Với tour ‘Chuyện nhỏ trong lòng chợ Lớn’ tại Q.6, du khách sẽ được ghé thăm chợ Bình Tây xây dựng từ năm 1928, làng nghề đúc tượng Phật gần trăm năm truyền qua 4 đời hay thưởng thức những món ăn nổi tiếng.
Sáng 22.10, UBND Q.6 (TP.HCM) ra mắt tour “Chuyện nhỏ trong lòng chợ Lớn”. Đây là sản phẩm du lịch thực hiện theo chiến lược phát triển của UBND TP về việc mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức có ít nhất một sản phẩm du lịch.
Tham dự chương trình có bà Phan Thị Thắng – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cùng đại diện các Sở, ban, ngành.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6 cho biết, quận có lợi thế về di tích, ẩm thực, vui chơi, các địa điểm có lịch sử lâu đời, lịch sử gắn liền với người Việt và người Hoa.
“Quận 6 – Chuyện nhỏ trong lòng chợ Lớn sẽ đưa du khách đến các địa điểm có lịch sử lâu đời, điểm tham quan vui chơi và thưởng thức ẩm thực người Hoa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về các dịch vụ tham quan, trải nghiệm cho khách du lịch”, bà Thảo chia sẻ.
Xe mì là hình ảnh quen thuộc dễ nhận biết của ẩm thực người Hoa. Xe được trang trí bởi những tấm tranh kiếng cùng những hình ảnh tuồng tích thuở xưa. Người vẽ tranh kiếng trên xe mì nổi tiếng nhất là nghệ nhân Lương Chí Bằng, chủ nhân nhà vẽ tranh kiếng Tân Huê vang danh một thời ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn |
Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Họ gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc: bánh sợi. Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Món ăn đơn giản như vậy thôi nhưng cũng khiến nhiều thực khách thỏa lòng |
Đồng hành trong các buổi ra mắt tour du lịch của một số quận, huyện suốt thời gian qua, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét, mỗi sản phẩm ra mắt đều được chăm chút, đầu tư công phu, mỗi địa phương đã tìm ra lợi thế của mình để tạo sự khác biệt.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, các địa phương đang ấp ủ ngoài công bố sản phẩm của mình còn có thể công bố tour liên quận như: Q.6 kết hợp với Q.5, Q.11 thành tour tuyến về Chợ Lớn. Các địa phương cũng làm nên một bộ tài nguyên du lịch như đến Q.6 thích ăn món Hoa thì đến những điểm nào, món ăn người Việt sẽ đến đâu để khai thác không chỉ khách đi theo tour mà cả khách đi lẻ, khách tự túc…
Theo lịch trình từ Công ty Chim Cánh Cụt, du khách sẽ được thưởng thức bữa sáng tại hủ tiếu mì Huỳnh Gia, vãn cảnh Thảo Đường Thiền Tự, tham quan Nhà truyền thống cách mạng người Hoa, khám phá chợ Bình Tây, ăn trưa tại Gia Phú Phúc Kiến, tham quan làng nghề đúc tượng Phật gần trăm năm tuổi, chiêm bái chùa Giác Hải…
Hủ tiếu, mì nơi đây khác với hủ tiếu ở những nơi khác bởi cách chế biến đặc biệt cùng bí quyết gia truyền từ lâu đã tạo điểm nhấn trong lòng thực khách. Tô hủ tiếu thập cẩm tại đây hấp dẫn nhất phải kể đến là nguyên liệu: tôm, cá, gà, heo viên, xá xíu, đặc biệt là nước lèo ngọt đậm mà thanh |
Nằm trong một con hẻm gần chùa Giác Hải là làng nghề làm tượng Phật có tuổi đời gần trăm năm. Đây là nơi làm ra các tác phẩm khá phong phú, đa dạng, từ tượng Phật Thích Ca tọa tòa sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền, Di Lặc, Hộ pháp đến tượng các danh nhân… |
Bà Phạm Thị Hồng Châu (48 tuổi) học nghề từ năm 12 tuổi. Gia đình bà đến nay đã có 4 thế hệ cùng theo nghề làm tượng Phật. Theo bà Châu, làm tượng Phật giúp bà cảm thấy tâm luôn thoải mái, nhẹ nhàng. Khó nhất khi làm tượng Phật là khuôn mặt, thường với những tượng lớn khi làm ra sản phẩm nếu chưa hảo tướng, bà lại cặm cụi ngồi sửa lại |
Để làm ra một bức tượng, tùy theo độ lớn nhỏ mà người thợ phải miệt mài từ 10 ngày đến một tháng, thậm chí vài tháng. Sản phẩm được làm ở đây đa số là tượng các đức Phật như: Quán Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Di Đà… |
Chùa Giác Hải được hình thành từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX |
Trước kia Thảo Đường Thiền Tự nằm trên đường Hùng Vương quận 6 bên bờ rạch Ông Buông với diện tích khoảng 900m2. Sau này nhờ sự trợ duyên của Phật tử và nhờ sự chung tay đóng góp của cộng động người Hoa và kiều bào gần xa mà Thảo Đường Thiền Tự đã được trùng tu khang trang và rộng rãi hơn ở địa chỉ ngày nay 184 Trần Văn Kiểu (P.10, Q.6) |
Thảo Đường Thiền Tự mới được chính thức khánh thành vào ngày 27.9.2019 với diện tích lên đến 10.000m2. Ngôi chùa mang đậm lối kiến trúc Trung Hoa kết hợp với nét văn hóa Việt Nam tạo nên công trình có giá trị về thẩm mỹ và kiến trúc đối với cộng động người Hoa |
Từ cuối năm 1968 đến trước 30.4.1975, căn nhà số 91 đường Phạm Văn Chí (P.1, Q.6) từng là nơi ở, làm việc của đồng chí Trần Bạch Đằng – phụ trách Đảng bộ nội thành và là chỉ huy Bộ Tư lệnh Tiền phương trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đồng chí Mai Chí Thọ – Ủy viên thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định và một số cán bộ lãnh đạo Ban Hoa vận. Sau 30.4.1975, chủ nhân căn nhà đã hiến nhà cho Nhà nước và chính thức được mang tên “Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa TP.HCM” |
Nghề làm chổi đót đã xuất hiện hơn 40 năm, tuy nhiên, những người làm nghề lâu năm nhất cũng không nhớ rõ nghề có từ khi nào. Chỉ biết nghề bắt nguồn từ người dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi khi di cư vào miền Nam đã đem cả cái nghề ở quê mình vào TP.HCM lập nghiệp và phát triển thành làng chổi đót |
Gần 100 năm hình thành, chợ Bình Tây ngày nay đã phát triển khá hoành tráng về quy mô, cũng như chủng loại hàng hóa. Tuy các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên dày đặc nhưng nơi này vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn hàng đầu ở TP.HCM |
Trường phái ẩm thực Phúc Kiến rất đặc biệt bởi sự tinh tế về thực đơn và sự chuẩn bị công phu. Một số thành phần được chế biến theo cách đặc biệt |
Nguồn: thanhnien.vn