ Thang Nguyen Xuan nêu quan điểm.

Cần cái nhìn tổng thể

Theo BĐ Dao Dao, với công nghệ phát triển thông tin liên lạc 4.0 hiện nay, hệ thống loa phát thanh đã trở nên lạc hậu và lỗi thời cho dù có thay loa mới theo định kỳ.

“Với sự phát triển của công nghệ mạng điện thoại di động 3G, 4G, thậm chí 5G hiện nay, chỉ cần xây dựng một tổng đài thông tin liên kết bằng cách kết hợp với các nhà mạng tạo ra một “app” (ứng dụng hoạt động trên các thiết di động thông minh) để người dân có “app” cài đặt trên điện thoại cá nhân là thuận tiện nhất. Mỗi khi có vấn đề như: thiên tai, bão lũ, tin tức về Covid-19, hay những vấn đề của địa phương, lập tức tin nhắn từ tổng đài sẽ tự động báo đến điện thoại di động là người dân biết ngay và nhanh chóng, vô cùng tiện lợi. Giống như ở Nhật Bản, mỗi khi có động đất, tin về thiên tai là tin nhắn tự động báo vào điện thoại… Thời buổi công nghiệp 4.0 rồi, nên áp dụng cho tiện lợi, chứ loa phát thanh thời nay hầu như không còn phù hợp…”, BĐ Dao Dao viết.

“Đà Nẵng, nơi tôi ở hiện giờ, từ người ở trọ cho đến chủ nhà phải đưa số điện thoại “add” Zalo (thêm vào nhóm) cho tổ trưởng để nếu cần gì thì gọi điện hoặc nhắn tin cho tổ trưởng đi giải quyết. Họp hành hoặc có thông báo gì cũng được đưa lên đó mà đọc; thậm chí những vấn đề khác phát sinh như: quỹ thu chi, ý kiến khiếu nại…”, BĐ Trương Trịnh Hoài Vinh ý kiến.

Còn BĐ Tai Nguyen cho rằng: “Có cách nào tốt và hiệu quả hơn loa phường không? Muốn vậy, phải phân tích về mặt lợi ích, chi phí vận hành như: nhân công, điện, trụ, dây, loa, công nhân; chi phí quản lý. Tương tự, các ứng dụng khác thì chi phí là bao nhiêu?… , từ đó mới có thể quyết định nên hay không nên khôi phục loa phường”.

* Không có loa phường, vậy một bộ phận người dân nghèo không có cơ hội tiếp cận với công nghệ và một số người dân không có chút kiến thức về Zalo, mạng xã hội… thì sao?”

Le Cao Dung

* Từ lâu rồi chính quyền nhiều địa phương đã dùng Zalo hoặc tin nhắn SMS để thông tin cho người dân, rất hiệu quả như đợt dịch Covid-19 vừa rồi… Trong khi đó, nếu đầu tư cả hệ thống loa phường mà sử dụng không quá 2 lần/ngày và không quá 15 phút/ngày thì quá lãng phí!

Nguyen Van Hai

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img