Sunday, November 24, 2024

Hữu hảo Trung – Nga trong tham vọng đối trọng phương Tây



Việc tăng cường hợp tác của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, cũng như nỗ lực phối hợp giữa Nga và Trung Quốc để thúc đẩy phát triển tổ chức này, được cho là nhằm đối trọng với phương Tây, nhưng triển vọng sẽ như thế nào?

Lần đầu tiên công du nước ngoài kể từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Samarkand (Uzbekistan) từ ngày 15 – 16.9.

Được thành lập vào năm 2001 với trọng tâm ban đầu là chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố ở Trung Á, SCO đến nay có 8 thành viên chính thức gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan. Ngày 15.9, Iran vừa ký biên bản ghi nhớ để trở thành thành viên đầy đủ, dự kiến chính thức vào năm 2023. Tổng GDP của các thành viên SCO ước tính chiếm 25% GDP toàn cầu. Tổ chức này còn có 3 nước tham gia với tư cách quan sát viên là: Afghanistan, Belarus và Mông Cổ. Ngoài ra, còn có 8 đối tác đối thoại của SCO là: Campuchia, Armenia, Azerbaijan, Ai Cập, Nepal, Qatar, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội nghị thượng đỉnh của SCO lần này dự kiến thông qua 30 văn kiện tăng cường tương tác nhiều mặt giữa các quốc gia thành viên và nâng tầm hợp tác lên một cấp độ mới. Thông cáo chung của hội nghị nhấn mạnh cách tiếp cận chung của SCO để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Hữu hảo Trung - Nga trong tham vọng đối trọng phương Tây

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO 2022

Tuy nhiên, tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này chính là hội đàm song phương giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin trong bối cảnh Trung – Nga gần đây không ngừng thắt chặt quan hệ hợp tác khi cả hai đều đang đối mặt với nhiều sức ép từ phương Tây. Chính vì thế, SCO được đánh giá như một cơ chế để Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy một trật tự mới đối trọng với phương Tây.

Theo Tân Hoa xã, tại hội đàm song phương với Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để mở rộng sự ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau.

“Trước những thay đổi của thế giới, của thời đại và của lịch sử, Trung Quốc sẽ cùng Nga hoàn thành trách nhiệm với tư cách là nước lớn và đóng vai trò hàng đầu trong việc đưa sự ổn định vào một thế giới luôn thay đổi và rối loạn”, ông Tập nói và nhấn mạnh hai bên cần tăng cường phối hợp trong các khuôn khổ đa phương bao gồm SCO, nhóm 5 nền kinh tế mới nổi Brazil – Nga – Ấn Độ – Trung Quốc – Nam Phi (BRICS)… nhằm thúc đẩy đoàn kết, mở rộng hợp tác thiết thực và bảo vệ “lợi ích an ninh của khu vực cũng như lợi ích chung của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi”.

Ông Putin cũng cho rằng: “Cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ một trật tự quốc tế công bằng và hợp lý hơn”. Bên cạnh đó, Moscow cam kết kiên quyết với nguyên tắc một Trung Quốc và lên án “các động thái khiêu khích của các nước đối với các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Nga cũng sẽ hợp tác làm việc với Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác tiếp tục, sâu sắc hơn giữa các quốc gia thành viên SCO dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, nhằm xây dựng một nền tảng có thẩm quyền để duy trì an ninh và ổn định khu vực.

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp từ bên ngoài cũng như không chấp nhận nước khác đóng vai “người phán xử” liên quan vấn đề Đài Loan. Trong diễn biến khác của cuộc hội đàm, theo tờ Nikkei Asia, ông Putin cho rằng Trung Quốc đã có sự “quan ngại” khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Ý kiến

Con đường mới cho SCO

Hữu hảo Trung - Nga trong tham vọng đối trọng phương Tây
PGS Ekaterina Koldunova

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đã gặp nhau tại hội nghị. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ nhưng cũng là cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Putin trong năm nay. Hai bên đã thảo luận về an ninh toàn cầu và khu vực, sự phối hợp với nhau trong Đại hội đồng LHQ sắp tới, cách tiếp cận của từng bên đối với trật tự thế giới. Đặc biệt quan trọng là các vấn đề liên quan quan hệ song phương (thương mại, nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng) và triển vọng biến SCO thành một nền tảng hợp tác rộng lớn hơn nữa ở Âu – Á. Hiện tại SCO đang xem xét đơn xin gia nhập đầy đủ của Iran, Belarus cũng đã nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ trong năm nay trong khi một số quốc gia tình nguyện tham gia với tư cách là quan sát viên hoặc đối tác đối thoại.

Nga và Trung Quốc đã xác định cách tiếp cận đối với tình trạng hiện tại của trật tự thế giới. Theo cách riêng của từng nước, cả hai đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của những nỗ lực áp đặt kiểu đơn cực của trật tự thế giới. Những yếu tố như xung đột Nga – Ukraine, cái gọi là tập thể phương Tây và sự không hài lòng của Trung Quốc trước các hành động của Mỹ đối với Đài Loan đã thắt chặt quan hệ Moscow – Bắc Kinh. Tuy nhiên, để được hỗ trợ nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và để giải thích rõ ràng hơn tầm nhìn của hai bên về trật tự thế giới mong muốn, Nga và Trung Quốc cần làm việc nhiều hơn với các đối tác trong khu vực. Điều này có thể trở thành con đường mới cho các hoạt động của SCO trong nhiều năm tới.

PGS Ekaterina Koldunova
(Khoa Nghiên cứu châu Á – châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow – MGIMO, Nga)

Hai bên đều bị những hạn chế

Hữu hảo Trung - Nga trong tham vọng đối trọng phương Tây
TS Timothy R.Heath

Nga cố gắng để Trung Quốc cung cấp thêm hỗ trợ kinh tế nhưng Bắc Kinh sẽ bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây do lo ngại mất khả năng tiếp cận các thị trường phương Tây.

Quan hệ Trung – Nga tiếp tục hỗ trợ cho Moscow khả năng tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mối quan hệ này cũng là cơ sở cho Bắc Kinh thách thức vị trí lãnh đạo quốc tế của Mỹ. Tuy nhiên, tình hữu nghị Trung – Nga cũng bị hạn chế bởi cuộc chiến ở Ukraine vốn đang làm suy yếu nước Nga và cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra ở Trung Quốc. Hai bên đều bị những hạn chế trong việc hỗ trợ đối phương. Trung Quốc phải tiếp tục tập trung vào các vấn đề trong nước và sẽ khó hỗ trợ nhiều cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngược lại, Moscow lại không có nhiều “chủ bài” để hỗ trợ Bắc Kinh thách thức vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

TS Timothy R.Heath
(chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ)

Mỹ và đồng minh cần chuẩn bị

Hữu hảo Trung - Nga trong tham vọng đối trọng phương Tây
PGS Stephen Robert Nagy

Trung Quốc không muốn bị ảnh hưởng về hình ảnh trong việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, nhưng đồng thời cũng không muốn xa rời Nga. Trong bối cảnh như vậy, hai bên sẽ tập trung vào việc mở rộng SCO và làm thế nào để tổ chức này có tính chất bao trùm bất kể sự khác biệt về hệ thống chính trị hay kinh tế. Với việc Iran, Belarus và một số bên đã tham gia hoặc trở thành thành viên liên kết, thì đây là một minh chứng về mối quan hệ đối tác đang ngày càng sâu sắc trong SCO, đồng thời giữ vấn đề nhạy cảm của Ukraine nằm ngoài bức tranh tổng thể của tổ chức này.

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Moscow có liên quan trực tiếp đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi họ nắm giữ ảnh hưởng về kinh tế và năng lượng trong khu vực. Việc Trung Quốc và Nga sử dụng những công cụ vừa nêu như thế nào để củng cố hoặc phân hóa các nước trong khu vực sẽ là một vấn đề mà Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và EU cần chuẩn bị.

PGS Stephen Robert Nagy
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)

Mang tính ngoại giao

Hữu hảo Trung - Nga trong tham vọng đối trọng phương Tây
PGS Kei Koga

Tổng thống Putin muốn nhận được sự ủng hộ liên tục từ Trung Quốc trong bối cảnh bị cô lập với phương Tây giữa cuộc chiến kéo dài bất ngờ ở Ukraine. Trong khi đó, bản thân SCO có thể sẽ tập trung vào Afghanistan và sự kết nối trong khu vực và để an toàn về mặt ngoại giao, ông Tập không muốn “sát cánh” cùng Nga về quân sự lẫn kinh tế. Như vậy, bản chất quan hệ hai bên nhiều khả năng vẫn chỉ tiếp tục hỗ trợ ngoại giao lẫn nhau.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga đều theo đuổi thế giới đa cực và tầm nhìn rộng lớn hơn này sẽ được phản ánh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, sự hợp tác của họ vẫn mang tính ngoại giao.

PGS Kei Koga
(Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công – Trường Khoa học xã hội – Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img