Nghệ An hiện có trên 13.500 ngôi nhà bị ngập lụt, trong đó có hơn 760 hộ dân bị ngập sâu phải sơ tán đến nơi an toàn.
Ngày 30.9, tại Nghệ An, mưa đã giảm, một số xã bị ngập nặng ở H.Thanh Chương nước đã rút, người dân đã trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, do 8 nhà máy thủy điện và 2 hồ thủy lợi ở thượng nguồn sông Lam, sông Hiếu… xả lũ, với lượng nước đổ về rất lớn nên hôm qua (30.9), nhiều vùng hạ du như H.Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành, TX.Hoàng Mai (Nghệ An) đã bị ngập nặng hơn.
Tại TX.Hoàng Mai, hồ Mực Mấu xả lũ lưu lượng 559 m3/giây tại 3 cửa xả cộng với lượng nước ở vùng hạ du đang lớn, triều cường dâng đã khiến 8/10 phường, xã với hơn 2.700 hộ dân của thị xã này bị ngập, trong đó có hàng trăm hộ dân bị ngập cao hơn 1 m. Chính quyền TX.Hoàng Mai đã sơ tán gần 200 hộ dân bị ngập nặng nhất. Mưa lũ đã cuốn trôi 1 cây cầu dân sinh, hơn 15 ha lúa và hơn 400 ha rau màu của người dân TX.Hoàng Mai bị ngập, cùng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân bị ngập ở H.Quỳnh Lưu |
Tuyến QL1A đoạn qua H.Quỳnh Lưu và P.Quỳnh Thiện (TX.Hoàng Mai) bị ngập sâu 30 – 40 cm khiến các phương tiện giao thông rất khó di chuyển, ùn ứ dài nhiều ki lô mét. Nhiều tuyến đường liên xã cũng bị chia cắt bởi nước lũ. Sự cố vỡ đê kênh Hội Tĩnh xảy ra vào đêm 29.9 khi một đoạn đê khoảng 7 m ở xóm 7, xã Hưng Đạo bị vỡ do áp lực quá mạnh của nước lũ đổ về. Đây là tuyến đê bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân. Chính quyền H.Nguyên đã huy động hơn 300 người thức thâu đêm để hộ đê, dùng các bao cát để ngăn nước. Đến sáng 30.9, việc gia cố đoạn đê bị vỡ đã cơ bản hoàn thành.
Đến chiều qua, Nghệ An đã có 13.576 ngôi nhà bị ngập ở các huyện: Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn, TX.Hoàng Mai… trong đó có 764 hộ dân phải sơ tán. Mưa lũ đã làm 7 người chết; nhiều tuyến quốc lộ bị ngập, sạt lở khiến giao thông bị chia cắt…
Tại Hà Tĩnh, khoảng 4 giờ sáng ngày 30.9, nước sông Lam dâng cao do mưa lớn đã khiến QL1A, đoạn qua địa phận xã Xuân Hồng và Xuân Lam (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị ngập sâu từ 0,5 – 0,7 m với chiều dài gần 1 km. Thượng úy Đoàn Tử Chinh, Đội phó CSGT phía bắc, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (Cục Quản lý đường bộ 2 – Tổng cục Đường bộ VN) đã lập các chốt hai đầu bị ngập và 2 chốt từ xa để hướng dẫn phương tiện đang lưu thông theo hướng bắc – nam và ngược lại chuyển hướng về tuyến đường tránh TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) không bị ngập để tiếp tục hành trình. Đến chiều cùng ngày, giao thông qua khu vực bị ngập vẫn chưa được thông tuyến.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, hàng nghìn học sinh ở 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê vẫn chưa thể đến trường do bị mưa lũ chia cắt các tuyến đường giao thông.
Tại Thanh Hóa, lũ trên các sông Bưởi (H.Thạch Thành), sông Yên (H.Nông Cống) đang lên nhanh. Trên sông Yên, chiều ngày 30.9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Thanh Hóa đã phát lệnh báo động 3 (3,5 m) và đề nghị các địa phương chủ động theo dõi tình hình, tổ chức sơ tán dân khi cần thiết.
Ông Trần Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa), cho biết từ sáng ngày 30.9, hơn 20 nhà dân và hơn 91 ha cây trồng của người dân nằm quanh khu vực hồ Yên Mỹ (hồ Yên Mỹ nằm trên địa phận các huyện Nông Cống, Như Thanh và TX.Nghi Sơn) bị ngập nặng sâu từ 1 – 2 m, do nước hồ Yên Mỹ dâng lên cao trình 20,9 m. Hiện đơn vị quản lý hồ Yên Mỹ đang xả lũ với lưu lượng 40 m3/giây. Trên địa bàn thôn Kén (xã Tượng Sơn, H.Nông Cống) cũng đã có hàng chục nhà dân bị ngập sâu từ 0,2 – 0,5 m, đồng thời 172 hộ dân với 748 nhân khẩu trong thôn bị chia cắt với bên ngoài do đường vào thôn bị ngập. Ngoài ra, các huyện Nông Cống, Như Thanh, Thạch Thành, Quảng Xương, Vĩnh Lộc cũng đã có hàng trăm héc ta cây trồng bị ngập úng do mưa lớn kéo dài những ngày qua.
Nguồn: thanhnien.vn