Khi đứng tại Km số 3 đường cao su, tôi phóng tầm mắt xung quanh và có thể thấy nhiều khoảnh rừng lớn bị đốt cháy, nhiều cây bị đốn hạ, trơ gốc khắp sườn núi.
Đặc biệt, nhiều cây gỗ lớn đường kính gốc 40 – 80 cm có vết cắt còn mới… Người dân địa phương nói với tôi, tình trạng phá rừng diễn ra đã mấy năm nay. Các đối tượng thường lợi dụng ban đêm để khai thác gỗ. Khi khai thác xong, họ cho xe cơ giới men theo con đường cao su cắt rừng vào vận chuyển ngay trong đêm, đưa về điểm tập kết. Cây gỗ lớn bị chặt hạ chủ yếu là gỗ chuồn, chò xanh, sơn huyết…
Khi chúng tôi hỏi chính quyền địa phương có biết được thực trạng này không, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, nói “đã nắm được thông tin về vụ khai thác rừng, phá rừng trái phép”, và lực lượng kiểm lâm H.Phước Sơn đã chủ trì phối hợp với Công an huyện, UBND xã Phước Hiệp vào cuộc xác minh, điều tra xem diện tích rừng bị tàn phá, số lượng gỗ bị mất bao nhiêu. Chính quyền huyện cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân để xảy ra vụ phá rừng và yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, lâm phận quản lý…
Những việc làm này của chính quyền địa phương là cần thiết, đặc biệt phải sớm tìm ra chủ mưu để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật… Nhưng phá rừng không chỉ vụ việc này, nhiều vụ việc khác mà Thanh Niên từng ghi nhận, sau khi hàng chục, thậm chí trăm héc ta rừng bị tàn phá, chính quyền các địa phương mới nói “tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, lâm phận quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm…”. Rừng khi đã bị tàn phá, không thể sớm tái tạo, hồi sinh. Nên vấn đề ở đây vẫn là ngăn ngừa bằng các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, chứ để bị “phá trắng”, “cạo trọc” rồi mới “tăng cường” thì cũng có ý nghĩa gì!