(Tổ Quốc) – Năm 24 tuổi, Phượng gác lại công việc MC truyền hình, về quê làm nông dân, khởi nghiệp trên chính mảnh đất mình được sinh ra.
Bỏ nghề MC truyền hình, về quê khởi nghiệp với cây ngô
Hoàng Thị Bích Phượng (SN 1996, người dân tộc Nùng, quê ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) từng tốt nghiệp chuyên ngành Hàn Quốc học, khoa Đông Phương học, trường ĐH KHXH&NV.
Sau khi tốt nghiệp, Phượng đảm nhận vị trí MC kênh VTC16, VTC14, đồng thời là một diễn viên tự do. “Công việc của mình mỗi ngày là đi quay, đi diễn. Do tính chất công việc nên mình được đi nhiều nơi, có lúc đi công tác nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều người giỏi, nổi tiếng. Nhờ đó, mình cũng học được phong cách làm việc chuyên nghiệp. Môi trường đó đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Với mình, đó là một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sung sức. Dù đôi lúc, bản thân cũng cảm thấy gò bó, bí bách với ồn ào nơi đô thị, nhưng mỗi lần nhớ lại chặng đường đã qua, mình luôn tự hào. Vì quãng thời gian đó, mình đã cống hiến hết mình và có được rất nhiều trải nghiệm thú vị. Về thu nhập thì chỉ đủ ăn và trang trải cuộc sống thôi”, Phượng chia sẻ.
Hoàng Phượng (bên phải) bỏ phố về quê cùng gia đình khởi nghiệp nông nghiệp.
Phượng cùng chị gái chọn cây ngô vì nhìn thấy tương lai của cây trồng này.
Cuộc sống ở quê và thành phố khác nhau rất nhiều. Phượng đi học xa nhà từ khi 15 tuổi, rồi cứ thế bị cuốn vào công việc, nhịp sống phố thị ít nhiều thấm vào lối sống sinh hoạt thường ngày. Mỗi lần Phượng về quê, thường là 2 ngày, lâu hơn thì được 1 tuần, thời gian ở bên gia đình đã sớm trở thành điều xa xỉ dù nó vốn hết sức giản đơn. Phượng dần nhận ra bản thân muốn ở bên cạnh những người thân yêu nhiều hơn. Cô gái trẻ quyết định bỏ lại công việc nhiều người mơ ước, để bỏ phố về rừng vào năm 24 tuổi.
Chị gái của Phượng tên Minh Hồng, tốt nghiệp khoa Du lịch, trường ĐH KHXH&NV. Hai chị em không học về nông nghiệp, nhưng cả hai được sinh ra trong gia đình thuần nông, ít nhiều am hiểu về đặc tính cây lúa, cây ngô.
Về quê, Phượng trở thành người nông dân đích thực.
Cây ngô là cây gắn bó với gia đình Phượng nhất. Nó không chỉ là tài sản giúp bố mẹ nuôi chị em cô ăn học, mà còn là ký ức có phần thiếu thốn nhưng rất ấm áp và hạnh phúc, với những món quà quê dân dã như: Bánh ngô, bỏng ngô, cơm độn ngô,…
Khi đi sâu nghiên cứu, chị em Phượng nhận thấy tại châu Âu, mì pasta được làm từ ngô là một loại mì cực kỳ cao cấp. Do trong ngô không có Gluten – một chất mà những người theo đuổi lối ăn uống healthy đang cố tránh.
Hàm lượng dinh dưỡng có trong ngô không biến đổi gen rất tốt cho sức khỏe, Phượng thực sự cảm thấy có tương lai với cây trồng này.
Hai chị em đã mất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu công thức làm mì ngô.
Thất bại liên tục nhưng không bỏ cuộc
Rất nhanh chóng, một hợp tác xã mang tên Vietnam Napro đã ra đời, mục tiêu để tạo ra được những sợi mì ngô thơm ngon. Phượng và chị gái đã tự nghiên cứu, mày mò, đọc nhiều tài liệu hầu hết phiên dịch từ nước ngoài, rồi trực tiếp làm thí nghiệm nhiều lần.
“Để làm ra được những sợi mì ngô dai ngon mềm mịn và có hương thơm đặc trưng như ngày hôm nay là cả 1 năm đầy khó khăn của gia đình mình. Suốt gần 1 năm đó, mì vẫn không sao ăn được vì vón cục, cứng, đứt gãy, bết dính, thậm chí cho vào máy mà không thể ra được sợi.
Hàng tấn ngô bỏ đi, ghi chép kín cả sách mà sợi dây kinh nghiệm rút mãi chưa hết. Gia đình mình liên tục mâu thuẫn vì công việc không thành. Những người thân thì liên tục gặp tai nạn nghề nghiệp. Bố mình đã phải nằm viện vì bị đứt gân bàn tay, một bên mắt suýt không nhìn thấy. Cậu em chú bên chồng của chị gái sang hộ cũng bị thương…
Những sợi mì ngô vàng óng, tươi ngon được ra đời sau hơn 1 năm liên tục thất bại.
Hỏng 1, 2 lần thì không sao, hỏng đến lần thứ 3 bắt đầu thấy nản, nghiên cứu cả năm trời, máy móc đầu tư hàng trăm triệu mà sản xuất không thành, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc, lúc đó mình cảm thấy bất lực, nghi ngờ về lựa chọn của mình.
Có những giọt máu và rất nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống như thế… Song, chúng mình may mắn vì tất cả mọi thành viên đều yêu thương, nương tựa nhau để vượt qua khó khăn. Dù có trải qua bao thất bại, mâu thuẫn nhưng cả nhà vẫn kiên trì và nỗ lực để làm. Đó là một sự may mắn tuyệt vời nhất trên con đường trở về quê khởi nghiệp nông nghiệp!“, Phượng bộc bạch.
Khi về quê, Phượng cảm thấy cuộc sống ấm áp, lối sống chậm hơn, có không gian và thời gian để tâm hồn lắng lại.
Phượng nghĩ, nếu chỉ có đam mê không thì chưa đủ, bỏ phố về quê khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị lớn về tâm lý, cũng như vạch ra được những may rủi khi làm công việc này. Để gắn bó lâu dài với nghề thì cần phải hiểu được giá trị và tự hào với nghề nghiệp của mình. Không phải về quê thì làm gì cũng được, phát triển ra sao cũng được, mà cần học hỏi, nghiên cứu những đổi mới của xã hội, thị hiếu của khách hàng để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của người mua.
Khi quyết định tạm gác lại công việc để về quê khởi nghiệp, bản thân Phượng cũng phải cân nhắc rất nhiều, có thời gian để chuẩn bị, nhất là mặt tâm lý chứ không phải chạy theo trào lưu “bỏ phố về rừng”. Phượng may mắn vì lần khởi nghiệp này cô không phải đi một mình, mà có sự đồng hành của gia đình, anh, chị em và những người hàng xóm. Điều này cũng là áp lực bởi mọi người đều nhìn vào sự thành bại, nhưng nhờ có gia đình ở bên mà Phượng cảm thấy có động lực, nhiều sáng tạo và năng lượng hơn.
“Bỏ phố về rừng làm nông dân có khổ không?”
Quyết không bỏ cuộc dù gian nan cỡ nào, những sợi mì ngô vàng óng, tươi ngon của chị em Phượng đã được làm thành công và chính thức ra mắt vào tháng 8/2021. Hiện tại, gia đình Phượng trực tiếp trồng và làm chủ vùng nguyên liệu ngô không biến đổi gen, tự sản xuất thủ công, kết hợp máy móc (máy tạo sợi và phòng sấy lạnh), kiêm bán lẻ, cung cấp cho chuỗi siêu thị hữu cơ.
Về quê, Phượng được tận hưởng không khí trong lành, vận động nhiều nên sức khỏe dẻo dai.
Nhân công hiện có 10 người là các thành viên trong gia đình và hàng xóm của nhà Phượng, ngoài ra còn có hàng chục hộ dân là bà con trong xã trồng ngô không biến đổi gen giúp. Hai chị em cũng có những tham vọng xuất khẩu, nhằm lan tỏa nông sản Việt ra thế giới song cần thời gian và nỗ lực, cố gắng hơn nữa.
“Bỏ phố về rừng làm nông dân có khổ không?”, là câu hỏi mà Phượng nhận được khá nhiều, cô gái 9x cười bảo: “Giờ đây mình được ở bên gia đình nhiều hơn, trái gió trở trời, bố mẹ có đau ốm cũng không kịp giấu mình. Mấy chị em có tâm sự gì cũng dễ dàng nhận ra trên khuôn mặt của nhau. Đó là điều mình có được.
Ở quê mình làm cùng với gia đình, có làm sai cũng không bị mắng, không bị bỏ rơi, không cần sân si, lo thị phi, không sợ một mình. Sức khỏe của mình tốt hơn trước đây vì được ăn đồ ăn sạch, hít khí lành, có béo lên một chút cũng không lo nhão người vì vận động nhiều.
Cô gái trẻ đã gặt hái được những thành công đầu tiên trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ngày xưa mình cứ nghĩ làm nông là khổ nhất, nhưng sau khi đi học đi làm ở phố thị mới nhận ra ngày trước có làm ruộng vất vả thật nhưng được cái khoẻ, xương cốt vận động cả ngày, chẳng cần ngồi yên 1 chỗ gõ máy tính, lại ăn no, ngủ sâu nên năng lượng tinh thần ngày mới cứ phấn chấn, phơi phới“.
Trong thời gian tới, chị em Phượng vẫn tập trung sản xuất và nỗ lực lan tỏa sản phẩm đến nhiều người hơn, đồng thời nghiên cứu với hy vọng tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm cao cấp từ ngô.
Ảnh: NVCC
Nguồn: toquoc.vn