Ngày nay, những cải tiến về công nghệ đang đưa con người và máy móc xích lại gần nhau hơn.
Công nghệ không thay thế hoàn toàn mà đang trở nên hữu ích và hỗ trợ con người trong công việc. Đó có thể là có những bộ đồ mà khi khoác lên mình, người lao động có thể mang vác những vật nặng và di chuyển dễ dàng hơn. Hay công nghệ giúp bạn điều khiển một chiếc xe taxi hay xe tải ngay từ phòng làm việc của mình.
Một phát minh hợp nhất con người với máy móc, đó là bộ quần áo có tên gọi là “Exoskeleton”, có thể tạm hiểu là khung xương ngoài giúp tăng lực và giảm tác động lên phần lưng của người lao động. Bộ quần áo này có thể được sử dụng để hỗ trợ các nhân viên giao hàng hay những hộ tá làm việc tại các cơ sở y tế. Nó được điều khiển bằng máy tính và được thiết kế để phù hợp với từng cá nhân.
Cô Norma Steller – đại diện Công ty German Bionic, Đức – cho biết: “Về cơ bản, đây là một robot nhỏ mà bạn đeo trên lưng giống như một cái ba lô. Nhờ có các động cơ điện, chiếc áo tạo ra lực và hỗ trợ con người. Mức bù tải điển hình trong một giờ là từ 1 tấn đến 1 tấn rưỡi”.
Cũng xuất phát từ ý tưởng con người và máy móc cần kết hợp hài hòa trong công việc, một công ty khởi nghiệp ở California, Mỹ đã “dịch chuyển” các tài xế của mình vào các kho hàng trên toàn cầu. Các phương tiện vận tải sẽ được tài xế điều khiển trực tiếp nhưng từ xa.
Ông Elliot Katz – đại diện Công ty tự động hóa Phantom, Mỹ – cho hay: “Một người có thể ngồi cách xa hàng ngàn dặm, giám sát nhiều xe nâng hàng tự động cùng một lúc. Chúng tôi cung cấp cho nhân viên kho đặc quyền được làm việc từ xa”.
Khi thấy hàng hóa ngập tràn và trở nên quá tải trong kho ở New Jersey, bạn chỉ cần nhấn nút. Theo thời gian thực và theo yêu cầu của bạn, ngay lập tức bạn sẽ có các tài xế kỹ thuật số giúp bạn sắp xếp hàng hóa. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để điều khiển xe tải và taxi cách xa hàng nghìn km.
Không chỉ trong lĩnh vực hậu cần mà ngay cả trong lĩnh vực ẩm thực robot cũng có thể cùng kết hợp với con người làm ra các món ăn ngon và bắt mắt. Chẳng hạn như robot làm mỳ Ý tại một nhà hàng ở nhà ga Tokyo, Nhật Bản. Toàn bộ quá trình nấu mỳ đều do robot đảm nhận. Chỉ sau khoảng 45 giây, robot sẽ cho ra một món mỳ Ý thơm ngon
Tuy nhiên, công đoạn hoàn thiện, trang trí đĩa ăn cho đẹp mắt và phục vụ thực khách vẫn do các nhân viện tự tay đảm nhận. Nhân viên cũng phụ trách việc bổ sung nguyên liệu cho các món ăn. Việc kết hợp giữa con người và công nghệ cũng giúp nhà hàng thu hút thêm được nhiều thực khách.
Ông Sugiyama Kazuhiro – đại diện Tập đoàn Pronto, Nhật Bản – chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một nhà hàng thú vị bằng cách tích hợp con người với công nghệ. Thay vì tập trung vào đầu bếp, chúng tôi có thêm thời gian cho việc phục vụ và giao tiếp với khách hàng”.
Có thể thấy, các công nghệ hỗ trợ đang ngày càng trở nên đa dạng và ngày càng chứng minh được tính hữu ích đối với con người.
Nguồn: vtv.vn