Cử tri TP.HCM kiến nghị với các đại biểu Quốc hội, khi sửa đổi luật Đất đai, cần xác định giá bồi thường đất sát với giá thị trường, không để dân thiệt thòi vì cuộc sống của họ đã bị xáo trộn rất nhiều.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 4 – Đoàn ĐBQH TP.HCM diễn ra chiều nay (3.10) tại Q.10, cử tri Nguyễn Thị Nguyệt nêu ý kiến về luật Đất đai sửa đổi và cho rằng các ĐBQH phải tiếp tục đi thực tế khảo sát thì mới nắm rõ giá bồi thường đất cho người dân chênh lệch với giá thị trường thế nào.
Theo cử tri Nguyễn Thị Nguyệt, phải làm sao để giá bồi thường đất sát với giá thị trường thì mới đảm bảo đời sống của người dân, bởi cuộc sống của họ bị xáo trộn rất nhiều.
Chưa kể, còn có thực trạng giá bồi thường thấp nên các công trình bị trì trệ, bỏ dở nhiều năm vì chưa đạt được sự đồng thuận của dân.
Trên thực tế, khâu giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề nhức nhối của TP.HCM và nhiều địa phương khác khi thực hiện các dự án đầu tư công.
Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt nêu ý kiến về luật Đất đai sửa đổi |
Về vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết kỳ họp Quốc hội sắp tới là kỳ họp đầu tiên cho ý kiến về luật Đất đai sửa đổi.
Dự kiến, Quốc hội sẽ lấy ý kiến và thông qua 3 kỳ họp, vì đây là luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quốc hội sẽ lấy ý kiến toàn dân về dự thảo luật Đất đai.
Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ tổ chức 4 hội thảo lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về dự án luật này. “Bà con cử tri thấy điểm nào cần góp ý, cần sửa đổi, cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp thì gửi ý kiến về Đoàn ĐBQH TP.HCM hoặc phản ánh về Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM”, bà Tuyết nói.
Theo bà Tuyết, các ĐBQH rất quan tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất để thực hiện các dự án. Thực tế, TP.HCM đã kiến nghị nội dung này rất nhiều lần.
“Thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM bị chậm tiến độ do vướng bồi thường, một số công trình trọng điểm không thể làm tiếp. Chúng tôi nhận thấy có những bất cập trong xác định giá bồi thường. Quốc hội, Chính phủ cũng thấy những bất cập này. Nhiều đoàn giám sát, khảo sát cả nước cũng phản ánh kiến nghị rất nhiều lần”, bà Tuyết thông tin.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng thông tin với cử tri: “Lần này, chúng tôi cũng tiếp tục tham gia ý kiến, nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia để làm sao khi luật Đất đai được sửa thì nội dung liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, các chính sách về giá sát với thị trường đảm bảo đời sống của người dân ổn định, bằng hoặc tốt hơn so với trước đây”.
Nguồn: thanhnien.vn