Mức độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT giảm khiến điểm chuẩn tăng
Theo thống kê năm 2019, 2020, điểm chuẩn của các trường đại học top đầu đều có xu hướng tăng, mức tăng trung bình từ 1 – 3 điểm và điểm xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia nằm ở mức cao.
Cụ thể, năm 2019, Học viện Ngoại giao có mức điểm chuẩn thấp nhất là 23,95, cao nhất 33,25. Năm 2020, điểm chuẩn tăng lên với mức thấp nhất là 25,6, cao nhất là 34,75. Trường đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2019 mức điểm chuẩn thấp nhất là 20, cao nhất là 27,42 thì sang đến năm 2020, điểm chuẩn thấp nhất tăng lên 22,5 và cao nhất là 29,04 điểm.
Phân tích về nguyên nhân tăng điểm chuẩn, theo ông Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn toán tại Hệ thống Giáo dục Hocmai, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay được thực hiện theo luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7.2020. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia đã được đổi tên thành kỳ thi Tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông, thay vì kết hợp với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đây.
Do đó, đề thi THPT quốc gia đang có xu hướng tăng dần các câu hỏi ở mức cơ bản, độ khó của đề ngày càng giảm để phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Điều này dẫn đến việc điểm chuẩn xét tuyển theo tổ hợp các môn có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, ma trận đề thi có nhiều thay đổi như tỷ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu và vận dụng tăng lên, số lượng các câu vận dụng cao có xu hướng giữ nguyên hoặc giảm xuống. Ví dụ, so sánh đề thi trong 2 năm 2020 và 2021 đối với môn toán, tỷ lệ các câu hỏi ở mức vận dụng trong đề thi tăng từ 12% lên 16%. Các câu hỏi ở mức vận dụng cao, nhằm phân loại thí sinh ở top đầu giảm từ 14% xuống chỉ còn khoảng 10%.
Về độ khó, mới đây nhất, đề thi toán năm 2021 có 45 câu hỏi đầu tiên (90%) ở mức độ tương đối nhẹ nhàng, thuộc các dạng bài quen thuộc mà học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn tập và 5 câu hỏi cuối cùng mang tính phân loại. Với đề thi này, tỷ lệ điểm 8 và 9 sẽ tương đối nhiều, điểm 10 cũng sẽ không hiếm và đỉnh của phổ điểm được dự đoán sẽ ở mức 7 điểm.
Với môn ngữ văn, bà Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), nhận định đề thi tốt nghiệp THPT 2021 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo.
Cũng theo bà Tuyết, mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi đọc hiểu số 3, 4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần làm văn. Với đề này, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá, học chắc sẽ đạt 7 – 8,5 điểm.
Mặt khác, đối với các trường đại học thuộc top đầu, để tuyển thí sinh đầu vào có chất lượng tốt, các trường này đã bổ sung thêm nhiều phương thức tuyển sinh như xét học bạ, tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, chính vì thế, chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức dựa vào tổ hợp điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm. Điều này cũng khiến điểm chuẩn tăng lên.
Một số lưu ý cho “học sinh 2004” lớp 12 năm học tới
Từ thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và mùa tuyển sinh đại học trong 2 năm gần đây, TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, đưa ra một số lời khuyên giúp học sinh lớp 12 năm học tới để có kế hoạch học tập, ôn luyện phù hợp.
Trước hết, học sinh dự kỳ thi năm 2022 tới phải luôn có tinh thần học tập chủ động, nghiêm túc, kỹ thuật hóa việc học tập thông qua áp dụng các kỹ năng như: ghi chép thông minh, phương pháp ghi nhớ,… và sẵn sàng thay đổi, thích nghi với việc chuyển đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến trong năm học sắp tới.
Bên cạnh đó, các em cần xây dựng mục tiêu và lộ trình học tập phù hợp ngay từ sớm dựa trên năng lực của bản thân và thông tin về mức điểm chuẩn của các trường mà mình dự định ứng tuyển trong các năm trước cũng như dự báo của các chuyên gia về xu hướng tuyển sinh của các năm tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, thời điểm này học sinh 2004 chuẩn bị bước vào lớp 12 nên lấy kỳ thi tốt nghiệp THPT làm trọng tâm và xây dựng lộ trình học tập toàn diện theo 3 bước: nắm chắc kiến thức toàn diện; luyện thuần thục mọi dạng bài; ôn tập chọn lọc trọng tâm.
Cụ thể, các em có thể dành khoảng 6 – 7 tháng (từ tháng 8 năm nay đến tháng 1.2022) để ôn tập, nắm chắc toàn bộ kiến thức cơ bản kết hợp với theo dõi thông tin tuyển sinh.
Ở thời điểm 4 – 5 tháng cuối trước kỳ thi (từ tháng 2 – 6.2022), các em có thể điều chỉnh kế hoạch ôn tập theo phương thức xét tuyển mong muốn.
“Dù là các em dự tuyển vào trường đại học nào và dưới hình thức nào thì những kiến thức cơ bản, nền tảng đều sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong đề thi. Sau khi học xong nội dung nền tảng rồi thì mới học các nội dung nâng cao và các điểm khác biệt theo yêu cầu của trường đại học và của hình thức thi mà em chọn”, TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Ngoài ra, trong quá trình học tập, học sinh cũng cần phân chia thời gian ôn tập các môn trong một ngày, ôn tập xen kẽ các môn, trung bình mỗi môn từ 1 – 2 giờ.
Song song với việc trang bị kiến thức, học sinh lớp 12 cũng cần chủ động tìm hiểu các phương án xét tuyển, đặc biệt là các bạn có mong muốn vào các trường đại học top đầu. “Các em cần chủ động tìm hiểu và cân nhắc nhiều phương án xét tuyển, xem xét toàn diện về năng lực, thế mạnh của bản thân, tránh tình trạng “đặt cược” vào một phương án làm giảm khả năng trúng tuyển”, TS Nam lưu ý.