Sunday, January 12, 2025

Miền Trung chìm sâu trong mưa lũ



Khắp các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam hứng mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền gây nên tình trạng ngập lụt, cô lập, sạt lở. Đặc biệt là trận mưa lớn chưa từng có trong lịch sử ở Đà Nẵng từ trưa 14 đến rạng sáng 15.10 đã khiến địa phương này chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết báo cáo tổng hợp của các tỉnh miền Trung cập nhật đến 17 giờ ngày 15.10 đã ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị có 1.318 ngôi nhà bị ngập 0,3 – 1 m nước. Thừa Thiên-Huế có 19.918 ngôi nhà ngập sâu 0,3 – 0,8 m. Tại Đà Nẵng, trong ngày 15.10, nước ngập đã rút hết nhưng thống kê tại thời điểm xảy ra mưa lớn trong đêm 14.10 đã có khoảng 3.575 nhà bị ngập. Tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, 4.900 gia đình với 14.205 người phải di dời, sơ tán.

Miền Trung chìm sâu trong mưa lũ

Nước lũ tràn vào khu dân cư ở xã Hải Phong (H.Hải Lăng, Quảng Trị)

Ngập sâu, sạt lở khắp nơi

Báo cáo nhanh tại cuộc họp khắc phục hậu quả mưa lớn vào ngày 15.10, đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết mưa lũ đã làm ít nhất 4 người trên địa bàn tử vong. Các quận trung tâm TP.Đà Nẵng bị ngập sâu gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân, trong đó có khoảng 500 ô tô bị chết máy, hư hỏng nặng, nhiều xe phải nằm lại các tuyến phố đến trưa qua. Tại Q.Sơn Trà, bên cạnh tình trạng nhà dân, chung cư bị ngập sâu, mưa lớn gây sạt lở ở nhiều nơi. Địa bàn Q.Liên Chiểu gần như ngập toàn bộ, chỗ ngập sâu nhất gần 2 m, thấp nhất 0,5 m. Mưa lớn cũng đã gây sạt lở hàng chục ngàn mét khối đất, đá tại phía cửa hầm nam Hải Vân.

Trong buổi sáng 15.10, lực lượng thanh niên, quân đội, người dân Đà Nẵng đã đổ ra đường, các khu dân cư, bãi biển… để khắc phục những thiệt hại do mưa ngập gây ra. Dù cả ngày 15.10 mưa đã ngừng rơi nhưng nhiều khu vực ở Hòa Vang, Thanh Khê… của Đà Nẵng vẫn trong tình trạng ngập sâu.

Miền Trung chìm sâu trong mưa lũ

“Hố tử thần” xuất hiện trên cầu Suối Mơ sau trận mưa lớn

Cũng tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói: “Chúng ta nói bất ngờ, lệ thuộc rất nhiều vào dự báo, nhưng thông báo về việc mưa lớn vào các tỉnh miền Trung đã có từ lâu rồi. Chúng ta xem lại thì thấy dự báo mưa lớn trên 600 mm chứ không phải như thực tế trên 500 mm.

Cho nên đánh giá dự báo để phòng ngừa là việc cần rút kinh nghiệm”. Chỉ đạo phải đánh giá lại công tác thông tin và tiếp nhận, xử lý thông tin người dân đề nghị, kêu cứu ở các điểm nguy hiểm “vì đã để tạo ra dư luận không tốt”, ông Quảng cho hay có trường hợp người dân đã phản ánh thông tin ra T.Ư. Sau khi tiếp nhận, ông đã cho kiểm tra ngay. Việc này cho thấy công tác thu thập thông tin và xử lý cần phải rút kinh nghiệm. Ông Quảng cũng yêu cầu đánh giá lại công tác huy động phương tiện, phương án ứng cứu, công tác phối hợp… trong tình huống khẩn cấp.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, TP hầu như chưa có phương tiện để ứng cứu, xử lý, tiếp cận ở những vùng ngập mà nước chảy xiết. “Ở đây nước chảy như sông. Có nơi có lực lượng xuống nhưng nước cao và chảy xiết hoặc có phương tiện ứng cứu ở Hòa Vang thì bị hỏng chân vịt, bị nước đẩy đi xa. Chúng ta phải lưu ý để tới đây trong việc mua sắm cần xác định các phương tiện sao cho phù hợp”, ông Quảng nói.

Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết với lượng mưa đặc biệt lớn thì không có hệ thống thoát nước nào chịu nổi. Đối với khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước TP.Đà Nẵng, ông Phong cho biết sẽ có đánh giá toàn diện để bổ sung, nâng cấp, cải tạo nếu cần thiết, còn trước mắt toàn bộ lực lượng đang tập trung thoát ngập, xử lý sạt lở ở một số điểm, khu dân cư còn ngập úng.

Hố “tử thần” trên quốc lộ

Trong ngày 15.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ngừng mưa nhưng do nước rút chậm khiến nhiều nơi vẫn còn ngập sâu, giao thông một số nơi vẫn chia cắt cục bộ. Đáng chú ý, nhiều ngôi nhà tại vùng “rốn lũ” của H.Đại Lộc vẫn chìm sâu trong biển nước. Tại một số khu vực, tranh thủ nước rút, người dân tập trung thu dọn tài sản cũng như gạt rửa lớp bùn non dày đặc do trận lũ quét để lại. Do mưa lớn, trên QL14B xuất hiện một hố “tử thần” tại cầu Suối Mơ, đoạn qua xã Đại Đồng (H.Đại Lộc) với bề rộng khoảng 2 m, sâu gần 8 m. Lực lượng chức năng đã bố trí các rọ đá, đá hộc để khắc phục điểm sạt lở và dự kiến thông tuyến bước 1 trong chiều tối 15.10.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, hàng chục nghìn nhà dân vẫn ngập sâu trong nước, nhiều khu dân cư bị chia cắt giao thông. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trong cuộc họp liên ngành ứng phó mưa lũ đã đề nghị các địa phương bám sát, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là, chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, nhất là các vùng thấp trũng của H.Hải Lăng, các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông và các xã miền núi của H.Vĩnh Linh.

Miền Trung sắp đón bão mạnh trên cấp 12

Sáng qua, phía đông Philippines xuất hiện áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Theo dự báo của các cơ quan khí tượng Nhật Bản và Mỹ, khoảng ngày 16 – 17.10, áp thấp này nhiều khả năng mạnh lên thành bão và vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 6. Dự báo mới nhất của Cơ quan khí tượng của Nhật Bản và Hải quân Mỹ, khoảng ngày 20.10 bão sẽ ở ngay phía bắc của quần đảo Hoàng Sa của VN. Đến ngày 21.10, vùng tâm bão có thể đi vào khu vực phía bắc của đèo Hải Vân và ảnh hưởng rộng cả khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm đó có khả năng bão chịu tác động của không khí lạnh nên có nhiều biến đổi bất thường, cần tiếp tục theo dõi. Ảnh mây vệ tinh cho thấy bão này có lượng nước khổng lồ nên mưa sẽ diễn ra trên diện rộng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, nhất là giai đoạn sau bão từ 21 – 23.10.

Chí Nhân

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img