Du lịch tâm linh hiện đang làm một loại hình du lịch phổ biến ở Việt Nam và thế giới với nhu cầu phát triển về mặt tinh thần của con người hiện nay. Đây là loại hình du lịch gắn liền với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tìm hiểu về lịch sử của địa phương cũng như của đất nước. Ở Việt Nam, không ai không biết đến tỉnh An Giang – nơi được mệnh danh là vùng thất sơn huyền bí với nhiều huyền thoại linh thiêng. Đây cũng là lý do mà du khách thường đổ về đây để tham quan và cúng dường ở những địa điểm tâm linh nổi tiếng đặc biệt là chùa chiền.
Miếu Bà Chúa Xứ
Nguồn ảnh: Phương Mai Nguyễn, Nguyễn Duy Anh
Với người miền Tây, không ai không nghe đến danh tiếng của Miếu Bà Chúa Xứ tại An Giang. Đây là địa điểm tâm linh được rất đông người dân tứ xứ về tham quan và cúng dường, vì nổi tiếng là “cầu gì được nấy”. Miếu Bà Chúa Xứ nằm ở chân Núi Sam tại TP. Châu Đốc, An Giang. Nơi đây có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại bí ẩn đến nay vẫn chưa được giải đáp. Trước khi xây miếu thì pho tượng của Bà Chúa Xứ đã tồn tại và không một ai biết đây là vị thánh hay một tín ngưỡng nào. Người dân chỉ quan niệm rằng “có thờ có thiêng” nên đặt lư hương và đặc biệt là Bà Chúa Xứ rất linh thiêng. Người làm kinh doanh thường đến Miếu Bà Chúa Xứ để cầu tài lộc và cầu cho con đường kinh doanh thuận buồm xuôi gió.
Vì sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ mà hằng năm số lượng người trên khắp cả nước, đặc biệt là người miền Tây đến cúng dường rất đông. Đông đến mức nhiều người không vào được Miếu đành cúng bái Bà từ xa. Ngoài việc linh thiêng thì Miếu Bà Chúa Xứ cũng là một ngôi chùa có lối kiến trúc đầy tính nghệ thuật và tôn giáo lâu đời. Ngôi miếu được người dân trong khu vực bảo vệ và tu sửa trong suốt thời gian chiến tranh bom đạn.
Nguồn ảnh: @ty0hty, @im_heidiiiii
Chùa Hang
Chùa Hang hay còn có tên gọi khác là Chùa Phước Điền, tọa lạc tại Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tham quan ngôi chùa này du khách cứ như đang lạc vào cõi thần tiên nhờ lối kiến trúc độc đáo và hoài cổ. Tại Chùa Hang, du khách sẽ được nghe kể lại nhiều câu chuyện xa xưa bí ẩn.
Tương truyền rằng ban đầu Chùa Hang là một am tu nhỏ của bà Lê Thị Thơ, pháp danh Diệu Thiện. Vì muốn tìm một nơi yên tĩnh, vắng người để tu hành, bà đã đi về phía Tây của Núi Sam. Ban đầu, đây chỉ là một am tu được lợp bằng tre lá, nhưng vì cảm mộ đức độ của bà, năm 1885, ông Phán Thông ở Châu Đốc cùng với người dân nơi đây đã quyên góp tiền của để xây dựng lại ngôi chùa. Vào năm 1995, Hòa thượng Thích Huệ Thiện đã nâng cấp ngôi chùa lần 2 và thêm nhiều lần sửa chữa nữa. Không những vậy, người dân nơi đây đồn rằng gần Chùa Hang có đôi mãng xà hung tợn, tuy nhiên nhờ nghe tiếng kinh của sư nữ Diệu Thiện đã hóa lành.
Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh nơi vách núi mang phong thái yên ắng, khiến người đến tham quan như buông bỏ hết những muộn phiền. Thường du khách đến chùa sẽ cầu phúc, may mắn và cầu bình an đến cho gia đình.
Nguồn ảnh: Huệ Nguyễn, Phạm Thị Thanh Xuân, @akiwasbornin1996, luhanhvietnam
Chùa Huỳnh Đạo
Ngay chân Núi Sam cũng có một ngôi chùa rất linh thiêng chính là Chùa Huỳnh Đạo. Ngôi chùa này được người dân hay gọi là Chùa “Rồng trên mặt nước” vì nhà thờ nằm giữa hồ được xây theo hình dạng con rồng rất hoành tráng. Chùa có lối kiến trúc rất độc đáo, đặc biệt có khuôn viên rộng, thoáng mát. Nếu đi vào buổi sáng sớm, du khách sẽ được tận hưởng không gian thanh tịnh, bình yên của ngôi chùa.
Trước chùa đặt chín bức tượng rồng cho thấy được sự linh thiêng của nơi đây. Rồng là tượng trưng của người nông dân và là ước muốn mưa thuận gió hòa, cầu mong phát đạt, thịnh vượng. Du khách đến tham quan chùa chủ yếu mong muốn cầu cho đời sống vật chất suôn sẻ, ăn nên làm ra và an bình cho gia đình.
Ngoài kiến trúc về rồng, thì ngôi chùa có hơn 50 bức tượng Phật bằng đá cùng nhiều tư thế. Đặc biệt là bức tượng Phật bà Quan Âm cao hơn 30m là điểm nhấn chính mà nhiều du khách muốn tham quan và chiêm ngưỡng.
Chùa Phước Thành
Chùa Chim chính là tên gọi khác của Chùa Phước Thành, ngụ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tương truyền rằng, sau khi Hòa thượng Thích Bửu Đức trở về quê hương của mình là xã Bình Phước Xuân để tiếp tục tu hành thì có một ngày có đôi chim Hồng Hạc bay đến. Đôi chim này là từ Bảy Núi – nơi tu hành cũ của Hòa thượng, bay về kéo theo hàng ngàn con chim khác. Vậy nên vào năm 1872 Hòa thượng Thích Bửu Đức đã chọn nơi đây để dừng chân và xây nên Chùa Phước Thành. Ngôi chùa sở hữu tượng Phật tổ A Di Đà nổi bật, cao đến 39m. Đến đây, du khách sẽ cảm thấy được sự bình yên trong tâm hồn nhờ sự uy nghiêm nhờ lối kiến trúc cầu kì và cổ kính.
Nhờ truyền thuyết về đôi chim Hồng Hạc cùng Hòa thượng Thích Bửu Đức mà rất nhiều du khách đến đây để cầu hạnh phúc và bình an. Không những vậy, chim Hồng Hạc còn là loài chim tượng trưng cho sự trường thọ và quyền quý. Đến chùa, ngoài tham quan cảnh sắc thì đây cũng là một địa điểm linh thiêng, mang lại sự bền bỉ và lâu dài trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Nguồn ảnh: Leon Nguyen, Chi Linh
Chùa Vạn Linh
Chùa Vạn Linh được người dân gọi với cái tên thân là tên chùa Lá. Vì ban đầu ngôi chùa này rất đơn sơ và được dựng bằng lá. Ngôi chùa tọa lạc trên núi Cấm ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa Vạn Linh là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc và đã nhiều lần bị hư hại. Đến năm 1995, chùa Vạn Linh được xây dựng lại với diện mạo hoành tráng và độc đáo hơn cùng nhiều tượng Phật được tạc bằng đá quý.
Chùa nằm tựa trên sườn đồi Bồ Hong – đỉnh cao nhất núi Cấm. Mặt hướng về hồ Thủy Liêm, có không gian vững chãi và thoáng đãng.Với vị thế đặc biệt của mình, người dân nơi đây và những nơi lân cận tin rằng chùa rất linh thiêng và lượng du khách mỗi năm kéo về rất đông. Bao quanh là núi rừng nên Chùa mang diện mạo rất “thoát tục” và cách xa những xô bồ của cuộc sống. Nhiều du khách đến đây cúng dường và mong cầu bình an đến cho người thân và gia đình, cuộc sống luôn thuận buồm xuôi gió, vững chãi giữa những khó khăn.
Nguồn ảnh: luhanhvietnam
Mang đến trải nghiệm tinh thần và giá trị thiêng liêng dành cho du khách thì du lịch tâm linh là một loại hình không nên bỏ qua ở thời điểm hiện tại. Đi du lịch đến những nơi mang tinh thần an yên sẽ khiến bản thân được phục hồi sau những giờ làm việc mệt mỏi. Đây cũng là một trong số những cách gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà người trẻ cần quan tâm.
Nguồn: toquoc.vn