(Tổ Quốc) – Không chỉ gắn liền với những bộ trang phục đậm chất Việt trên ghế nóng, các bài nhảy của team Trọng Hiếu cũng luôn sử dụng rất nhiều chất liệu dân gian và làm khán giả không ngừng bất ngờ ở Street Dance Việt Nam.
Vừa qua, Street Dance Việt Nam đã chính thức khép lại sau khi tìm ra được Quán quân xứng đáng là Đăng Quân – thí sinh thuộc đội Chi Pu. Nhìn lại chặng hành trình hơn 3 tháng từ khi lên sóng, có thể nói, Trọng Hiếu là đội trưởng duy nhất thực hiện được một điều không phải ai cũng có thể duy trì tại chương trình. Đó chính là việc anh sử dụng rất nhiều chất liệu văn hóa Việt Nam trong các phần trình diễn từ đầu đến cuối chương trình, thể hiện tinh thần yêu nước và trân trọng nét đẹp truyền thống. Chính “chất riêng” này đã giúp anh tỏa sáng khi làm đội trưởng ở Street Dance Việt Nam.
Còn nhớ trong phần chào sân ở tập 1, trong khi các đội trưởng khác đều thể hiện nét vũ đạo hiện đại, Trọng Hiếu lại có “lối đi riêng” khi mang theo đạo cụ nón lá truyền thống, dàn vũ công hỗ trợ diện áo bà ba, khăn rằn. Điều này giúp anh truyền tải tinh thần Việt Nam trên những bước nhảy đường phố sống động. Nhờ những động tác dứt khoát, “có nghề”, tiết mục chàng nghệ sĩ người Đức gốc Việt đã được nhận xét là khác biệt hoàn toàn với 3 đội trưởng còn lại.
Ngay từ khi chào sân Street Dance Việt Nam, Trọng Hiếu đã có bài nhảy đậm chất truyền thống
Sau nhiều vòng thi để “đất diễn” cho các thí sinh, sang đến Tứ kết, Trọng Hiếu một lần nữa đã có màn “chơi” cùng âm nhạc rất thông minh, gửi gắm tinh thần văn hoá truyền thống của Việt Nam. Trong khi đội Chi Pu chọn trang phục lấy cảm hứng từ nhân vật truyện tranh Nhật Bản Naruto, miêu tả khung cảnh làm phép, gọi mưa gió về và nhảy múa trong mưa, Trọng Hiếu vẫn giữ vững tinh thần dân tộc Việt, xuất hiện trong trang phục của những người nông dân, với đạo cụ nón lá, cây lúa. Dù ở trận thi này, đội Chi Pu đã giành chiến thắng bởi kỹ thuật, năng lượng đồng đều của phần trình diễn nhưng đội Trọng Hiếu vẫn nhận được nhiều lời khen nhờ phần biên đạo lấy cảm hứng từ việc trồng lúa, biến âm nhạc do đội Chi Pu chọn thành lợi thế của mình.
Trọng Hiếu lại là Đội trưởng rất máu lửa và không ngại tập mọi động tác khó cùng các tuyển thủ của mình
Sang đến vòng Bán kết và tiếp tục đấu cùng team Chi Pu ở thể loại dân gian, đội Trọng Hiếu đã chọn hình tượng chú Tễu – linh hồn của múa rối Việt Nam. 2 tuyển thủ Hà Thanh Tùng (Bboy Raw II), Mini Phantom và biên đạo Thái Sơn đã hóa thân thành 3 chú Tễu, nhảy múa trên nền nhạc Ở Trọ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thể hiện bởi ca sĩ Hà Lê. Sân khấu của Street Dance Việt Nam đã được dàn dựng thành một sân khấu múa rối, với những đạo cụ quen thuộc như bức mành tre, cái nơm bắt cá…
Màu sắc đậm chất dân gian của sân khấu múa rối từ thí sinh team Trọng Hiếu
Ở sân khấu Chung kết, 4 đội trưởng phải đấu nhau để giành quyền ưu tiên cho đội mình, Trọng Hiếu đã chọn mở màn phần showcase mang tên Mặt Trời Mọc, có sự kết hợp cùng các tuyển thủ Hoàng Đại, BBoy Raw II, Mini Phantom. Mang theo chiếc nón lá – biểu tượng truyền thống của Việt Nam lên sân khấu, Trọng Hiếu còn sử dụng chất liệu dân gian trong phần âm nhạc cũng như những động tác múa.
Trọng Hiếu là đội trưởng hiếm hoi ở Street Dance Việt Nam sử dụng chất liệu văn hóa nước nhà để thể hiện tinh thần yêu nước, trân trọng giá trị bản sắc dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng chảy trong mình dòng máu Việt Nam, Trọng Hiếu luôn mong muốn được trải nghiệm, tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa nước Việt. Tâm sự trên Cuộc Hẹn Cuối Tuần, Trọng Hiếu cho biết tuy quyết định trở về Việt Nam có rất nhiều thách thức nhưng anh vẫn nhận ra con đường của mình và quyết không bỏ cuộc khi nhìn thấy tình yêu dành cho âm nhạc, tình yêu thương gia đình và tình cảm của khán giả Việt. Với tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, Trọng Hiếu đã có cách thể hiện rất riêng khi đưa nhiều bài học quý báu mà anh có được về đất nước hình chữ S vào show vũ đạo mà anh làm đội trưởng.
Ảnh: Street Dance Việt Nam
Nguồn: toquoc.vn