Thursday, January 16, 2025

Gần hết năm, TP.Thủ Đức giải ngân vốn bồi thường chưa được 1%



Được giao vốn phục vụ công tác bồi thường năm 2022 lên đến 3.460 tỉ đồng nhưng đến nay, TP.Thủ Đức mới giải ngân được hơn 20 tỉ đồng, đạt 0,58%.

Nội dung trên được Sở TN-MT nêu trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về giải ngân vốn đầu tư công các dự án được ghi vốn bồi thường trong năm 2022 trên địa bàn.

Năm 2022, toàn TP.HCM có 200 dự án ghi vốn bồi thường với tổng vốn 10.467 tỉ đồng. Đến nay, số vốn giải ngân mới đạt gần 3.000 tỉ đồng, tương đương hơn 28%. Một số quận huyện đã đạt tỷ lệ cao như Q.4 (98%), Q.8 (70%), Q.Gò vấp (93%), H.Cần Giờ (71%).

Tuy nhiên, một số quận huyện khác và TP.Thủ Đức giải ngân thấp nên kéo tỷ lệ giải ngân chung xuống mức khá thấp, như Q.3 và Q.11, H.Bình Chánh chưa giải ngân đồng nào, Q.7 mới đạt 0,24%, Bình Chánh 11%, Hóc Môn 4,5%…

Gần hết năm, TP.Thủ Đức giải ngân vốn bồi thường chưa được 1%

Dự án cầu Tăng Long (TP.Thủ Đức) “đứng hình” vì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng

Đặc biệt, TP.Thủ Đức được giao 3.460 tỉ đồng cho 36 dự án bồi thường, là địa phương được giao vốn nhiều nhất. Thế nhưng đến nay, TP.Thủ Đức mới giải ngân được hơn 20 tỉ đồng, tương ứng 0,58%. Điều này trái ngược với Q.Bình Tân là địa phương có số vốn giao cao thứ 2 (2.682 tỉ đồng) nhưng tỷ lệ giải ngân lên 69%, và là địa phương giải ngân vốn tuyệt đối cao nhất thành phố với 1.851 tỉ đồng.

Đối với TP.Thủ Đức, có 4 dự án bồi thường chiếm số vốn lớn nhưng tiến độ giải ngân ì ạch gồm: đường Nguyễn Thị Định (950 tỉ đồng), cầu Nam Lý (430 tỉ đồng), dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (1.329 tỉ đồng) và cầu Tăng Long (255 tỉ đồng).

Sở TN-MT TP.HCM đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường của TP.Thủ Đức là rất thấp. UBND TP.Thủ Đức cũng chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo công tác này khi các cuộc họp chỉ có lãnh đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và ban quản lý dự án tham dự.

Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính thì còn có nguyên nhân chủ quan như công tác chuẩn bị chưa thật sự tốt. Bởi lẽ, nhiều dự án được ghi vốn bồi thường từ đầu năm 2022 nhưng đến nay vẫn đang ở khâu chuẩn bị như ban hành thông báo thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm, lập chứng thư thẩm định trình Sở TN-MT.

Sự chậm trễ này khiến nhiều dự án chưa được UBND TP.HCM phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất để thực hiện, phải chuyển vốn sang năm 2023 như dự án xây dựng mới cầu Ông Bồn, cầu Làng, nâng cấp đường số 60…

Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án chưa phối hợp tốt với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức trong khái toán tổng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dẫn đến tổng mức đầu tư thường thấp hơn giá trị thực tế nên phải điều chỉnh và bổ sung vốn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img