Một bầu không khí sống động, tuyệt vời với nhiều tiếng reo hò và âm thanh vang dội khắp khán đài mang lại cảm giác hào hứng, góp phần làm cho các trận đấu bóng đá tại châu Âu trở nên hay hơn, hấp dẫn hơn. Như sân Old Trafford là 72.732 người, sân Stamford Bridge 38.965 người, sân Carrow Road của Norwich là 27.023 người, các sân khác cũng đều đón từ 30 – 50% sức chứa sân, như sân Signal Iduna Park của Dortmund 81.000 chỗ đón 25.000 người, sân Parc des Princes của PSG ở Pháp (47.929 chỗ) đón gần 20.000 khán giả…
Tất cả tạo nên một bức tranh rộn ràng, đầy màu sắc. Nhờ vậy người xem cũng tận hưởng một cách thỏa thích nhiều trận đấu sôi nổi từ đầu đến cuối, nhiều pha bóng hay, bàn thắng ngoạn mục. Như chỉ riêng Ngoại hạng Anh, 8 trận tối thứ bảy có đến 27 bàn (trung bình hơn 3,3 bàn/trận)…
Khán đài sân Stamford Bridge không còn chỗ trống
|
Đây là sự trở lại cần thiết, chính thức chấm dứt 1 năm buồn tẻ của bóng đá châu Âu. Ban đầu khi chính phủ các nước cho phép các sân vận động mở cửa đón khán giả hạn chế hồi đầu hè cũng có rất nhiều lo ngại giữa lúc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Nhưng các quốc gia châu Âu đã sớm đẩy mạnh nhiều chiến dịch ngăn ngừa và tránh lây lan bằng cách xúc tiến nhanh việc tiêm vắc xin cho cộng đồng và tăng cường nhiều biện pháp tích cực trên diện rộng, nên chỉ trong thời gian ngắn vài tháng, đời sống xã hội và bóng đá đã từng bước khôi phục.
Chính sự trở lại rộn rã của hàng ngàn người trên hàng chục sân bóng đêm thứ bảy vừa qua không chỉ cho thấy cách làm đúng của nền bóng đá các quốc gia châu Âu mà kéo theo là những tác động tích cực đến tài chính của nhiều CLB vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, mở ra việc lấy lại hình ảnh và giá trị thương hiệu bị chao đảo thời gian qua.
Hình ảnh náo nhiệt tại sân Parc des Prince, sân nhà của CLB PSG
|
Nhìn sân bóng châu Âu đông vui, hồ hởi như vậy càng thấy buồn cho các sân bóng châu Á. Ở Olympic Tokyo vừa rồi, các trận đấu bóng đá nam, nữ đều rất hay, rất kịch tính nhưng gần như chẳng có người xem. Bóng đá Việt Nam còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi mùa giải đang diễn ra khí thế được 2 tháng thì dừng luôn đến tháng 2 sang năm. Tất cả đều là hệ quả do dịch Covid-19, nhưng cái chính là do những giải pháp mà nhiều nước châu Á đang áp dụng vẫn còn thiếu quyết liệt và chặt chẽ. Dĩ nhiên một thời gian không lâu nữa bóng đá châu Á sẽ trở lại. Hãy tin là như thế!