Monday, January 13, 2025

Bình Thuận: Kè biển khu du lịch Mũi Né có nên để doanh nghiệp tự làm?



Các bãi biển ở Khu du lịch quốc gia Mũi Né đang sạt lở nhiều đoạn, mất mỹ quan và gây khó khăn cho du khách khi tiếp cận mặt biển. Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đang hướng dẫn các doanh nghiệp tự làm kè biển.

Ngày 22.8, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đang soạn thảo các hướng dẫn và đưa ra mô hình mẫu xây dựng kè biển áp dụng cho khu vực Hàm Tiến – Mũi Né (Khu du lịch quốc gia Mũi Né). Nếu UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất, sẽ cho các khu du lịch, resort tự làm kè để chống xâm thực, bảo vệ bãi cát ở bờ biển phục vụ phát triển du lịch.

Bình Thuận: Kè biển khu du lịch Mũi Né có nên để doanh nghiệp tự làm?

Khu vực bờ biển Hàm Tiến, TP.Phan Thiết bị sạt lở, sóng biển lấn sâu vào bãi bờ của các resort

Cần thiết xây dựng kè biển để bảo vệ bãi

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết thêm, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế các khu resort ven biển bị sạt lở và những khu vực doanh nghiệp (DN) tự bỏ kinh phí xây dựng kè tự phát để bảo vệ đất ven bờ biển.

Qua khảo sát các mô hình kè tự phát ở Khu du lịch Hoàng Ngọc (kè mềm mỏ hàn), Khu du lịch Làng Tre (kè cứng mái nghiêng), Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng 2 mô hình kè này chi phí đầu tư thấp, nhưng bảo vệ được bãi cát, trong đó kè mái nghiêng hiệu quả hơn hẳn.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nếu DN, chủ đầu tư các resort không bỏ kinh phí tự làm kè bảo vệ bãi biển, trong khi nhà nước không có đủ ngân sách để đầu tư thì nguy cơ mất các bãi biển đẹp do thực trạng biển xâm thực là rất cao. Do vậy, việc để DN tự bỏ kinh phí xây dựng kè để bảo vệ bãi biển là cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND TP.Phan Thiết lấy ý kiến các sở ngành liên quan để thống nhất mô hình làm kè biển trước khi nhân rộng.

Bình Thuận: Kè biển khu du lịch Mũi Né có nên để doanh nghiệp tự làm?

Một khu vực có kè mềm tự phát do DN tự làm, không có cấp phép của cơ quan chức năng gây mất mỹ quan bãi biển

Tự tiện làm kè, mỗi “ông” một kiểu

Theo UBND TP.Phan Thiết, hiện nay, khu vực biển Hàm Tiến – Mũi Né có 15 cơ sở du lịch tự bỏ tiền làm kè. Tuy nhiên “mỗi ông làm một kiểu”, không thống nhất về mô hình.

Đặc biệt, các resort ở P.Hàm Tiến tự làm kè lấn ra biển mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng. Lý giải điều này, các chủ resort cho rằng, nếu không bỏ tiền ra làm ngay, tình trạng biển xâm thực sẽ ăn sâu vào bờ. Không chỉ mất bãi cát mà còn bị sạt lở sâu vào bên trong resort, thiệt hại tài sản sẽ rất lớn (đặc điểm các resort ở Mũi Né là nằm sát biển – PV).

Bình Thuận: Kè biển khu du lịch Mũi Né có nên để doanh nghiệp tự làm?

Kè biển bằng bê tông thuộc P.Mũi Né, TP.Phan Thiết, Bình Thuận

Trả lời PV Thanh Niên, vì sao phải cấp tập làm kè biển, trong khi chưa thống nhất về nguyên tắc cũng như mô hình kỹ thuật, ông Trần Ngọc Thêm, chủ đầu tư Hoàng Ngọc Resort nói “không thể chờ được”.

Theo ông Thêm, cơ sở du lịch của ông bị biển ăn sâu vào 10 m đất, mất đến 2 hàng dừa cổ. Nếu không khẩn trương làm kè, nguy cơ sạt lở ăn càng sâu vào resort, thiệt hại về tài sản rất lớn.

“Vẫn biết bãi biển là của nhà nước, nhưng khi nhà nước không có kinh phí làm kè thì DN chúng tôi tự bỏ tiền ra làm. Cái này vừa có lợi cho nhà nước, vừa có lợi cho DN thì sao lại cấm làm”, ông Thêm lý giải.

Trả lời PV Thanh Niên về việc các cơ sở du lịch ven biển Mũi Né tự phát làm kè để bảo vệ bãi biển, liệu có bảo vệ được bờ bãi hay không, PGS.TS Vũ Thanh Ca (chuyên gia về biển và hải đảo, giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển hải đảo – Bộ TN-MT) cho rằng, về mặt khoa học, việc xây dựng các kè biển, nhất là kè mềm cần liên thông nhau.

Bình Thuận: Kè biển khu du lịch Mũi Né có nên để doanh nghiệp tự làm?

Đặc điểm của các resort ở Mũi Né là nằm sát phía biển

“Biển là không gian liên thông được kết nối với nhau, nên công trình dưới biển ở chỗ này có thể ảnh hưởng tới chỗ khác. Việc xây dựng kè biển tại các resort ở Mũi Né hiện nay nếu không được tính toán, thiết kế thống nhất, phù hợp thì có thể bảo vệ được bãi cát ở nơi này, nhưng lại có thể gây ra sạt lở ở nơi khác”, ông Ca nói.

“Tôi cho rằng, các công trình thủy lợi, thủy điện đầu nguồn cung cấp lượng cát cho vùng bờ biển ở Bình Thuận đang giảm đi, dẫn tới xói lở bờ biển ngày càng gia tăng. Bởi vậy tất cả các công trình xây dựng dưới biển, kể cả kè mềm cần phải cấp phép một cách chặt chẽ trên cơ sở tính toán, phân tích khoa học về tác động của nó tới quá trình động lực, vận chuyển bùn cát và bồi xói ven biển. Để bảo vệ tốt các bãi cát, các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho chính quyền tỉnh Bình Thuận quản lý chặt chẽ hơn dải ven biển nói chung và việc xây dựng các công trình ven biển nói riêng” – PGS.TS Vũ Thanh Ca.

Có mô hình mẫu, để doanh nghiệp làm đồng bộ

Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước cho biết, hiện sở đã có dự thảo hướng dẫn DN là chủ đầu tư các resort ven biển Mũi Né – Hàm Tiến về việc xây dựng kè, cả kè cứng lẫn kè mềm.

“Chúng tôi đã gặp gỡ DN du lịch, đồng thời lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn. Từ nay việc làm kè không được tự phát, mà phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thống nhất về thiết kế. Đối với kè tạm (kè mềm), chúng tôi đã có mô hình mẫu để các DN làm đồng bộ. Riêng kè cứng mái nghiêng (bê tông) phải có thiết kế, có quyết định đầu tư công trình, có giấy phép xây dựng và phù hợp với các quy định khác mới được thi công”, ông Phước cho biết.

Bình Thuận: Kè biển khu du lịch Mũi Né có nên để doanh nghiệp tự làm?

Resort ở Mũi Né mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan

Theo đánh giá của ông Phước, kè mềm nếu đặt cách bờ từ 20 đến 25 m thì không hiệu quả. Nếu kè kết hợp mỏ hàn dài 40 – 45m, đặt cách bờ 40 – 60 m/cái có khả năng giữ được bãi.

Để đồng bộ, hiệu quả, tránh tác động đến các cơ sở du lịch bên cạnh, kè biển cần được đầu tư liên tục trên toàn tuyến. Tuy nhiên, hạn chế của của kè mềm là ở khu vực sóng lớn như Hàm Tiến – Mũi Né sẽ có tuổi thọ ngắn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img