Các chuyên gia y tế cho rằng, hậu quả tiềm ẩn của bất ổn chính trị là số ca tử vong tại Myanmara có thể lên tới hàng chục nghìn người.
Khi cơn bão nhiệt đới Nargis đổ bộ vào vùng châu thổ Irrawaddy đông dân cư của Myanmar hồi tháng 5/2008, đã có gần 140.000 người thiệt mạng. Đây là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử của Myanmar. Hiện giờ quốc gia này đang đối mặt với một thảm họa thậm chí còn kinh hoàng hơn khi làn sóng Covid-19 thứ 3 tấn công nhiều nước Đông Nam Á.
Có nguy cơ thành tâm dịch mới của thế giới
Làn sóng Covid-19 mới này ập đến trong bối cảnh nhiều bệnh viện công tại Myanmar đã đóng cửa suốt 6 tháng qua. Phát biểu tại hội thảo trực tuyến Asia News Network, ông Kobsak Chutikul – cựu Đại sứ Thái Lan, người theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Myanmar cho rằng: “Rất có khả năng Myanmar trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới và đó là điều nguy hiểm cho tất cả mọi người. Chúng ta hiện đang ở phía sau đường cong dịch bệnh, vì thế cần phải hành động ngay lập tức”. Cảnh báo này làm dấy lên lo ngại về một “cơn sóng thần Covid-19” có thể nhấn chìm cả khu vực Đông Nam Á.
Hiện, nhiều bệnh viện ở Myanmar đang vắng bóng cả bác sỹ và bệnh nhân do cuộc đình công kéo dài nhằm phản đối chính quyền quân sự sau cuộc chính biến hồi tháng 2/2021. Không thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhiều bệnh nhận đã trút hơi thở cuối cùng khi cách ly tại nhà.
Các chuyên gia y tế cho rằng, hậu quả tiềm ẩn của bất ổn chính trị là số ca tử vong có thể lên tới hàng chục nghìn người. Theo con số thống kê chính thức, số người thiệt mạng do chính biến tính từ tháng 2 vừa qua đến nay là khoảng 950 người.
Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông Myanmar cho biết, riêng số ca tử vong ở Yangon – thành phố lớn nhất Myanmar đã vượt quá 2.000 người mỗi ngày trong những tuần gần đây.
Trong một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 28/7 vừa qua, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward cho biết: “Cuộc chính biến tại Myanmar đã khiến hệ thống y tế bị sụp đổ hoàn toàn, nhiều nhân viên y tế bị bắt giữ. Trên thực tế, virus gây bệnh Covid-19 lây lan rất nhanh trong dân số. Ước tính, trong 2 tuần tới, một nửa dân số Myanmar có thể bị mắc bệnh”.
Nếu kịch bản này xảy ra, ước tính sẽ có khoảng 80.000 người tại Myanmar tử vong trong những tuần tới.
Phát biểu với ANN, ông Zin Mar Aung, người được bổ nhiệm làm ngoại trưởng trong Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) mới thành lập của Myanmar cho biết: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra trong đợt dịch Covid-19 thứ 3 ở Myanmar. Sự lây nhiễm chưa đạt đỉnh và vẫn còn khoảng 2 đến 3 tuần nữa trước khi quốc gia này ghi nhận số ca mắc ở mức cao nhất”.
Đã có 137 bác sỹ, trong đó có cả người đứng đầu chương trình tiêm chủng của Myanmar đã bị bắt giữ. Các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Myanmar đang cao hơn so với bất cứ nơi đâu. Trong số 15.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày thì có khoảng 37% cho kết quả dương tính.
Một bác sỹ nói với Nikkei Asia rằng: “So với các làn sóng dịch bệnh vừa qua, có nhiều bệnh nhân tử vong hơn trong làn sóng thứ 3 này. Chúng tôi vẫn chưa thể đánh giá chính xác nguyên nhân khiến khiến dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong gia tăng là do biến thể của virus SARS-CoV-2 hay do thiếu sót trong khâu quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại, sẽ có thêm nhiều biến thể mới xuất hiện ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần”.
Lò hỏa táng phải nâng công suất hoạt động
Xét nghiệm là điều cần thiết để xác định liệu Myanmar có đang trở thành “lồng ấp” biến chủng mới của SARS-CoV-2, giống như những biến chủng nguy hiểm từng được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, Brazil và Nam Phi hay không. Hiện tại, chỉ có hai cơ sở ở Myanmar có khả năng tiến hành phân tích bộ gen ban đầu của virus: một ở thành phố Yangon do Bộ Y tế và Thể thao điều hành và cơ sở khác nằm trong một căn cứ quân sự.
Trả lời phỏng vấn Nikkei, một chuyên gia y tế tại Yangon cho biết: “Việc phân tích và xác định biến thể mới rất khó thực hiện nếu không có sự hợp tác quốc tế, vì điều đó đòi hỏi phải so sánh sự khác biệt với các biến thể ở các nước khác”. Thái Lan, nước láng giềng của Myanmar được trang bị rất tốt để thực hiện công việc này.
Theo các nhà phân tích, chính quyền quân sự có lẽ đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Vào ngày 1/8, 6 tháng sau khi lên nắm quyền, Thống tướng Min Aung Hlaing – người đứng đầu chính quyền quân sự tuyên bố: “Những sự thật về dịch bệnh đang bị bóp méo trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội”.
Ông cho rằng các cuộc biểu tình là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn: “Các cuộc biểu tình và tụ tập đông người trên toàn quốc sau ngày 1/2 đã gây nên làn sóng lây nhiễm các biến thể mới”. Trước đó hôm 27/7, các nhà chức trách Myanamar thông báo rằng, 10 lò hỏa táng mới tại thành phố Yangon đã nâng công suất hoạt động để xử lý 3.000 thi thể mỗi ngày.
Ông Frank Smithuis – một bác sỹ người Hà Lan thuộc tổ chức Hành động Y tế Myanmar (Medical Action Myanmar) – một trong số ít các tổ chức điều hành trung tâm điều trị cho bệnh nhân nặng cho biết: “Tôi đã chứng kiến số ca tử vong trong 4 tuần qua cao hơn so với bất cứ thời điểm nào trong suốt 37 năm làm việc trong ngành y tế”.
Ông Frank Smithuis, giáo sư tại Đại học Oxford cho rằng, có nhiều lý do khác ngoài sự sụp đổ hệ thống y tế, khiến đại dịch Covid-19 tại Myanmar ngày càng tồi tệ hơn. Thứ nhất là Myanmar rất dễ tổn thương do sự tấn công của Covid-19. Tiếp đến, người dân ít có sức đề kháng với dịch bệnh do số ca mắc ở hai làn sóng đầu tiên tương đối ít. Thứ 3 là tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo chuyên gia này, giống như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, Myanmar đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt ở giai đoạn đầu. “Hai làn sóng đầu tiên ở Myanmar rất nhỏ, không giống như ở châu Âu. Chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu không dễ lây lan như các biến thể mới vì thế số ca mắc tương đối hạn chế. Chính biến thể Delta đã gây bùng nổ số ca mắc. Ấn Độ có một lợi thế là sau khi trải qua làn sóng thứ 2 tương đối lớn, tỷ lệ dân số hình thành khả năng miễn dịch đã gia tăng. Hơn nữa họ cũng có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Trong khi ở Myamar, đại đa số người dân ít bị mắc bệnh trong các làn sóng dịch trước đó”.
Một vấn đề khác là hệ thống y tế đã bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị trong thời gian gần đây. “Mọi người đang đổ lỗi cho nhau. Điều đó tất nhiên sẽ rất tệ cho việc điều trị bệnh nhân”.
Một nhà dịch tễ học ở Yangon cho rằng, nhiều khả năng, một nửa dân số tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Myanmar đã bị mắc bệnh. Những khu vực này bao gồm một số vùng của Yangon và bang Chin giáp ranh với Ấn Độ – nơi sản sinh của biến thể Delta. Theo đánh giá, Myanmar hiện giờ chỉ vận hành được khoảng 40% năng lực y tế, chủ yếu ở các cơ sở quân sự, phòng khám tư nhân, trung tâm cấp cứu.
Chương trình tiêm vaccine của chính phủ dân sự do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, được khởi xướng vào năm 2020 đã nhanh chóng kết thúc. Chưa kể, nhiều người dân do nghi ngờ hiệu quả của vaccine đã từ chối tiêm phòng dù có sẵn vaccine.
Mối lo vượt ra ngoài khu vực ASEAN
Mối đe dọa của dịch Covid-19 tại Myanmar đã vượt ra ngoài ASEAN. Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, quốc gia này giáp ranh với các khu vực chiếm 38% dân số thế giới, trong đó có Bangladesh. Bangladesh có mật độ dân số cao gấp 13,5 lần so với Myanmar, và đang áp dụng lệnh phong tỏa cho đến ngày 10/8. Số ca mắc ghi nhận theo ngày tiếp tục tăng mạnh lên hơn 16.000.
Trung Quốc cũng đang tăng cường cung cấp vaccine cho các khu vực biên giới ở tỉnh Vân Nam của nước này. Emma Leslie, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, nói với ANN: “Chính quyền Vân Nam đã nhận được chỉ thị rằng chống Covid-19 là ưu tiên lớn nhất của họ trong 6 tháng tới”. Trung Quốc đã xác nhận 483 nhiễm biến thể Delta kể từ ngày 21/7 tại 15 trên tổng số 31 tỉnh và khu tự trị của nước này, New York Times đưa tin.
Bà Emma Leslie cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất lớn. Điều quan trọng là phải có cách tiếp cận thực tế, mang tính phối hợp để đối phó vấn đề này. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người dân tại Myanma. Họ gọi để nói lời tạm biệt”.
“ASEAN không thể đơn độc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị và y tế tại Myanmar. Việc này cần sự hợp tác về y tế và sức khỏe trên toàn cầu. Liên Hợp Quốc đã có đại diện tại Myanmar và đã có cơ sở hạ tầng, từ đó, vaccine có thể được phân phối”, bà Emma Leslie nhấn mạnh./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.