Không ký hợp đồng nhập khẩu than với 34 doanh nghiệp Indonesia

7 tháng năm nay, Việt Nam chi khoảng 2,6 tỷ USD nhập 36,5 triệu tấn than. 

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp nhập khẩu than Việt Nam lưu ý trong quá trình giao dịch mua bán than từ Indonesia, không nên ký kết các thỏa thuận giao dịch mới với các doanh nghiệp này cho tới khi có thông báo mới từ chính quyền nước này.

Theo Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Khoáng sản Indonesia vừa công bố danh sách 34 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than của nước này tạm thời bị cấm xuất khẩu.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp này đã vi phạm quy định về nghĩa vụ tỷ lệ bán than tại nội địa khi không hoàn thành nghĩa vụ cung cấp than theo hợp đồng cho công ty nhà nước PT PLN (Persoro) và PT PLN Batubara trong giai đoạn từ 1/1-31/7. 

Lệnh cấm tạm thời bắt đầu từ ngày 7/8/2021 tới khi các doanh nghiệp này hoàn thành xong các nghĩa vụ cung cấp than cho thị trường nội địa. 

Không ký hợp đồng nhập khẩu than với 34 doanh nghiệp Indonesia

Danh sách 34 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than của Indonesia tạm thời bị cấm xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm nay, Việt Nam chi khoảng 2,6 tỷ USD nhập 36,5 triệu tấn than. Lượng than nhập khẩu về trong những tháng qua đã tăng 50% về lượng so với cùng kỳ 2019, bất chấp Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Riêng tháng 7, lượng than đá nhập về khoảng 5 triệu tấn, trị giá 294 triệu USD, tăng 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tấn than đá nhập về giá khoảng 58,8 USD (gần 1,4 triệu đồng).

Ba thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam là Indonesia, Nga và Trung Quốc. Trong đó, 11,2 triệu tấn than được nhập từ Indonesia, kim ngạch 540 triệu USD, với giá bình quân hơn 1,1 triệu đồng mỗi tấn. Còn lượng nhập từ Trung Quốc 7 tháng khoảng 140.000 tấn, giá 6,2 triệu đồng một thấn, gấp hơn 4 lần giá mua bình quân từ các nước, thị trường khác.

Nhập khẩu than của Việt Nam tăng nhanh vài năm gần đây do nhu cầu than cho các nhà máy điện, trong khi khai thác nội địa ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém do phải khai thác dưới độ sâu dẫn đến hiệu quả không cao.

Cụ thể hơn về thị trường Indonesia, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng than nhập khẩu từ quốc gia đạt 9,66 triệu tấn với giá trị kim ngạch 732,84 triệu USD giảm 9,3% về lượng và tăng 42,6% về giá trị.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu than từ Indonesia trong 7 tháng đầu 2021 tăng mạnh có nguyên nhân từ giá than quốc tế tăng cao do nhu cầu than tăng mạnh từ Trung Quốc và một số nước Bắc Á kéo theo giá than xuất khẩu của Indonesia gia tăng tương ứng.

Trong khi đó, giá than tham chiếu (HBA) tháng 7/2021 do chính phủ Indonesia công bố, làm cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than của nước này chào giá bán, tăng lên mức 115.99 USD/tấn, tăng 121,15% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 15% so với tháng 6. Nếu tính từ tháng 1-7 năm nay, giá than tham chiếu của nước này đã tăng gần 53%.