Thursday, October 31, 2024

Doanh nghiệp Hàn rời bỏ Trung Quốc



Từng được xem là ‘vùng đất của cơ hội’ nhờ nhân công giá rẻ và kinh tế tăng trưởng nhanh, Trung Quốc dần trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp Hàn Quốc vì nhiều lý do.

Theo Korea Times, các công ty lớn của Hàn Quốc gia nhập làn sóng rời bỏ Trung Quốc, phân bổ lại lực lượng lao động và cơ sở sản xuất.

Tập đoàn SK Group thu hẹp quy mô hoạt động Đại đại lục. Tháng 8/2021, SK China bán toàn bộ cổ phần trong bộ phận cho thuê xe tại thị trường Trung Quốc cho Toyota với giá 300 triệu NDT (44 triệu USD). Hãng cũng bán tòa nhà SK Tower tại Bắc Kinh vào tháng 6 cùng năm.

SK Group cho biết lý do là muốn đầu tư nhiều hơn vào các startup Trung Quốc giàu tiềm năng, song các biện pháp này được đánh giá là nằm trong nỗ lực giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Một khảo sát gần đây của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy phần lớn doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc đang cân nhắc giảm quy mô, rút lui hoặc chuyển địa điểm. Hầu hết đều dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cho đến hết năm.

Theo khảo sát, 88,1% người trả lời rằng các biện pháp phong tỏa gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm ăn, dẫn đến thụt lùi trong vận tải, bán hàng, tiếp thị và chuỗi cung ứng. Ngay cả sau khi dỡ bỏ phong tỏa, Thượng Hải vẫn hạn chế các dịch vụ trực tiếp.

Một rủi ro khác có tác động rộng hơn chính là xung đột Mỹ – Trung. Theo Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, các công ty hoạt động tại Trung Quốc trong hơn một thập kỷ chỉ ra các nguyên nhân chính làm môi trường đầu tư tại đây xấu đi là: quy định của chính phủ, thiên vị doanh nghiệp nội và căng thẳng giữa Mỹ – Trung Quốc.

Chẳng hạn, Lotte Group gần như rút khỏi Trung Quốc sau 5 năm bị Bắc Kinh trả đũa do một quyết định của tập đoàn từ năm 2016. Cụ thể, Lotte bán một sân golf cho chính phủ Hàn Quốc để phục vụ Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Amorepacific đóng hàng trăm cửa hàng trong vài năm qua do bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay.

Hyundai Motor bán nhà máy ở Bắc Kinh năm 2021, hai năm sau khi hoạt động của nhà máy bị tạm dừng vì doanh số trì trệ cũng vì hệ thống THAAD. LG bán tòa tháp đôi Twin Tower tại Bắc Kinh với giá 8 tỷ NDT năm 2020, còn LG Electronics thanh lý 2 nhà máy tại Thiên Tân và Côn Sơn, cũng như Hi Plaza tại Thẩm Dương.

Trong bối cảnh này, Mỹ đề nghị các nhà sản xuất bán dẫn và pin Hàn Quốc rời Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa các đồng minh. Sau chuyến thăm hồi tháng 5 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nhà máy Samsung Electronics tại Pyeongtaek, trong tháng này, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen cũng đến thăm cơ sở R&D của LG Chem tại Seoul. Bà kêu gọi “friend-shoring”, chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng tại các quốc gia bằng hữu.

Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo Samsung Electronics và SK Hynix sẽ chịu thiệt hại nếu Hàn Quốc quyết định gia nhập liên minh “Chip 4” do Mỹ dẫn đầu, cùng với Nhật Bản và Đài Loan.

Giữa những căng thẳng địa chính trị, Samsung Electronics thực sự đã thu hẹp quy mô nhân sự ở Trung Quốc. Theo báo cáo bền vững của công ty, số lượng nhân viên tại các chi nhánh Samsung tại đây đã giảm 51,9% từ năm 2016 đến 2021. Ngược lại, nhân viên tại Hàn Quốc tăng từ 93.000 lên 111.126 trong cùng kỳ. Nhân viên tại Mỹ duy trì ở mức quanh 25.000.

Quan chức Samsung Electronics cho biết đây là điều tự nhiên vì dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc đã giảm.

Theo nhà kinh tế học Joo Won đến từ Viện nghiên cứu Hyundai, không thể phủ nhận thực tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Dù vậy, xét tới ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn đến việc bán hàng hóa trung gian sang Trung Quốc, doanh nghiệp Hàn Quốc cần có các biện pháp đa dạng hóa.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img