PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (QLKCB – Bộ Y tế), cho biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế (hội đồng) đã có cuộc họp trực tuyến với các thành viên trên cả nước về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, thời gian qua, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19. Việt Nam cũng luôn cập nhật các hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị Covid-19 trên thế giới.
Lô thuốc Remdesivir đầu tiên về đến TP.HCM ngày 5.8
|
Tại cuộc họp vào chiều 6.8, các thành viên đã thảo luận về các thuốc điều trị Covid-19 hiện nay như: thuốc điều trị rối loạn đông máu thêm loại đường uống, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc diệt ký sinh trùng… Theo Cục QLKCB, trong các thuốc được cập nhật, các thành viên Hội đồng chuyên môn cũng thảo luận về việc sử dụng Remdesivir – được khuyến cáo sử dụng cho BN Covid-19 nặng, có SpO2 từ 94% trở xuống; BN thở máy, điều trị ECMO (tim, phổi nhân tạo), BN cần ô xy…
Theo các thành viên hội đồng, chiến lược điều trị cho BN Covid-19 cần phải thay đổi để hạn chế BN chuyển nặng, phải thở máy. Các địa phương cũng phải phát huy tính chủ động, biện pháp nào điều trị tốt cho BN cần phát huy, nhằm giảm tử vong, giảm BN chuyển nặng.
Phân tích thêm về vai trò của thuốc kháng vi rút trong điều trị BN Covid-19, một thành viên hội đồng cho hay việc khống chế vi rút nhân lên, giảm tải lượng vi rút có vai trò quan trọng trong điều trị. Theo thành viên này, ở BN Covid-19, vi rút là nguyên nhân gây bệnh. Nếu ngăn chặn được vi rút là điều trị được nguyên nhân gốc. Đó chính là lý do trong quá trình điều trị BN nặng, các thầy thuốc luôn cố gắng cầm cự 2 – 3 tuần, vì đó là thời gian cần có để cơ thể sinh ra kháng thể, chống lại vi rút. Nếu vượt qua giai đoạn này là thêm cơ hội thành công.
Remdesivir cần được đưa vào sử dụng sớm
Với Remdesivir trong điều trị BN Covid-19, chuyên gia của hội đồng cho rằng hiệu quả của các thuốc, đặc biệt là thuốc mới, sẽ thường có các bàn luận, tranh cãi. Tuy nhiên, với BN nặng thì thuốc mới chính là thêm cơ hội được điều trị. Nếu với vi khuẩn, chúng ta có kháng sinh mạnh, BN bị nhiễm trùng sẽ lui bệnh trong 3 – 5 ngày sử dụng kháng sinh, thì với vi rút rất khó. “Do đó, với thuốc kháng vi rút mới, cũng là thêm cơ hội cho BN, đặc biệt với BN nặng, và chúng ta luôn điều trị các BN với tinh thần còn nước còn tát”, chuyên gia này nói.
Theo thành viên hội đồng, Bộ Y tế vừa mới ban hành phác đồ điều trị BN Covid-19 (ngày 14.7), cập nhật lần thứ 5, và chưa có thuốc Remdesivir trong phác đồ. Tuy nhiên, đây là thuốc được cấp phép đặc biệt, vừa về đến VN ngày 5.8 và trong hoàn cảnh cũng đặc biệt, cấp bách như hiện nay khi số BN nặng đang gia tăng. “Do đó, quan điểm của chúng tôi là khuyến khích sớm đưa Remdesivir vào sử dụng cho BN Covid-19 nặng. Cần cắt giảm các thủ tục hành chính để thuốc có thể sớm đưa vào điều trị”, chuyên gia này đề xuất.
“Hội đồng chuyên môn sẽ có văn bản hướng dẫn các bệnh viện phía nam sử dụng thuốc này (Remdesivir – PV) trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến của nhà sản xuất là dành cho những BN nặng, và nên đưa vào sử dụng sớm cho BN Covid-19. Đặc biệt trong tình huống hiện nay, khi ca bệnh nặng tăng cao, thuốc không có hại, trong khi lại thêm cơ hội”, một thành viên của hội đồng nói.
Đà Nẵng cá thể hóa các bước điều trị
Đà Nẵng từng là tâm dịch của đợt dịch thứ 2 vào tháng 7.2020 với nhiều ca bệnh nặng. Hiện tại, số BN nặng tại Đà Nẵng vẫn đang trong tầm kiểm soát, số BN nặng không tăng, số BN nguy kịch vẫn đang được điều trị tích cực. Tính từ đợt cao điểm dịch bệnh (10.7 vừa qua) đến nay, Đà Nẵng có hơn 1.200 BN Covid-19, khoảng 300 BN đã xuất viện, gần 900 BN đang được điều trị; có 9 ca tử vong.
Ngày 7.8, PV Thanh Niên trao đổi với các bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực tại Đà Nẵng về vấn đề điều trị BN Covid-19 nặng tại địa phương. Theo đó, việc tiếp nhận, thực hiện điều trị các BN nặng tại Đà Nẵng, ngoài phác đồ của Bộ Y tế, còn phải theo dõi trên từng cá thể bệnh. Tức là ngoài phân tầng cấp độ bệnh từng bước một như thở máy không xâm nhập, dùng thuốc đặc trị như kháng viêm, thuốc chống đông, kháng sinh dự phòng, đến thở máy xâm nhập, thuốc đặc hiệu hơn với liều lượng điều chỉnh trên từng BN, hay ECMO (tim, phổi nhân tạo), tần suất lọc máu… còn phải cá thể hóa điều trị đối với từng trường hợp một.
Bắt đầu phân bổ thuốc Remdesivir
Chiều 7.8, trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, cho biết ngay trong sáng nay (8.8), Bộ Y tế sẽ phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên với 10.000 lọ cho khoảng 8 – 10 BV điều trị Covid-19 tại TP.HCM.
Trước đó, tối 5.8, lô thuốc Remdesivir đầu tiên với 10.000 lọ, do Tập đoàn Vingroup nhập khẩu đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Trong tuần tới sẽ thêm các lô thuốc này về Việt Nam với khoảng 100.000 lọ, và trong tháng 8 có 500.000 lọ. Các lô thuốc này được Tập đoàn Vingroup chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị BN Covid-19.
Remdesivir là thuốc kháng vi rút được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị BN Covid-19. Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và EU… đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5.2020.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết Remdesivir là thuốc mới, liều dùng tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định. Các lô Remdesivir tiếp theo cũng sẽ được tập trung cho TP.HCM và các tỉnh phía nam, nơi đang có nhiều BN Covid-19 nặng.
Liên Châu
|
Một bác sĩ từng điều trị những nhóm BN nặng nhất tại Đà Nẵng cho biết, một mặt thực hiện nghiêm theo phác đồ, mặt khác thì tùy từng trường hợp mà cá thể hóa điều trị trên cơ sở sườn phác đồ, có phát sinh là hội chẩn 24/7. Tức là gồm cả hội chẩn quốc gia, xin ý kiến các chuyên gia, vừa hội chẩn nhóm tại Đà Nẵng để trao đổi trực tuyến nhằm có các bước điều trị riêng cho từng trường hợp bệnh nặng tại địa phương.
Điều các bác sĩ lo lắng nhất là thuốc và vật tư tiêu hao như quả lọc máu, thuốc đặc trị, thuốc kháng vi rút, ức chế miễn dịch, thuốc chống đông… nguy cơ thiếu cục bộ. “Trước nguy cơ có thời điểm thiếu cục bộ thuốc và vật tư, dụng cụ để hỗ trợ, bác sĩ sẽ phải cân nhắc kiểm soát các bước diễn tiến, nguy cơ bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp và ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng. Nếu bỏ qua thời gian vàng của BN, phải huy động năng lực hồi sức của bác sĩ tăng gấp nhiều lần, tức là lấy sức người bù máy móc, thiết bị, thuốc thang…”, một bác sĩ từng hồi sức tích cực cho các BN nặng cho biết.
Nhiều bước tiến về thuốc điều trị Covid-19
Solidarity, dự án nghiên cứu quy mô toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu, sẽ thử nghiệm 3 loại thuốc mới đối với BN Covid-19: imatinib (thuốc trị ung thư), kháng thể infliximab (trị các bệnh tự miễn) và artesunate (trị sốt rét), theo chuyên san Science. Thuốc đã được chuyển đến Phần Lan, nơi phê chuẩn toàn bộ loại thuốc trên. Theo Science, hơn 40 quốc gia đang trong quá trình phê chuẩn việc thử nghiệm nhóm thuốc trên.
Đến nay chỉ có 2 loại thuốc chứng minh khả năng giảm tỷ lệ tử vong ở BN Covid-19 là dexamethasone và tocilizumab, theo một nghiên cứu ở Anh. Cả 2 loại thuốc hoạt động bằng cách giảm phản ứng kịch liệt của hệ miễn dịch ở những người bệnh nặng.
Nhóm thuốc chuẩn bị được thử nghiệm ở Phần Lan cũng tập trung vào hệ miễn dịch thay vì tấn công SARS-CoV-2. Kết quả nghiên cứu tại Hà Lan công bố vào tháng 6 cho thấy BN được điều trị bằng imatinib (thuốc dạng uống) giảm được thời gian sử dụng máy thở và nguy cơ tử vong. Trong khi đó, một số dữ liệu thu được từ việc theo dõi nhiều BN chứng tỏ infliximab có hiệu quả điều trị Covid-19. Còn artesunate được thử nghiệm vì năng lực giảm viêm, ngăn chặn phản ứng miễn dịch gây tổn thương phổi ở trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng.
FDA (Mỹ) cũng vừa đồng ý sử dụng khẩn cấp thuốc REGEN-COV của Hãng Regeneron cho những người chưa tiêm vắc xin Covid-19 và đối mặt nguy cơ cao sẽ bệnh nặng sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Liều đầu tiên của REGEN-COV cần được tiêm trong vòng 96 giờ kể từ thời điểm mắc bệnh. Đến nay tại Mỹ chỉ có thuốc Remdesivir nhận được phê chuẩn của FDA. Các nhà nghiên cứu Mỹ đang tìm cách chuyển Remdesivir sang dạng uống để tránh kéo dài thời gian nhập viện.
Thụy Miên
|