Monday, September 30, 2024

Sử dụng thương mại điện tử “mang” trái cây chất lượng tốt và an toàn tới người tiêu dùng



Ngày 14/10, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Viện Nghiên cứu Rau Quả (FARVI) và Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đánh giá chính sách về thương mại điện tử đối với các sản phẩm trái cây ở Việt Nam”.

Với sự tham dự của 50 người, trong đó có các chuyên gia từ IPSARD, FAVRI, ICRAF, lãnh đạo các cơ quan chức năng trong lĩnh vực nông nghiệp và đại diện những nông dân ở Sơn La và  Hà Nội, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đánh giá chính sách về thương mại điện tử đối với các sản phẩm trái cây ở Việt Nam và lấy ý kiến góp ý từ các bên liên quan về các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của nông dân vào thương mại điện tử cho trái cây ở Việt Nam.

Trong thời gian qua, IPSARD, FAVRI, ICRAF, đã nghiên cứu nguồn cung và thị trường của bốn sản phẩm trái cây là mận, xoài, bưởi, nhãn và liên kết vùng ven đô Hà Nội, Sơn La với thành phố Hà Nội.

Sử dụng thương mại điện tử "mang" trái cây chất lượng tốt và an toàn tới người tiêu dùng

 

Dự án đã tiến hành phân tích dữ liệu, đánh giá chính sách về các hạn chế và tạo điều kiện cho người trồng cây ăn quả quy mô nhỏ tham gia tốt hơn vào thương mại điện tử cho các sản phẩm trái cây. Tháng 7/2022, một hội thảo cấp quốc gia đã được tổ chức tại Mộc Châu (Sơn La) để thảo luận với các bên liên quan về những khó khăn và tạo điều kiện để họ tham gia tốt hơn vào thương mại điện tử các sản phẩm trái cây. Tại hội thảo này, những nông dân tham gia dự án đã được đạo tạo về cách sử dụng trang thương mại điện tử voso.vn để bán trái cây của mình.

Ông Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho biết: “Trong dự án này, IPSARD nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế – xã hội của việc bùng nổ TMĐT các sản phẩm trái cây đến thu nhập của nông dân và hiệu quả của việc phát triển chuỗi ngành hàng cây ăn quả cho khu vực Sơn La và Hà Nội và những cản trở cũng như những điều kiện để các hộ nông dân sản xuất nhỏ đáp ứng được những yêu cầu của người tiêu dùng thành thị và dễ dàng tham gia vào các kênh TMĐT, và phát triển các hệ thống canh tác “an toàn”, thông qua việc ban hành các chính sách liên quan”.

Sử dụng thương mại điện tử "mang" trái cây chất lượng tốt và an toàn tới người tiêu dùng

Người dân trải nghiệm các nền tảng thương mại điện tử

Theo đánh giá của Ths. Lê Như Thịnh, Viện Nghiên cứu Rau Quả – FAVRI, trong năm năm qua, thương mại điện tử của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các sản phẩm trái cây, đã tăng trưởng nhanh chóng với giá trị giao dịch là 9,5 tỷ USD vào năm 2019.

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Ubofood, Sendo, Tiki và Chợ Nhà Minh… cũng đã giúp nông dân bán các sản phẩm trái cây trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử, người dân có cơ hội quảng cáo và bán các sản phẩm trái cây từ các vùng ven đô và nông thôn tại Việt Nam, tạo điều kiện giao tiếp trực tiếp giữa người tiêu dùng và nông dân.

“Trong khi đó, ngày càng nhiều nông dân quảng cáo trực tiếp các sản phẩm trái cây của họ, tươi hoặc chế biến, thông qua các phương tiện xã hội như Facebook hoặc Zalo” – Ths. Lê Như Thịnh nhận định.

Cũng theo Ths. Lê Như Thịnh, vai trò của FARVI trong dự án này là thu thập thông tin thứ cấp từ Tổng cục Thống kê, Chi cục Thống kê của tỉnh Sơn La, Hà Nội và các tài liệu liên quan đến xu hướng tiêu dùng trái cây, đặc biệt là với mận, nhãn, xoài, bưởi để xác định được xu hướng tiêu dùng của người thành thị.

Bên cạnh đó, FARVI cũng tiến hành những cuộc khảo sát, điều tra người tiêu dùng, người thu gom, người bán buôn, người bán lẻ để nắm được xu hướng tiêu thụ và kinh doanh trái cây, sự tham gia của họ trong việc bán sản phẩm thông qua các kênh thương mại.

“Với người tiêu dùng, chúng tôi đã và đang nghiên cứu xem họ tiêu thụ, mua bán thực phẩm thông qua kênh thương mại điện tử, xu hướng là như thế nào. Để từ đó cung cấp bổ sung thông tin về kỳ vọng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm trái cây trong thương mại điện tử để người nông dân sản xuất nhỏ có thể đáp ứng được những kỳ vọng đó, dễ dàng tham gia hơn vào thương mại điện tử” – Ths. Lê Như Thịnh.

Đại diện từ FARVI bày tỏ kỳ vọng sẽ nhận được ý kiến từ người dân và chính quyền địa phương về những khó khăn khi tham gia sàn thương mại điện tử. Từ đó, có thể sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo an toàn theo hướng Viet GAP, Globle GAP.

Sử dụng thương mại điện tử "mang" trái cây chất lượng tốt và an toàn tới người tiêu dùng

 

Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đánh giá chính sách về thương mại điện tử đối với các sản phẩm trái cây ở Việt Nam” là một hoạt động trong dự án “Hợp phần 4 của Chương trình Nông nghiệp vì An ninh Lương thực 2030 – AgriFoSe2030” do tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) thông qua Đại học Nông nghiệp Thụy Điển và Khoa Địa lý Nhân văn, Đại học Lund (Thụy Điển) tài trợ.

Viện Nghiên cứu Rau Quả (FAVRI), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) Việt Nam triển khai Dự án ở Việt Nam. Dự án được triển khai từ 7/2021 – 7/2023 tại huyện Yên Châu (Sơn La) và huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi