Các đối tượng có hành vi thu tiền mặt phí đỗ ô tô theo giờ tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM do lực lượng Thanh niên xung phong thu phí có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Có dấu hiệu tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.HCM cho rằng đối với nhân viên thu phí của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM (viết tắt Công ty TNXP), hành vi thu tiền mặt không nộp vào công ty là có dấu hiệu tham ô tài sản. Tùy mức độ vi phạm và số tiền chiếm đoạt để xử lý, xem xét trách nhiệm. Đồng thời cũng cần xem xét trách nhiệm buông lỏng quản lý hoặc biết nhưng không xử lý vi phạm để tình trạng thất thoát kéo dài.
Đối với những “đầu gấu” ngang nhiên thu phí, bỏ túi riêng là có dấu hiệu của hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo kiểm sát viên nói trên. Cụ thể, những người này có hành vi gian dối tạo niềm tin cho các tài xế tưởng họ là nhân viên thu phí, người có quyền được thu phí đậu ô tô dưới lòng đường rồi chiếm đoạt tiền của người dân, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Nhân viên Công ty TNXP nhận tiền mặt thu phí đỗ ô tô tại bãi thu phí trên đường Hai Bà Trưng – trước công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM) |
Vì vậy, theo vị này, chính quyền, công an cần vào cuộc xác minh, xử lý kịp thời. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi thu phí diễn ra liên tục, người thu phí chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử phạt hành chính từ 1 – 5 triệu đồng về một trong hai hành vi “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác”, hoặc “dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản”. Đồng thời hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện phạm tội. “Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thì dù số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng cũng bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vị này cho hay.
Công an mời nhân viên TNXP thu tiền tươi lên làm việc
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Thành Khoa, Giám đốc Công ty TNXP, cho biết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp thu tiền “tươi” mà Báo Thanh Niên đã phản ánh. Tuy nhiên, phía công ty chỉ xử lý ở mức kỷ luật, hạ bậc lương hoặc cao nhất là sa thải. Trước thực trạng nhân viên thu tiền “tươi” đã kéo dài, ông Khoa khẳng định Công ty TNXP đang xem xét xử lý, điều chuyển công tác một lãnh đạo Xí nghiệp dịch vụ công cộng (thuộc Công ty TNXP, là đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí). “Tôi cũng nắm được thông tin phía công an đã mời làm việc với một số nhân viên TNXP thu tiền “tươi” của tài xế gửi ô tô. Theo tôi, việc này là cần thiết để răn đe, chấn chỉnh lại cách làm việc của nhân viên”, ông Khoa nói và chia sẻ thêm, nếu thời gian tới tình hình không được cải thiện, phía công ty sẽ tính tới việc đề xuất với thành phố bàn giao công tác thu phí cho một đơn vị khác có thể đảm nhiệm được tốt hơn.
Trước đó, sau khi thu thập các chứng cứ liên quan đến việc thu phí đỗ ô tô trái phép, trái quy định trên địa bàn Q.1, PV Thanh Niên đã liên hệ với Công an Q.1 để trình báo vụ việc và cung cấp thông tin, chứng cứ. Sau khi tiếp nhận, Đội cảnh sát hình sự Công an Q.1 đã mời nhiều người liên quan việc thu tiền mặt phí đỗ ô tô tại các bãi thu phí đỗ ô tô do Công ty TNXP thu phí lên trụ sở công an làm việc. Chiều qua 11.8, một lãnh đạo Công an Q.1 cho biết, công an quận vẫn đang mời làm việc các đối tượng tự ý thu tiền phí của tài xế trái phép và không đúng quy định. “Chúng tôi đang điều tra, khi nào có kết quả sẽ thông tin đến Báo Thanh Niên”, lãnh đạo Công an Q.1 cho hay.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì có dấu hiệu tội tham ô tài sản theo điều 353 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Trường hợp nếu tham ô tài sản nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, theo điểm a, khoản 1, điều 12 Nghị định 63/2019. Căn cứ khoản 2 và 3, điều 12 Nghị định 63/2019, ngoài việc bị phạt tiền nêu trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu. Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt…
Nguồn: thanhnien.vn