Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đây được xem là một cuộc khủng hoảng kinh tế và sẽ bắt đầu ảnh hưởng rất nặng nề đến thị trường, chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào trên thế giới và Việt Nam.

Cần "liều thuốc" đủ mạnh cho doanh nghiệp

Sản xuất hàng dệt may. (Nguồn: TTXVN)

Chuẩn bị kịch bản đối phó

Ngay khi dịch bệnh mới manh nha bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã thảo luận, chuẩn bị kịch bản đối phó với tình hình tùy môi trường kinh doanh hoạt động của mình.

Đa phần các giải pháp đều xoay quanh hỗ trợ làm sao cho doanh nghiệp không bị gián đoạn, không đứt gãy sản xuất cung ứng hàng hóa. Các phòng ban chuyển trạng thái làm việc bằng hình thức online. Dự trữ nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa, đảm bảo an toàn cho công nhân nhà máy, chuẩn bị sẵn nguồn lực hậu cần để có thể sản xuất tại chỗ trong điều kiện giãn cách ngắn ngày, chủ một doanh nghiệp may mặc chia sẻ.

So với các doanh nghiệp sản xuất thì doanh nghiệp ngành dịch vụ có nhiều thuận lợi hơn khi phần lớn thời gian giãn cách có thể làm việc trực tuyến. Anh Trần Đức Huy – Giám đốc Công ty dịch vụ cung cấp thiết bị xây dựng Đại Nam cho biết, nhân viên bên anh có thể làm việc tại nhà và hỗ trợ trực tuyến. Tuy nhiên cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian ngắn, về lâu dài nếu cứ kéo dài thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp trụ vững.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều chuẩn bị kịch bản trong dịch bệnh COVID-19, nhưng chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn, nhất thời để duy trì hoạt động kinh doanh trong phạm vi của mình khi giãn cách xã hội. Chị Lê Vân Oanh – Giám đốc Công ty dịch vụ bất động sản Mai Oanh cho biết: “Nếu thời gian kéo dài và tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì không biết sẽ như thế nào. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải trả mặt bằng, đóng cửa và thậm chí phá sản vì không thể trụ nổi với quá nhiều chi phí phát sinh trong khi doanh thu công ty bằng không”.

Doanh nghiệp là một tế bào kinh tế của xã hội, khi dịch bệnh liên tục bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Cạn kiệt dòng tiền, thiếu nguồn vật liệu sản xuất, hàng hóa tồn kho tăng cao, chi phí nhập  hàng mất cân đối, doanh thu bằng không và sụt giảm nhân sự… đã làm cho nhiều chủ doanh nghiệp đối mặt với muôn ngàn khó khăn. Mặc dù trước đó khi nắm bắt tình hình dịch bệnh có thể phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho mình và thay đổi chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình để có thể duy trì sự sống và nguồn lực công ty, nhưng giải pháp về lâu dài thì cần một “liều thuốc đủ mạnh để có thể giúp tế bào ấy khỏe mạnh”.

Giải thể, phá sản – chuyện chẳng ai muốn

Theo số liệu Cục Thống Kê Quản lý kinh doanh, 7 tháng qua cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhìn con số trên, nhiều người không khỏi chạnh lòng bởi sức tàn phá của dịch bệnh COVID-19 quá tàn khốc. Sức mạnh của một quốc gia nằm ở các doanh nghiệp vì đó chính là nguồn lực tạo ra an sinh xã hội, nguồn thu và kinh tế đất nước. Sức khỏe của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các chính sách điều hành từ nhà nước để có thể hoạt động bền vững.

Trong thời điểm hiện nay, một quyết sách thực tế mang tính bước ngoặt để mở ra cho các doanh nghiệp một cơ hội có thể tiếp tục hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát là điều mà bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn từ nhà nước. Quyết sách này phải mang tính thực tế mà không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, không phân biệt công ty lớn với công ty nhỏ. Phải đặt tính công bằng và huy động mọi ban ngành cùng chung tay để vực dậy nền kinh tế tư nhân sớm thoát khỏi tình trạng kiệt quệ vì dịch bệnh.

“Khi lập nghiệp chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày mình phải đứng trước quyết định giải thể doanh nghiệp. Cảm giác này nó giống như mình tự phá bỏ đi cánh tay của mình vậy. Nhưng không còn cách nào khác, đó là lựa chọn cuối cùng không thể tốt hơn cho thời điểm hiện tại để quay về dưỡng thương, chờ ngày tươi sáng trong tương lai lúc nào cũng chưa thể đoán định được vì dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Giải thể để tự cứu mình và lại đi tìm lời giải cho một kế hoạch khác vì không thể ngừng mọi hoạt động được, ngừng rồi lấy gì để nuôi sống gia đình và anh em bên dưới?”. Một giám đốc (xin được giấu tên) ngậm ngùi về quyết định giải thể doanh nghiệp của mình.

Cần "liều thuốc" đủ mạnh cho doanh nghiệp

Công tác kiểm tra thân nhiệt của công nhân trước khi vào phân xưởng làm việc.

Giải pháp cứu doanh nghiệp cần phải thực tế và không phân biệt

Có rất nhiều phương án và đề xuất đã được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong các cuộc hội đàm doanh nghiệp, kiến nghị lên cấp nhà nước để hỗ trợ các giải pháp cứu doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế thì các phương án, đề xuất này vấp phải rất nhiều vấn đề khi triển khai và chỉ thực hiện phần nào với các doanh nghiệp thuộc khối nhà nước, ngoài ra khối doanh nghiệp tư nhân gần như không được hỗ trợ và cơ hội tiếp cận là không thể.

Dịch bệnh ngay từ khi mới manh nha trong nước đã gây biết bao khó khăn cho khối tư nhân vì ảnh hưởng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu và những rủi ro chính sách. Đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ không thể trụ nổi phải rời cuộc chơi sau khi đã tìm đủ mọi giải pháp để gắng gượng tồn tại. Câu chuyện này là một thực tế đang diễn ra hiện nay ở tất cả các ngành kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19. Điều này cho thấy những lỗ hổng thực thi cần phải rà soát và điều chỉnh lại cho phù hợp với tình thế hiện nay.

Những giải pháp đề xuất nhà nước nên nghiên cứu và áp dụng:

duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa ở các doanh nghiệp đã và đang hoạt động bằng những cơ chế đặc biệt tạo điều kiện tối đa về nguyên liệu đầu vào, đầu ra, năng lực sản xuất…

công bằng chính sách; không phân biệt doanh nghiệp, công ty nhà nước hay tư nhân tất cả các ngành. Chính sách nên tạo nhiều cơ chế để phát huy tối đa nguồn lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động.

tín dụng khẩn cấp; ban hành cơ chế nguồn vốn dự phòng khẩn cấp để “bơm vốn” kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ khối tư nhân ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát để có thể trở lại hoạt động ngay.

khoanh nợ/ giảm lãi; các khoản vay cá nhân, doanh nghiệp đã vay trước đó ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào, Ngân hàng nhà nước ban hành chính sách khoanh nợ giản cách thời gian trả từ 03 tháng đến 06 tháng để có thể phục hồi dòng vốn lưu động doanh nghiệp, giảm lãi suất vay từ 03 đến 06 tháng cho tất cả các giao dịch cá nhân/doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh và sau dịch bệnh. Không đánh giá nợ xấu doanh nghiệp/cá nhân trong thời gian dịch bệnh.

đơn giản các thủ tục hành chính; áp dụng các công nghệ mới trong điều hành, quản lý nhà nước và đơn giản các thủ tục hành chính rườm rà đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận và triển khai hoạt động kinh doanh.

khuyến khích các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tái khởi động sản xuất, hoạt động kinh doanh trở lại với các cơ chế ưu tiên hơn so với các doanh nghiệp thành lập mới.

Thiết nghĩ những đề xuất trên cần được cấp quản lý nhà nước xem xét thấu đáo và huy động sự quyết tâm đồng lòng của tất cả ban ngành cùng triển khai thực hiện thì nền kinh tế đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và có thể cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Suy cho cùng, doanh nghiệp là những tế bào của xã hội, khi tế bào ốm yếu thì cơ thể không bao giờ khỏe mạnh. Trong tình huống khẩn cấp này, chúng ta cần phải có một “liều thuốc” đủ mạnh để giúp các tế bào ấy khỏe mạnh mới nuôi sống cơ thể vượt qua được bạo bệnh.

Một đất nước được xem là giàu mạnh khi mọi người dân, doanh nghiệp đều khỏe mạnh và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và gia đình!