Cũng giống như tên gọi, mô hình này là sự kết hợp của hai mục tiêu chính đó là “khám phá du lịch” và “phát triển tình nguyện” ở vùng ĐBSCL bao gồm hai bộ phận.
Khơi dậy tình yêu từ thế hệ sinh viên
Bộ phận đầu tiên là nhóm những nhà sáng lập đóng vai trò là đầu não cho toàn bộ mô hình. Đây sẽ là những cá nhân hay tập thể với mong muốn khởi nghiệp và phát triển du lịch cho mảnh đất miền Tây thân thương. Họ sẽ có nhiệm vụ liên hệ với người dân địa phương, tìm kiếm thu hút vốn đầu tư, hỗ trợ những “đối tác” cách để phát triển du lịch dựa trên vốn sẵn có của mình. Và đây sẽ là bộ phận làm việc trực tiếp với người dân, chính quyền, giải quyết những vấn đề mang tính thủ tục, pháp lý để mô hình có thể được diễn ra đúng mục tiêu đã đề ra.
Bộ phận thứ hai nằm trong ban tổ chức cũng chính là bộ phận mà tác giả muốn hướng đến nhất đó chính là thế hệ dồi dào nguồn năng lượng trẻ. Trong cộng đồng sinh viên ở những tỉnh ĐBSCL nói riêng, những trường đại học, cao đẳng cả nước nói chung, có thể thành lập một nhóm tình nguyện về những vùng nghèo khó của miền Tây để tìm hiểu. Mặc dù có 13 tỉnh thành nhưng mức độ phát triển của các tỉnh lại không đồng đều và ở mỗi nơi lại có những khó khăn riêng và rất cần sự giúp đỡ một cách cụ thể.
Du lịch sông nước miền Tây – chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ |
Thế hệ sinh viên chính là nguồn lực tri thức trẻ lại có tinh thần nhiệt huyết, khát khao cống hiến và có tình yêu mãnh liệt đối với quê hương (người miền Tây), sự tò mò về một vùng đất mới (đối với sinh viên vùng khác). Chính vì thế, nhóm tình nguyện này có thể nghiên cứu về từng vùng quê nghèo khó của mỗi tỉnh thành và sau đó báo cáo lại với những nhà sáng lập để cùng nhau nghiên cứu, tìm ra những chương trình, kế hoạch, hoạt động giúp đỡ phù hợp. Khuyến khích những sinh viên, tổ chức được thành lập có thể liên kết với những sinh viên chuyên ngành du lịch để kết hợp những chuyến du lịch ngắn ngày hoặc dài ngày (hành trình khám phá văn hóa miền Tây) và làm tình nguyện.
Vẻ đẹp bình dị của miền Tây |
Dựa theo xu hướng bây giờ, có rất nhiều chương trình, dự án hay được tổ chức bởi các bạn sinh viên, đồng thời cũng kêu gọi được nhiều nhà tài trợ. Sinh viên càng lúc càng năng động, càng hội nhập, càng có nhiều ý tưởng sáng tạo và có bản lĩnh dám nghĩ dám làm. Mặt khác, hiện công nghệ thông tin phát triển và các bạn trẻ có thể tìm đến để liên kết với nhau tạo thành đội nhóm để cùng thực hiện mà trong đó có đủ chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau để phát triển thành công mô hình này.
Điều quan trọng nhất là cả hai nhóm đều cần bỏ thời gian nghiêm túc tìm hiểu về điều kiện sống, những khó khăn, tâm lý của người dân (cần lưu ý đến vấn đề tôn giáo vì đây là vùng đất màu mỡ nhờ sự bồi tụ của nhiều dòng chảy tôn giáo khác nhau) để có những cách hỗ trợ sao cho thiết thực nhất. Mặt khác, miền Tây cũng là mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển du lịch, du lịch sông nước là một loại hình không phải ở nơi nào cũng có và không phải nơi nào có cũng sẽ thành công.
Chính vì thế, cần phải tác động đến tư duy và tư tưởng, trau dồi tình yêu và tình thương đối với những sinh viên chuyên ngành du lịch nói riêng những ngành dịch vụ nói chung để họ có thể quay về cống hiến và phục vụ lại cho mảnh đất đầy tình người này, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.
Lan tỏa vẻ đẹp miền Tây qua mạng xã hội
Trong quá trình những tình nguyện viên hoặc “khách hàng” tham gia trải nghiệm, ban tổ chức có thể lên kế hoạch truyền thông, thu thập tư liệu để đăng lên website, fanpage của mình, vừa xây dựng được hình ảnh cho tổ chức đồng thời cũng có thể để dự án tiến gần hơn đến với mọi người. Có thể tìm và chủ động liên hệ với những blogger, những reviewer, những youtuber để có những sản phẩm nhận xét chất lượng về miền Tây trong những chuyến đi kết hợp của tổ chức.
Ngày nay thời đại công nghệ số hóa, mạng xã hội có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, chính vì thế truyền thông cũng đóng một vai trò quan trọng đến sự thành công của mô hình du lịch – tình nguyện kết hợp này. Nhấn mạnh lại một lần nữa đây là một mô hình mà trong đó nguồn nhân lực và chất lượng của nhân lực đóng vai trò quyết định.
Về phía chủ thể tổ chức (người sáng lập, tình nguyện viên) phải có trách nhiệm, tình yêu và đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu miền Tây một cách nghiêm túc. Về phía đối tác kết hợp (những hộ gia đình, cá nhân, tập thể) cần phải có uy tín, trách nhiệm, thân thiện, cởi mở và có vốn sống, vốn hiểu biết nhất định cũng như tình yêu dành cho mảnh đất quê hương của mình. Và cuối cùng đối tượng hướng đến (người tham gia) cũng cần là người có tinh thần cầu tiến, yêu đời và yêu người, có phẩm chất đạo đức, khát khao cống hiến hay chỉ đơn giản là muốn cho bản thân mình một trải nghiệm mới.
“Dù xa xôi tôi vẫn nhớ đồng bằng
Nhớ Cửu Long giang, nhớ miền Châu Thổ
Tháng bảy heo may, thơm mùi lúa trổ
Giai điệu nồng nàn, thương câu vọng cổ ai ca”.
Nguồn: thanhnien.vn